Đăng ký tàu cá là gì? Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá? Quy định về số đăng ký và tên tàu cá, tàu công vụ thủy sản? Thủ tục đăng ký tàu cá?
Đối với mỗi ngư dân, tàu cá là phương tiện có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để họ thực hiện việc đánh bắt thuỷ hải sản. Để đảm bảo con tàu các đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn trước khi ra khơi, chủ tàu cần phải đưa tàu đi đăng ký, đăng kiểm. Vậy, cơ quan đăng ký tàu cá là cơ quan nào? Cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá có thủ tục ra sao? Đây chắc hẳn là thắc mắc của rất nhiều người. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Đăng ký tàu cá là gì?
Ta hiểu về đăng ký tàu cá như sau:
Tàu cá được hiểu là một loại phương tiện thủy có lắp động cơ hoặc không lắp động cơ, bao gồm tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.
Đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản được hiểu cơ bản chính là việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với tàu cá, tàu công vụ thủy sản nhằm mục đích để có thể xác lập quyền sở hữu và nghĩa vụ của chủ tàu.
Luật thủy sản năm 2017 quy định nội dung sau đây:
Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải được đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo quy định. Tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét do Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê phục vụ công tác quản lý.
Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được quy định như sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp không thời hạn đối với tàu cá đóng mới, cải hoán, nhập khẩu, mua bán, tặng cho, viện trợ;
– Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp có thời hạn bằng thời hạn thuê đối với trường hợp thuê tàu trần.
Trong cùng một thời gian, mỗi tàu cá, tàu công vụ thủy sản sẽ chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký và chỉ được cấp một giấy chứng nhận đăng ký.
Cơ quan đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản có trách nhiệm ghi vào Sổ đăng ký tàu cá quốc gia theo Mẫu được quy định sẵn trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản.
2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật thủy sản năm 2017, Tàu cá được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Tàu cá được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá khi có giấy tờ chứng minh về sở hữu hợp pháp tàu cá;
– Tàu cá được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá khi có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với tàu cá quy định phải đăng kiểm;
– Tàu cá được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá khi có giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký tàu cá đối với trường hợp thuê tàu trần; giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá đối với trường hợp nhập khẩu, mua bán, tặng cho hoặc chuyển tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Tàu cá được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá khi chủ tàu cá có trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú tại Việt Nam.
Như vậy, để các loại tàu cá được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá thì các tàu cá đó đều sẽ cần đáp ứng các quy định về điều kiện được nêu cụ thể bên trên. Nếu như thiếu một trong số các điều kiện nay thì tàu cá sẽ không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.
3. Quy định về số đăng ký và tên tàu cá, tàu công vụ thủy sản:
Điều 20 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT quy định về số đăng ký và tên tàu cá, tàu công vụ thủy sản như sau:
– Số đăng ký được viết hai bên mạn phía mũi tàu, trường hợp tàu nhỏ không thể viết số đăng ký ở bên mạn phía mũi tàu thì làm biển số gắn ở phía ngoài vách ca bin hoặc vách buồng ngủ, nếu tàu không có ca bin và buồng ngủ thì viết hoặc gắn vào bất kỳ vị trí nào của thân tàu, nơi dễ nhìn thấy.
– Chữ và số viết ngay ngắn, rõ ràng bằng kiểu chữ la tinh in đều nét, mầu chữ và số tương phản với mầu nền viết để nhìn rõ.
– Kích cỡ chữ và số phải tương xứng kích cỡ tàu, bề dày nét chữ và số không nhỏ hơn 30 mm, chiều cao chữ và số không nhỏ hơn 200mm. Đối với trường hợp tàu quá nhỏ, kích cỡ chữ và số phải đảm bảo rõ ràng, dễ nhìn thấy.
– Số đăng ký tàu cá gồm 03 nhóm ký tự (tính từ trái sang phải), các nhóm ký tự cách nhau bởi dấu “-” như sau:
+ Nhóm thứ nhất: Các chữ cái viết tắt tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
+ Nhóm thứ hai: Gồm 05 chữ số theo thứ tự từ 00001 đến 99999.
+ Nhóm thứ ba: Gồm 02 chữ: “TS” (Thủy sản).
– Số đăng ký tàu công vụ thủy sản gồm 03 nhóm ký tự (tính từ trái sang phải), các nhóm ký tự cách nhau bởi dấu “-” như sau:
+ Nhóm thứ nhất gồm 02 chữ cái “KN” đối với tàu kiểm ngư, thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động thủy sản và “NC” đối với tàu điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản.
+ Nhóm thứ hai gồm 03 chữ số theo Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
+ Nhóm thứ ba gồm 02 chữ cái “VN” đối với tàu do Trung ương quản lý hoặc các chữ cái viết tắt tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này đối với tàu địa phương quản lý.
Như vậy, số đăng ký và tên tàu cá, tàu công vụ thủy sản cần được thực hiện theo đúng quy định được nêu cụ thể bên trên. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần lưu ý rằng, tên tàu cá do chủ tàu tự đặt và được kẻ phía trên vách cabin.
4. Thủ tục đăng ký tàu cá:
Căn cứ pháp lý: Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
Thẩm quyền đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản:
– Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh cấp đăng ký tàu cá trên địa bàn.
– Tổng cục Thủy sản cấp đăng ký tàu công vụ thủy sản.
Hồ sơ đối với tàu đóng mới bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau:
– Tờ khai đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản theo Mẫu số 02.ĐKT Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
– Bản chính Giấy chứng nhận xuất xưởng do chủ cơ sở đóng tàu cấp theo Mẫu số 03.ĐKT Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
– Bản chính văn bản chấp thuận đóng mới đối với tàu cá hoặc văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền đối với tàu công vụ thủy sản.
– Bản chính biên lai nộp thuế trước bạ của tàu hoặc bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ của tàu có xác nhận của cơ quan thuế.
– Ảnh màu (9 x 12 cm, chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu).
– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu (đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên).
Hồ sơ đối với tàu cải hoán bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau:
– Thành phần hồ sơ gồm các tài liệu tại điểm a, d, đ, e như đối với hồ sơ đăng ký tàu đóng mới được quy định tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
– Bản chính Giấy chứng nhận cải hoán, sửa chữa tàu theo Mẫu số 04.ĐKT Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký cũ.
– Văn bản chấp thuận cải hoán đối với tàu cá hoặc văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền đối với tàu công vụ thủy sản.
Hồ sơ đối với tàu được mua bán, tặng cho gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau:
– Thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm a, d, đ, e Khoản 2 Điều 21 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
– Bản chính Giấy tờ chuyển nhượng quyền sở hữu tàu theo quy định.
– Văn bản chấp thuận mua bán tàu cá, trừ trường hợp tàu cá mua bán trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cũ kèm theo hồ sơ đăng ký gốc của tàu.
– Bản chính Giấy chứng nhận xóa đăng ký.
Hồ sơ đối với tàu nhập khẩu gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau:
– Thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm a, d, đ, e Khoản 2 Điều 21 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
– Bản sao có chứng thực văn bản cho phép nhập khẩu tàu cá của cơ quan có thẩm quyền.
– Bản chính Giấy chứng nhận xóa đăng ký kèm theo bản sao có chứng thực bản dịch tiếng Việt đối với tàu cá, tàu công vụ thủy sản đã qua sử dụng.
– Bản sao có chứng thực Tờ khai hải quan có xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan.
– Bản sao có chứng thực biên lai nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hồ sơ đối với tàu thuộc diện thuê tàu trần gồm:
– Thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm a, đ, e Khoản 2 Điều 21 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT.
– Bản chính Giấy chứng nhận xóa đăng ký kèm theo bản sao có chứng thực bản dịch tiếng Việt đối với tàu cá, tàu công vụ thủy sản đã qua sử dụng.
– Bản sao có chứng thực Tờ khai hải quan có xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan.
– Bản sao có chứng thực biên lai nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Bản chính văn bản chấp thuận cho thuê tàu trần do cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp.
– Bản chính hợp đồng thuê tàu trần.
Trình tự thực hiện bao gồm các bước sau:
– Bước 1; Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (cổng thông tin một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax) nếu có.
– Bước 2: Nộp hồ sơ:
+ Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ;
+ Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT có văn bản
– Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký, vào Sổ đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản theo Mẫu số 05.ĐKT Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông t 23/2018/TT-BNNPTNTvà cấp Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá theo Mẫu số 06.ĐKT Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
– Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT sẽ tiến hành trả kết quả trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.