Cơ quan đại diện ngoại giao là cơ quan nhà nước quan trọng trong các mối giữa các quốc gia trên trường quốc tế. Vậy cơ quan đại diện ngoài giao là gì mà lại quan trong như vậy? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Cơ quan đại diện ngoại giao là gì?
Ngoại giao được hiểu là hoạt động chính thức của các cơ quan quan hệ đối ngoại của nhà nước, bằng các biện pháp hòa bình, nhằm thực hiện những mục đích và nhiệm vụ đối ngoại cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước và công dân mình ở nước ngoài.
Cơ quan đại diện ngoại giao không được giải thích trong bất kỳ văn bản pháp lý nào, kể cả Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao. Khái niệm về cơ quan này chỉ được rút ra từ đặc điểm, cũng như chức năng trên cơ sở luật định, theo đó, cơ quan đại điện ngoại giao là cơ quan nhà nước, được Nhà nước đặt trụ sở trên một quốc gia khác (quốc gia sở tại) để thực hiện quan hệ ngoại giao với quốc gia đó.”. Theo pháp luật Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao là cơ quan đại diện cao nhất của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận. Cơ quan đại diện ngoại giao được được Chính phủ thành lập và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý.
Nguyên tắc thiết lập quan hệ ngoại giao và lập cơ quan đại diện ngoại giao dựa trên cơ sở thỏa thuận của hai bên. Khi thiết lập quan hệ ngoại giao, các bên đồng thời thỏa thuận về việc mở cơ quan đại diện ngoại giao, trong đó xác định rõ về cấp của cơ quan này. Ví dụ: Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản: 21/9/1973; Ngày lập Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản: 16/01/1976.
Mặc dù, cơ quan đại diện ngoại giao được chia thành Đại sứ quán và Công sứ quán, tuy nhiên, hiện này Công sứ quán tồn tại rất ít và chủ yếu là Đại sứ quán (Việt Nam cũng thiết lập hình thức cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ quán).
Cơ quan đại diện ngoại giao bắt đầu hoạt động sau khi đã thực hiện các thủ tục đề nghị xin chấp thuận của nước nhận đại diện; bổ nhiệm chính thức người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao; người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao đến nước nhận đại diện; người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao chính thức nhận nhiệm vụ. Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao theo pháp luật Việt Nam là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền hoặc Đại biện trong trường hợp chưa cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
Cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện ngoại giao các nước được sắp xếp khác nhau và được quy định căn cứ vào truyền thống và đặc trưng của các mối quan hệ giữa nước cử đại diện với nước nhận đại diện. Thông thường, trong đại sứ quán có các bộ phận: Văn phòng, phòng chính trị, phòng kinh tế, phòng văn hóa, phòng lãnh sự, tùy viên quân sự. Thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao được chia ra làm loại: Viên chức ngoại giao; nhân viên hành chính- kỹ thuật; nhân viên phục vụ. Quy định chung về cơ quan đại diện ngoại giao cũng một phần tác động đến quy định của pháp luật Việt Nam, theo đó, tại khoản 3, Điều 14, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài quy định về tổ chức bộ máy của cơ quan đại diện như sau:
‘…..
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định cụ thể về cơ cấu tổ chức và nhân sự của từng cơ quan đại diện để phụ trách các lĩnh vực sau đây:
a) Chính trị;
b) Quốc phòng – an ninh;
c) Kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học – công nghệ;
d) Văn hóa, thông tin, báo chí và giáo dục – đào tạo;
đ) Lãnh sự và công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;
e) Hành chính, lễ tân, quản trị.”
Khi thiết lập quan hệ ngoại giao và lập cơ quan đại diện ngoại giao, theo thông lệ quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao sẽ được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao– là những quyền ưu đãi, miễn trừ đặc biệt mà nước tiếp nhận, phù hợp với luật quốc tế, dành cho cơ quan đại diện ngoại giao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ ngoại giao của các cơ quan đó, cụ thể:
– Quyền bất khả xâm phạm về trụ sở.
– Quyền bất khả xâm phạm về hồ sơ lưu trữ và tài liệu.
– Quyền miễn thuế và lệ phí.
– Quyền tự do thông tin liên lạc.
– Quyền bất khả xâm phạm về bưu phẩm và thư tín ngoại giao.
– Quyền treo quốc kỳ, quốc huy.
2. Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện ngoại giao:
Chức năng của cơ quan đại diện ngoại giao được quy định cụ thể tại Điều 3, Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao như sau:
– Đại diện cho Nước cử đi tại Nước tiếp nhận. Đây là hoạt động của cơ quan mang tiếng nói của quốc gia trên nước sở tại, việc đại diện có thể thực hiện qua lời nói hoặc hành vi, thể hiện quan điểm của của nhà nước tới nước tiếp nhận trong các lĩnh vực thiết lập ngoại giao.
– Bảo vệ quyền lợi của Nước cử đi và của công dân Nước cử đi tại Nước tiếp nhận trong phạm vi cho phép của luật quốc tế. Đây là chức năng cực kỳ quan trọng, phần lớn tại các nơi mà nhà nước đặt cơ quan đại diện ngoại giao đều có cộng đồng dân cư của nước cử đi, việc bảo vệ quyền lợi cho họ là điều tất yếu trong việc gắn trách nhiệm của nhà nước trong đối với công dân thông qua chế định quốc tịch.
– Đàm phán với Chính phủ Nước tiếp nhận. Đàm phán là quá trình trao đổi, thương lượng giữa cơ quan đại diện ngoại giao và chính phủ Nước tiếp nhận để đưa ra kết quả cuối cùng về một vấn đề nào đó. Đàm phán thường diễn ra khi có sự mẫu thuẫn hoặc bất đồng trong một số ý kiến trong quá trình hợp tác, ngoại giao giữa các hai quốc gia.
– Tìm hiểu bằng mọi cách hợp pháp các điều kiện và các sự kiện tại Nước tiếp nhận và báo cáo với Chính phủ của Nước cử đi. Điều nhận mạnh nhất trong chức năng này đó là “mọi cách hợp pháp” các hành vi không hợp pháp được coi là vi phạm luật quốc tế. Chức năng này cũng hoàn toàn phù hợp với tư cách là một cơ quan nhà nước được nhà nước cử đi trên cương vị đại diện cho Nhà nước.
– Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và phát triển quan hệ kinh tế, văn hoá và khoa học giữa Nước cử đi và Nước tiếp nhận. Chức năng này có ý nghĩa quan trọng, giúp cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên khăng khít, tốt đẹp hơn, là điều kiện để nước cử đi học hỏi được sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là những nước đang phát triển đặt cơ quan đại diện ngoại giao trên các nước phát triển.
3. Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam:
Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài không quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, mà chỉ nêu rằng:
“Cơ quan đại diện thực hiện chức năng, nhiệm vụ cụ thể theo quyết định thành lập của Chính phủ, phù hợp với thỏa thuận giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận, phù hợp với pháp luật quốc tế.
…….
Cơ quan đại diện ngoại giao có thể thực hiện chức năng đại diện tại một hay nhiều quốc gia hoặc tổ chức quốc tế và có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ ngoại giao, lãnh sự do quốc gia khác ủy nhiệm.
Cơ quan đại diện ngoại giao có trách nhiệm thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận và có quyền kiểm tra hoạt động đối ngoại của cơ quan đại diện lãnh sự tại quốc gia tiếp nhận.”
Như vậy, có thế thấy, chức năng của cơ quan đại diện ngoại giao đã được tỏ rõ thông qua quy định của Công ước Viên, đây là cơ sở cốt lõi để pháp luật các quốc gia ban hành văn bản pháp luật về cơ quan đại diện ngoại giao của nước mình và không được trái với pháp luật quốc tế. Trên cơ sở chức năng đó, cơ quan đại diện ngoại giao sẽ có các nhiệm vụ cụ thể thực hiện chức năng hiệu quả, nhiệm vụ đó sẽ được ấn định trên cơ sở quyết định của chủ thể có thâm quyền của quốc gia. Ngày nay, hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao nói chung và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nói riêng ngày càng phát triển mạnh mẽ, phát huy được vai trò, ý nghĩa của cơ quan mình, mang tiếng nói dân tộc đến với gần hơn với bạn bè quốc tế.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Công ước Viên của Liên hợp quốc ngày 19/04/1961 về quan hệ ngoại giao.
– Văn bản hợp nhất 08/VBHN-VPQH năm 2017 về hợp nhất Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài do Văn phòng Quốc hội ban hành.