Trong sự phát triển mạnh mẽ của quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, hải quan là cơ quan có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, là tổ chức đại diện cho quản lý Nhà nước đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu. Vậy cơ quan đó là cơ quan gì? mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Cơ quan hải quan là gì?
Cơ quan hải quan là thuật ngữ được dùng để chỉ các cơ quan thực hiện hoạt động hải quan, tức là cơ quan thực hiện nhiệm vụ ” kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” (Điều 12, Luật Hải quan).
Hệ thống các cơ quan hải quan được tổ chức thống nhất từ trung ương tới địa phương để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hoạt động của cơ quan hải quan phụ thuộc vào công chức hải quan, là những người có đủ điều kiện được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan hải quan; được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
2. Cơ cấu, hệ tống tổ chức của Hải quan Việt Nam:
Hải quan Việt Nam được khai sinh từ sự kiện thành lập “Sở thuế quan và thuế gián thu” vào thời điểm ngày 10 tháng 9 năm 1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thừa ủy quyền của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt nam dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh số 27 – SL. Ngay từ thời điểm đó, Nhà nước đã nhận thấy được tầm quan trọng của tổ chức này và tiếp tục tồn tại, phát triển cho đến ngày nay.
Theo điều 14 Luật Hải quan, hệ thống tổ chức của hải quan Việt Nam bao gồm:
2.1. Tổng cục Hải quan:
Đây là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về hải quan và tổ chức thực thi pháp luật về hải quan.
Cơ cấu tổ chức của Tổng cục hải quan bao gồm các Vụ ( Pháp chế; Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tài vụ – Quản trị); Văn phòng (có đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh); Thanh tra; Cục ( Giám sát quản lý về hải quan; Thuế xuất nhập khẩu; Điều tra chống buôn lậu; Kiểm tra sau thông quan; Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan) các cơ quan này là tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ngoài ra trong cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan còn có các đơn vị sự nghiệp công lập như Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (có Chi nhánh ở một số khu vực); Viện Nghiên cứu Hải quan; Trường Hải quan Việt Nam; Báo Hải quan.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục hải quan mang tính chất tổng quát và mang tính dẫn dắt, điều hành nhiều hơn, gắn bó mật thiết với Bộ tài chính như trình Bộ trưởng Bộ Tài chính để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; văn bản theo quy định của pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Hải quan….
2.2. Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Các cơ quan Hải quan này được ghi nhận trong các văn bản pháp luật, bao gồm:
– Cục Hải quan thành phố Hà Nội.
– Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh
– Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng
– Cục Hải quan thành phố Hải Phòng
– Cục Hải quan thành phố Cần Thơ
– Cục Hải quan tỉnh An Giang
– Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
– Cục Hải quan tỉnh Bình Định
– Cục Hải quan tỉnh Bình Dương
– Cục Hải quan tỉnh Bình Phước
– Cục Hải quan tỉnh Cà Mau
– Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng
– Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk
– Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai
– Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp
– Cục Hải quan tỉnh Điện Biên
– Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum
– Cục Hải quan tỉnh Hà Giang
– Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh
– Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang
– Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa
– Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn
– Cục Hải quan tỉnh Lào Cai
– Cục Hải quan tỉnh Long An
– Cục Hải quan tỉnh Nghệ An
– Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình
– Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam
– Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh
– Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi
– Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị
– Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh
– Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa
– Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các cục hải quan chịu sự quản lý và cũng được xem là một phần trong cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan.
Trong mỗi Cục Hải quan bao gồm: Văn phòng và các Phòng tham mưu giúp việc Cục trưởng Cục Hải quan; Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục hải quan là hoạt động áp dụng pháp luật và thực hiện các nghiệp vụ cần thiết để thực hiện hoạt động hải quan, ví dụ:
Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện các quy định của pháp luật về hải quan trên địa bàn, gồm:
– Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của pháp luật.
– Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa và các chất ma túy qua biên giới trong phạm vi địa bàn hoạt động. Phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, phòng, chống vận chuyển trái phép hàng hóa và các chất ma túy qua biên giới, ngoài phạm vi địa bàn hoạt động của Cục Hải quan theo quy định của pháp luật.
….
Có thể thấy, tùy thuộc vào mỗi địa bàn hoạt động và tồn tại của cơ quan hải quan mà hoạt động thực tế của cơ quan hải quan nhiều hay ít và đánh giá họ có hoạt động hiệu quả hay không.
2.3. Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương:
Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương là một phần trong cơ cấu hệ thống tổ chức của Hải quan Việt Nam, thuộc cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan. Số lượng chi cục, Đội kiểm soát ở tỉnh cũng có thể có sự khác nhau, tùy thuộc vào khối lượng công việc, quy mô, tính chất hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, đặc thù, điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa bàn.
Ví dụ, đối với Cục hải quan Thành phố Hà Nội có 8 Chi cục: Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài; Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh; Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội; Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, gia công ; Chi cục Hải quan Gia Thụy (ICD Gia Thụy) ; Chi cục Hải quan ga Đường sắt quốc tế Yên Viên; Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Bắc Thăng Long; Chi cục Hải quan Hoà Lạc.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục hải quan được pháp luật trao cho khá chi tiết, việc thực hiện hoạt động hải quan thông qua các cơ quan này thực sự đạt hiệu quả vì phân bố vùng nhỏ, dễ quản lý đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, cụ thể:
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
– Thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu, quá cảnh; hành lý, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện kiểm soát hải quan để phòng, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phòng, chống ma túy trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.
Phối hợp với các lực lượng chức năng khác để thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.
– Tiến hành thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện việc ấn định thuế, theo dõi, thu thuế nợ đọng, cưỡng chế thuế; đảm bảo thu đúng, thu đủ, nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước.
– Tổ chức thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định.
– Thực hiện thống kê nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thuộc phạm vi quản lý.
Kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về hải quan của công chức thuộc Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương.
Kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương.
Như vậy, có thể thấy rằng, quy định về hệ thống Hải quan Việt Nam, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan hải quan Việt Nam ngày càng hoàn thiện, là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà nước thiết lập các cơ quan một cách chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được trao, đảm bảo hết thực hiện đúng mục tiêu của hải quan Việt Nam.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
Luật Hải quan năm 2018.
Quyết định 02/2010/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.