Cơ quan THADS cần phối hợp với các cơ quan có liên quan đến hoạt động THADS bởi nội dung việc THADS tác động đến quyền và lợi ích của nhiều chủ thể và liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Mục lục bài viết
1. Cơ sở lý luận Xuất phát từ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước:
Nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Về mặt lý thuyết, để thực thi phán quyết của cơ quan xét xử chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một cơ quan đa chức năng, vừa thực hiện chức năng xét xử, vừa có thể huy động lực lượng và tổ chức thi hành bản án, quyết định. Tuy nhiên, việc xây dựng bộ máy đa năng như vậy vừa cồng kềnh, vừa không đảm bảo tính khách quan trong tổ chức thực hiện, việc làm này giống như câu chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” do vậy đã dẫn đến yêu cầu phải tách bạch thẩm quyền và xây dựng các cơ quan chuyên môn độc lập trong thực thi nhiệm vụ.
Ở Việt Nam hiện nay, mỗi hệ thống cơ quan được tổ chức và hoạt động thực hiện chức năng quản lý một lĩnh vực riêng, chuyên sâu, thể hiện sự chuyên môn hóa trong phân công nhiệm vụ và tổ chức quyền lực Nhà nước. Đối với những hoạt động có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau thì sự liên kết giữa các cơ quan là yêu cầu bắt buộc để hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước giao phó. Cơ quan THADS là cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định dân sự nhằm mục đích đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo công lý, công bằng xã hội. Cơ quan THADS không phải cơ quan có thẩm quyền xét xử như Tòa án, không phải cơ quan có chức năng quản lý xã hội tại địa phương như UBND các cấp, không phải cơ quan có khả năng tự huy động lực lượng như cơ quan Công an và cũng không phải cơ quan quản lý chuyên môn về một lĩnh vực cụ thể. Cơ quan THADS không thể đơn thân độc mã” tự mình thực hiện nhiệm vụ bởi nội dung việc THADS tác động đến quyền và lợi ích của nhiều chủ thể và liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội vì vậy sự phối hợp giữa cơ quan THADS và các cơ quan có liên quan đến hoạt động THADS là một yêu cầu có tính tất yếu.
* Đảm bảo việc thực thi hiệu quả bản án, quyết định dân sự | Một bản án hay quyết định sau khi ban hành có thể được chấp hành hoặc không chấp hành, việc chấp hành án cũng có nhiều cấp độ khác nhau như chấp hành đầy đủ hoặc chấp hành không đầy đủ theo nội dung của bản án, quyết định. Chính vì vậy, việc bản án, quyết định sau khi ban hành được thực thi thôi là chưa đủ, một bản án hay một quyết định phải được thực thi có hiệu quả tức là nội dung phán quyết phải được thực thi đầy đủ, thực thi đúng thời gian, thực thi đúng đối tượng và không gây thiệt hại cho các bên liên quan. Về mặt lý thuyết, CHV có thể tự mình giải quyết việc thi hành án khi có đủ các điều kiện sau: bản án, quyết định của cơ quan xét xử tuyên chính xác, có tính khả thi; Các đương sự hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, người phải thi hành án có tài sản đồng thời tự nguyện THA, không có hành vi chống đối; CHV trong quá trình tổ chức thi hành án không gặp bất kỳ khó khăn, trở ngại nào. Tuy nhiên, thực tế công tác THADS không hề đơn giản như vậy. Không phải lúc nào bản án, quyết định cũng lập tức được các bên đương sự chấp hành. Không phải đương sự nào cũng có thông tin và địa chỉ rõ ràng để CHV có thể tiếp cận được ngay mà không cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Không phải lúc nào các đương sự cũng tự nguyện thi hành án và không cần sự giúp sức của cơ quan Công an. CHV cũng không thể tự mình xử lý tài sản của người phải thi hành án nếu không có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chuyên môn...
– Nhiều vụ việc thi hành án thì CHV tự mình có thể thi hành được nhưng việc thi hành án có thể kéo dài, mất nhiều thời gian và công sức, chưa kể đến việc CHV nếu đơn độc thực hiện nhiệm vụ còn có khả năng bị đe dọa về tính mạng, sức khỏe từ sự chống đối từ phía đương sự. Những hạn chế này sẽ được giảm thiểu tối đa nếu có sự tham gia phối hợp từ phía các cơ quan hữu quan. Chẳng hạn CHV có thể tự mình tìm kiếm địa chỉ của đương sự, nhưng nếu có sự tham gia giúp đỡ của đại diện chính quyền địa phương vốn thông thạo địa bàn thì CHV có thể thực hiện việc này dễ dàng và mất ít thời gian hơn, hơn nữa đại diện chính quyền còn có thể thuyết phục đương sự tự nguyện THA, hiệu quả công tác thuyết phục cũng cao hơn nhờ dựa trên các mối quan hệ sẵn có, người phải thi hành án có thể có ý thức chống đối hoạt động của CHV, nhưng nếu có sự hiện diện của lực lượng công an thì họ sẽ từ bỏ ý định này; tài sản của bên phải thi hành án sẽ được xử lý nhanh gọn khi có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn.
Có thể thấy, sự tham gia phối hợp của các cơ quan hữu quan tạo ra sức mạnh tổng hợp cho công tác THADS, làm tăng tính chính xác và đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc THA. Đồng thời, sự tham gia phối hợp của các cơ quan hữu quan cũng đem đến một giải pháp an toàn, góp phần loại trừ yếu tố rủi ro cho hoạt động nghiệp vụ của CHV từ đó đem lại hiệu quả cao hơn cho công tác THADS.
* Xuất phát từ mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong thi hành án dân sự
– Việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án trực tiếp ảnh hưởng đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế thì người phải thi hành án là người phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự đã tuyên trong bản án, quyết định dân sự không phải bao giờ cũng sẵn sàng thi hành nghĩa vụ của họ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp họ còn chây ỳ, cố tình chống đối không chịu thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình, tìm mọi cách để che giấu, tẩu tán tài sản, cản trở việc thi hành án làm cho cơ quan THADS gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh điều kiện THA.
Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập hiện nay các quan hệ dân sự ngày càng đa dạng và phức tạp, quyền và lợi ích của các bên đương sự hiện diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. CHV của cơ quan THADS có tài giỏi đến đâu cũng không thể có năng lực tổng hợp trên mọi lĩnh vực để giải quyết việc thi hành án và cân bằng lợi ích của các bên đương sự. Bởi vậy, nếu không có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan khác thì việc thực thi bản án, quyết định để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi của cơ quan THADS.
2. Cơ sở thực tiễn – Xuất phát từ thực tiễn thi hành bản án, quyết định dân sự:
Hiện nay, đất nước ta đang trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa – hiện đại hóa, quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương diễn ra sâu rộng, các quan hệ xã hội hình thành ngày càng đa dạng và đi kèm với đó là sự gia tăng các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, thương mại với tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác THADS. Thi hành án hình sự và THADS đều là việc thực thi bản án, quyết định của Tòa án, nếu xét về tính chất thì thi hành án hình sự áp đặt các chế tài nghiêm khắc hơn so với THADS nhưng hoạt động thi hành án hình sự có những thuận lợi riêng. Hoạt động thi hành án hình sự có đối tượng là một con người cụ thể, được đặc trưng bởi hệ thống trại giam, trại tạm giam được xây dựng và trang bị hiện đại, được tổ chức quản lý bằng đội ngũ cán bộ được đào tạo chính quy, bài bản. Trong khi đó, hoạt động THADS liên quan đến vấn đề tài sản của người phải thi hành án. Tài sản của người phải thi hành án có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, tài sản là động sản hay bất động sản, tài sản chung hay tài sản riêng, tài sản có tại một địa phương hay có thể phân bố tại nhiều địa phương khác nhau... Để xử lý tài sản của người phải thi hành án cơ quan THADS phải tiến hành xác minh, xử lý. Việc xác minh, xử lý bình thường đã gặp nhiều khó khăn chưa kể đến việc đương sự cố tình che giấu, tẩu tán, hủy hoại tài sản.
– Hoạt động THADS liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều đối tượng bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Các đối tượng này có quyền và lợi ích trái ngược nhau, có nhận thức và mong muốn mâu thuẫn nhau, quyền của người này là nghĩa vụ của người khác, lợi ích người này được nhận là trách nhiệm của người khác vì vậy việc THADS luôn gặp trở ngại do đã “động chạm” đến yếu tố lợi ích và khó lòng “thỏa mãn” cả đôi bên trong quan hệ dân sự. Hơn nữa, việc THADS liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng thuộc về chuyên môn quản lý của nhiều cơ quan, ban ngành nên công tác THADS có đem lại kết quả hay không điều này không thể chỉ dựa trên hoạt động của cơ quan THADS mà cần sự tham gia phối hợp của các cơ quan hữu quan và sự đồng lòng thực hiện của toàn xã hội.
Qua thực tiễn công tác THADS những năm gần đây cho thấy mối quan hệ giữa các cơ quan trong THADS ngày càng được củng cố, sự phối hợp ngày càng chặt chẽ đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ cho công tác này. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế là kết quả THADS hiện đang phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của sự phối hợp: Địa phương nào công tác THADS được quan tâm hỗ trợ chính quyền địa phương, có sự tham gia đầy đủ và có trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành thì THADS luôn đạt kết quả cao. Ngược lại, địa phương nào cơ quan THADS và các cơ quan hữu quan chưa định hình được các mối quan hệ phối hợp, chưa thực hiện sự phối hợp, sự phối hợp rời rạc, các cơ quan tham gia không đầy đủ, thực hiện không hết trách nhiệm thì việc thi hành án bị trì trệ, không giải quyết dứt điểm được dẫn đến việc tồn đọng kéo dài từ năm này qua năm khác, cơ quan THADS không hoàn thành được nhiệm vụ được giao, công lý không được thực thi, trật tự xã hội không được duy trì, tạo ra nhiều bức xúc trong dư luận.