Ủy ban nhân dân có tư cách tính cách là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, nên Ủy ban nhân dân mang rất nhiều trọng trách, nhiệm vụ quan trọng. Ủy ban nhân dân để thực hiện hoạt động tham mưu, giúp đỡ Ủy ban nhân dân.
Mục lục bài viết
1. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân là gì?
Tại Điều 9. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định “Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện, là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên.”
Như vậy, có thể hiểu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân là cơ quan có nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp, sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác từ trung ương đến cơ sở.
Hiện nay, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân gồm cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, gồm các sở; và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện gồm các phòng.
Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tiếng Anh là: “The specialized agency of the People’s Committee”.
2. Chức năng của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân:
Tại Điều 3 của Nghị định 24/2014/NĐ- CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2020/NĐ- CP quy định về chức năng của của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh là “thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”
Tại điều 3 của Nghị định số 37/2014/NĐ- CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 108/2020/NĐ – CP quy định về chức năng của Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan này thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện và theo quy định của pháp luật; góp phần bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác ở địa phương.
Như vậy, cơ quan chuyên môn dù thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay Ủy ban nhân dân cấp huyện thì cũng có các chức năng chính:
– Thực hiện một hoặc một số chức năng: tham mưu, quản lí, hành chính, kĩ thuật, hậu cần… để giúp các cơ quan có thẩm quyền về lãnh đạo và quản lí đất nước về những lĩnh vực chuyên sâu như tư tưởng, tổ chức, cán bộ, kinh tế, đối ngoại, kế hoạch, tài chính, thanh tra, kiểm tra, vv.
– Thực hiện chức năng sự nghiệp hoặc dịch vụ, làm những công việc chuyên sâu về các lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu đa dạng của đời sống xã hội như y tế, lao động và việc làm, thiết kế xây dựng, công chứng, báo chí,…
3. Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân:
Hiện nay Tại Ủy ban nhân dân tỉnh gồm có 17 cơ quan chuyên môn. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 24/2014/NĐ- CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2020/NĐ- CP quy định về các sở cũng như nhiệm vụ chính của các sở này. Theo đó
– Sở Nội vụ thực hiện tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính, cải cách chế độ công chức, công vụ; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tín ngưỡng, tôn giáo; công tác thanh niên; thi đua, khen thưởng…
– Sở Tư pháp: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; pháp chế; công chứng, chứng thực; nuôi con nuôi; trọng tài thương mại; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; luật sư,
– Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Tổng hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; tổ chức thực hiện và đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở địa phương; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn viện trợ phi chính phủ; đấu thầu; đăng ký kinh doanh; tổng hợp về doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân.
– Sở Tài chính tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Tài chính; ngân sách nhà nước; thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; tài sản nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; kế toán; kiểm toán độc lập; giá và các hoạt động dịch vụ tài chính tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Sở Công Thương thực hiện Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; dầu khí (nếu có); hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoán sản (trừ vật liệu xây dựng); công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến khác; tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; lưu thông hàng hóa trên địa bàn; xuất khẩu, nhập khẩu; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn.”
– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi và phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thủy sản, muối theo quy định của pháp luật.
– Sở Giao thông vận tải: tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt đô thị; vận tải; an toàn giao thông; quản lý, khai thác, duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông đô thị gồm: Cầu đường bộ, cầu vượt, hè phố, đường phố, dải phân cách, hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu điều khiển giao thông, hầm dành cho người đi bộ, hầm cơ giới đường bộ, cầu dành cho người đi bộ, bến xe, bãi đỗ xe.
– Sở Xây dựng: thực hiện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (bao gồm: Cấp nước, thóat nước đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; chiếu sáng đô thị; công viên, cây xanh đô thị; quản lý nghĩa trang, trừ nghĩa trang liệt sỹ; kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, không bao gồm việc quản lý khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý xây dựng ngâm đô thị; quản lý sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị); nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoán sản, địa chất; môi trường; chất thải rắn; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo (đối với các tỉnh có biển, đảo).”
Sở Thông tin và Truyền thông: thực hiện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin; điện tử; phát thanh và truyền hình; thông tin đối ngoại; bản tin thông tấn; thông tin cơ sở; hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: thực hiện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Lao động, tiền lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp; giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm); bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo (không bao gồm nội dung quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin); việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sở Khoa học và Công nghệ: tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Hoạt động khoa học và công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; an toàn bức xạ và hạt nhân.
Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo; nhà giáo và công chức, viên chức quản lý giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em; quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ.
Sở Y tế Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số – kế hoạch hóa gia đình.
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân.
Văn phòng Ủy ban nhân dân: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về: Chương trình, kế hoạch công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; kiểm soát thủ tục hành chính; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của địa phương; tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức về hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đầu mối Cổng thông tin điện tử, kết nối hệ thống thông tin hành chính điện từ phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quản lý công báo và phục vụ các hoạt động chung của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý công tác quản trị nội bộ của Văn phòng.
Ở một số địa phương có thể có một số sở đặc thù: Sở Ngoại vụ; Ban Dân tộc; Sở Quy hoạch- Kiến trúc; Sở Du lịch
Tại Nghị định số 37/2014/NĐ- CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 108/2020/NĐ – CP quy định về các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện gồm Phòng Nội, vụ; phòng tư pháp; phòng tài chính- kế hoạch; phòng tài nguyên và môi trường, phòng lao động- thương binh và xã hội; phòng văn hóa và thông tin; phòng giáo dục và đào tạo; phòng y tế; thanh tra huyện; Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ( hoặc Văn phòng Ủy ban nhân dân)
Ở các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thì sẽ có thêm phòng kinh tế, phòng quản lý đô thị
Còn ở các huyện có thêm các phòng: phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng. Tùy từng địa phương có thể có thêm Phòng dân tộc.
Ở các huyện đảo thì Số lượng cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện đảo không quá 10 phòng. Riêng đối với huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang được thành lập không quá 12 phòng
Các Phòng có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện tương đương với nhiệm vụ của các sở đã nêu ở trên.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019.
– Nghị định số 24/2014/NĐ- CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Nghị định số 37/2014/NĐ- CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
– Nghị định số 107/2020/NĐ- CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ- CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Nghị định số 108/2020/ NĐ- CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ- CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.