Trên thực tế, trong bóng đá cũng xảy ra rất nhiều tranh chấp, ví dụ như tranh chấp giữa các thành viên trong cơ quan đó hoặc tranh chấp với những bộ phận thuộc Liên đoàn bóng đá của quốc gia khác. Vậy cơ quan nào giải quyết tranh chấp liên quan đến bóng đá?
Mục lục bài viết
1. Cơ quan nào giải quyết tranh chấp liên quan đến bóng đá?
Căn cứ Điều 62 Quyết định số 224/QĐ-BNV năm 2010 quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến bóng đá như sau:
– Mọi tranh chấp liên quan đến bóng đá phải được trình lên cơ quan phán xử của FIFA, AFC, AFF và Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
– Liên đoàn bóng đá Việt Nam cùng với các thành viên, quan chức, cầu thủ, các đại diện cầu thủ và các cơ quan tổ chức trận đấu tuyệt đối không được đưa bất cứ tranh chấp nào liên quan đến bóng đá ra tòa án trong hệ thống nhà nước (ngoại trừ các trường hợp đặc biệt được quy định trong Điều lệ và Quy định của FIFA).
– Với những tranh chấp liên quan đến bóng đá trong phạm vi nội bộ bóng đá Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Cụ thể như:
+ Những tranh chấp giữa các bộ phận, các thành viên trong Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
– Với những tranh chấp liên quan đến quốc tế: thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về FIFA.
Cụ thể như:
+ Những tranh chấp giữa các bộ phận thuộc các Liên đoàn quốc gia hoặc các Liên đoàn châu lục khác nhau.
2. Có những hình thức kỷ luật nào trong Liên đoàn bóng đá Việt Nam?
Căn cứ Điều 60 Quyết định số 224/QĐ-BNV năm 2010 quy định các hình thức xử lý kỷ luật trong bóng đá bao gồm;
Thứ nhất, những hình thức kỷ luật chính đối với tập thể:
– Nhắc nhở.
– Khiển trách.
– Cấm chuyển nhượng.
– Buộc phải thi đấu trên sân không có khán giả.
– Buộc phải thi đấu trên sân trung lập.
– Cấm thi đấu trên một sân cụ thể.
– Hủy bỏ kết quả trận đấu.
– Loại khỏi giải.
– Phạt tiền.
– Trừ điểm.
– Giáng xuống hạng thấp hơn.
– Cấm vào sân vận động.
– Tước danh hiệu và thu hồi giải thưởng.
Thứ hai, những hình thức kỷ luật chính đối với cá nhân:
– Nhắc nhở.
– Khiển trách.
– Cảnh cáo.
– Truất quyền thi đấu.
– Đình chỉ thi đấu.
– Cấm vào phòng thay đồ, hoặc hoạt động tại khu vực kỹ thuật.
– Cấm vào sân vận động.
– Cấm tham gia các hoạt động liên quan đến bóng đá.
– Phạt tiền.
– Tước danh hiệu và thu hồi giải thưởng.
3. Liên đoàn bóng đá Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Liên đoàn bóng đá Việt Nam hay còn gọi là VFF có vai trò và quyền hạn rất quan trọng trong nền bóng đá Việt Nam. Cụ thể như sau:
(1) Thực hiện phối hợp với các tổ chức kinh tế xã hội và cơ quan Nhà nước nhằm mục đích:
+ Tiến hành xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng bóng đá với các lứa tuổi, các đội tuyển quốc gia theo định hướng bóng đá chuyên nghiệp
+ Tiến hành xây dựng những chương trình đào tạo cán bộ quản lý cũng như huấn luyện viên, giảng viên, trọng tài bóng đá; từ đó có cơ chế sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ này.
+ Tiến hành huy động cũng như tập hợp các thành viên tham gia phát triển phong trào bóng đá tại Việt Nam. Với những lứa tuổi như học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên có năng khiếu và đam mê với bóng đá sẽ tập hợp lại bồi dưỡng, nâng cao thể chất, tạo được môi trường để rèn luyện, bồi dưỡng những tài năng bóng đá.
(2) Cùng với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hoạt động quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế về bóng đá.
Đặc biệt là hợp tác chặt chẽ với FIFA, AFC, AFF, các Liên đoàn Bóng đá quốc gia và các đối tác khác trong xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về bóng đá trên cơ sở luật và điều lệ của các tổ chức bóng đá quốc tế.
(3) Thực hiện xây dựng cũng như hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia một cách chuyên nghiệp đảm bảo sao cho phù hợp với hệ thống thi đấu của khu vực cũng như thế giới.
(4) Tiến hành tổ chức, quản lý và điều hành các giải bóng đá quốc gia và quốc tế thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam trên cơ sở đảm bảo phải tuân thủ Điều lệ, các quy định và các quyết định có liên quan của FIFA, AFC, AFF, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Luật thi đấu bóng đá do FIFA và IFAB.
(5) Cấp phép và trao quyền cho một thành viên hoặc các đơn vị, tổ chức khác đăng cai giải thi đấu bóng đá thuộc quyền quản lý, tổ chức và điều hành của Liên đoàn bóng đá Việt Nam trên cơ sở Điều lệ giải được Liên đoàn bóng đá Việt Nam thông qua.
(6) Thực hiện xây dựng nền bóng đá Việt Nam sao cho phát triển một cách lành mạnh, ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực xảy ra (cụ thể là tham nhũng, dàn xếp tỷ số, hối lộ, mua bán độ, phân biệt các chủng tộc, các tình trạng như bạo lực, xô xát trong thi đấu, dùng các chất kích thích bị cấm trong bóng đá).
(7) Thực hiện các chương trình để nhằm phát triển cũng như hỗ trợ các thành viên, các tổ chức bóng đá ở địa phương, các ngành về chuyên môn và nghiệp vụ.
(8) Đối với các thành viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải thực hiện bảo vệ quyền cũng như lợi ích một cách hợp pháp.
(9) Khi có những tranh chấp giữa các cầu thủ, cán bộ, huấn luyện viên và các thành viên khác thì phải có trách nhiệm giải quyết.
(10) Thực hiện huy động các nguồn lực của xã hội, thu hút các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế.
(11) Nhằm để tạo được các nguồn kinh phí cho hoạt động bóng đá thì Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức các hoạt động kinh tế theo quy định của pháp luật.
(12) Thực hiện tuyển chọn vận động viên, huấn luyện viên tham gia các đội tuyển quốc gia.
(13) Cử cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài, các đội tuyển quốc gia đi công tác, học tập, tập huấn và thi đấu ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
(14) Theo quy định, thực hiện ký hợp đồng với chuyên gia nước ngoài.
(15) Thực hiện đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về kế hoạch, chiến lược, chính sách để nhằm mục đích phát triển bóng đá.
(16) Xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ cho việc tập huấn và thi đấu bóng đá.
(17) Tiến hành ban hành cũng như đảm bảo thực hiện các quy định trong hoạt động quản lý, kiểm soát và điều hành môn bóng đá, cụ thể gồm:
– Tổ chức các trận đấu và các giải đấu bóng đá.
– Đăng ký và quản lý huấn luyện viên, trọng tài, cầu thủ bóng đá.
– Chuyển nhượng cầu thủ.
– Khai thác quyền thương mại, quyền truyền thông trong các giải đấu, các sự kiện do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức một cách phù hợp với các quy định của pháp luật.
(18) Đối với tất cả các quyền phát sinh từ các giải đấu và các sự kiện thuộc quyền quản lý, tổ chức, điều hành của Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ được quyền sở hữu (cụ thể gồm các quyền như quyền thu thanh, ghi hình; quyền về tài chính; sản xuất; phát thanh, truyền hình; truyền thông đa phương tiện; quảng cáo, tiếp thị; các quyền khác theo quy định).
(19) Trao quyền sử dụng và phân phối hình ảnh, âm thanh và các hình thức dữ liệu khác của các trận đấu và các sự kiện thuộc quyền quản lý, tổ chức và điều hành của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
4. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với các quyết định cuối cùng và bắt buộc của FIFA?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Quyết định số 224/QĐ-BNV năm 2010 quy định đối với các khiếu nại về các quyết định cuối cùng và bắt buộc của FIFA thì Tòa Trọng tài thể thao CAS đặt tại Lausanne, Thụy Sĩ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Nhưng những khiếu nại sau thì Tòa Trọng tài Thể thao CAS sẽ không giải quyết:
– Vi phạm Luật Thi đấu bóng đá
– Đình chỉ thi đấu tới 4 trận hoặc đến 3 tháng
– Cũng như các quyết định độc lập của Ban Giải quyết khiếu nại của các Liên đoàn Bóng đá quốc gia hoặc Liên đoàn Bóng đá Châu lục.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Quyết định số 224/QĐ-BNV phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.