Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể doanh nghiệp? Quy định về giải thể doanh nghiệp?
Giải thể tức là chỉ sự không còn hoặc hoạt động không còn đủ điều kiện để tồn tại như một chỉnh thể, một tổ chức nữa. Theo đó, giải thể doanh nghiệp có thể được hiểu là việc chấm dứt tư cách pháp nhân và chấm dứt các quyền, nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp. Có rất nhiều lý do khiến các doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh hoặc sau một thời gian hoạt động lại quyết định giải thể. Lý do giải thể có thể là do các chủ sở hữu đã đạt được mục tiêu đặt ra hoặc không thể tiến hành hoạt động kinh doanh được nữa hoặc doanh nghiệp bị cơ quan chức năng buộc phải giải thể theo quy định của pháp luật. Vậy cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định giải thể doanh nghiệp? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
1. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể doanh nghiệp
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, cơ quan có thẩm quyền trong giải thể doanh nghiệp bao gồm các cơ quan sau:
1.1. Tòa án
Căn cứ theo quy định tại Điều 209 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc theo quyết định của tòa án.
Theo đó, cơ quan đăng ký kinh doanh khi ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ngay sau khi nhận được quyết định giải thể doanh nghiệp của Tòa án đã có hiệu lực thi hành thì phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Kèm theo đó là thông báo phải đăng tải quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định giải thể doanh nghiệp của Tòa án. Như vậy, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải thể doanh nghiệp.
1.2. Cơ quan đăng kí kinh doanh
Căn cứ theo quy định tại khoản e Điều 216 Luật doanh nghiệp 2020 thì cơ quan đăng kí kinh doanh có nhiệm vụ và quyền hạn xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp làm thủ tục giải thể theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Như vậy, cơ quan đăng kí kinh doanh có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp làm thủ tục giải thể doanh nghiệp.
2. Quy định về giải thể doanh nghiệp
2.1. Các trường hợp giải thể doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, có 04 trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, bao gồm:
– Trường hợp kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.
Trong trường hợp Điều lệ công ty có quy định về thời hạn hoạt động thì khi hết thời hạn hoạt động được ghi trong Điều lệ công ty mà các thành viên không muốn xin gia hạn hoạt động, thì doanh nghiệp phải tiến hành giải thể. Việc quy định thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có thể do thỏa thuận của các thành viên công ty, cổ đông sáng lập công ty hoặc do sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp doanh nghiệp giải thể theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp giải thể theo quyết định của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, theo quyết định của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
Quyết định giải thể doanh nghiệp này thể hiện sự tự nguyện của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp của mình. Việc chủ sở hữu doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh có thể bắt nguồn từ những lý do khác nhau, chẳng hạn như lợi nhuận công ty thấp, thua lỗ kéo dài, có mâu thuẫn nội bộ hoặc công ty không còn phù hợp với mục đích kinh doanh đề ra ban đầu và nhiều yếu tố khác. Trong trường hợp này, chủ doanh nghiệp có thể ra quyết định giải thể doanh nghiệp để thu hồi vốn hoặc chuyển sang kinh doanh những loại hình doanh nghiệp khác với những chủ thể khác. Đây là quyết định hoàn toàn mang tính tự nguyện và chủ động của chủ sở hữu doanh nghiệp.
– Trường hợp công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Có đủ số lượng thành viên tối thiểu là một trong những điều kiện để doanh nghiệp tồn tại và hoạt động. Pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu cho mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau. Số lượng thành viên tối thiểu theo quy định đối với công ty cổ phần là ba, số lượng thành viên tối thiểu theo quy định đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên là hai. Đối với công ty hợp danh, pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu phải có ít nhất hai cá nhân là thành viên hợp danh. Khi không có đủ số lượng thành viên tối thiểu để tiếp tục tồn tại thì doanh nghiệp phải kết nạp thêm thành viên cho đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật. Nếu trong thời hạn 6 tháng liên tục mà doanh nghiệp không tiến hành kết nạp thêm thành viên khi số lượng thành viên của doanh nghiệp không đủ hoặc không chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp phù hợp thì sẽ phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.
– Trường hợp doanh nghiệp giải thể do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải triệu tập họp để quyết định giải thể doanh nghiệp. Để thành lập doanh nghiệp, người thành lập phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký kinh doanh đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và hợp pháp của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp trên cơ sở hồ sơ hợp lệ, ghi nhận sự ra đời và công nhận về mặt pháp lý sự xuất hiện của doanh nghiệp trên thị trường. Có thể thấy rằng, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chính là tấm giấy thông hành để doanh nghiệp có thể tiến hành các hoạt động của mình trên thị trường cũng như xác lập các quan hệ pháp lý với cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật. Do vậy, khi doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng có nghĩa là Nhà nước rút lại sự công nhận tư cách chủ thể kinh doanh đối với doanh nghiệp và doanh nghiệp không còn được công nhận về địa vị pháp lý và không còn được tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp theo hai hình thức chính là:
– Giải thể doanh nghiệp tự nguyện
+ Quyết định giải thể doanh nghiệp theo hình thức này thể hiện sự tự nguyện của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp của mình vì những lý do khác nhau, chẳng hạn như không còn phù hợp với mục đích kinh doanh đề ra ban đầu hay thua lỗ kéo dài, lợi nhuận doanh nghiệp thấp, có mâu thuẫn nội bộ,… và nhiều yếu tố khác thì chủ doanh nghiệp hoàn toàn có quyền quyết định việc giải thể doanh nghiệp với doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh ra quyết định việc giải thể doanh nghiệp đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty ra quyết định việc giải thể doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Đại hội đồng cổ đông ra quyết định việc giải thể doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
+ Trường hợp Điều lệ công ty có quy định về thời hạn hoạt động mà khi hết thời hạn hoạt động được ghi trong Điều lệ công ty, nếu các thành viên không muốn xin gia hạn hoạt động, thì doanh nghiệp phải tiến hành giải thể. Việc quy định thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có thể do thỏa thuận của các thành viên, cổ đông sáng lập công ty, hoặc do sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Giải thể doanh nghiệp bắt buộc đối với trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
+ Khi doanh nghiệp không có đủ số lượng thành viên tối thiểu để tiếp tục tồn tại theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải kết nạp thêm thành viên cho đủ số lượng thành viên tối thiểu. Nếu trong thời hạn 6 tháng liên tục mà doanh nghiệp không tiến hành kết nạp thêm thành viên khi số lượng thành viên không đủ hoặc không chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp phù hợp thì doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.
+ Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp phải triệu tập họp để quyết định giải thể doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được phép giải thể, mà theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Cụ thể, doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi đối với những người có liên quan, bao gồm: người lao động, chủ nợ, đối tác kinh doanh, cơ quan nhà nước …
2.2. Điều kiện giải thể doanh nghiệp
Các quy định về giải thể doanh nghiệp không chỉ tạo cơ sở pháp lý để chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn các quy định đó còn bảo vệ quyền lợi của những chủ thể có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của chủ nợ và người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt tồn tại, ngoài ra còn có quyền lợi của đối tác kinh doanh, cơ quan nhà nước. Do đó việc xác định rõ điều kiện để tiến hành giải thể doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Vấn đề quan trọng trong giải thể doanh nghiệp là giải quyết những khoản nợ và những hợp đồng mà doanh nghiệp đã giao kết trước khi chấm dứt tồn tại. Các khoản nợ và hợp đồng này có thể được thực hiện bằng các giải pháp như: doanh nghiệp tiến hành thanh toán hết các khoản nợ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ hợp đồng; doanh nghiệp chuyển giao nghĩa vụ thanh toán nợ và nghĩa vụ hợp đồng cho chủ thể khác theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan và theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 207
Như vậy, giải thể doanh nghiệp có hai trường hợp là giải thể tự nguyện hoặc giải thể bắt buộc. Nhưng cho dù là giải thể doanh nghiệp trong trường hợp tự nguyện hay giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bắt buộc thì điều kiện đặt ra là doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán được các nghĩa vụ tài chính của mình. Đây là quy định nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan tới doanh nghiệp như người lao động trong doanh nghiệp hay các chủ nợ, đối tác của doanh nghiệp,…