Việc ghi nhận bằng pháp luật các quyền HN&GĐ của những người thuộc nhóm LGBT là yêu cầu tất yếu, khách quan, là cần thiết để bảo đảm quyền con người của cá nhân và bảo đảm thực hiện và bảo vệ các quyền của nhóm người LGBT trong đời sống xã hội.
Việc ghi nhận bằng pháp luật các quyền HN&GĐ của những người thuộc nhóm LGBT là yêu cầu tất yếu, khách quan, là cần thiết vì những lý do sau:
Mục lục bài viết
1. Bảo đảm quyền con người của cá nhân:
Nhóm người LGBT là một bộ phận trong cộng đồng xã hội, họ có nghĩa vụ và quyền được hưởng các quyền bình đẳng, ngang bằng như mọi cá nhân khác trong xã hội. Nhóm người LGBT cần được pháp luật ghi nhận về sự công bằng trong quyền được sống, quyền tự do và được mưu cầu hạnh phúc. Xã hội cần nhìn nhận nhóm người LGBT với cái nhìn công bằng và tôn trọng chứ không phải coi họ là những người “mang bệnh” để kỳ thị, xúc phạm họ. Theo John Locke cho rằng “con người sinh ra tự do, tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào”. Như vậy, quyền được công khai xu hướng tình dục của mình và sống theo bản năng của xu hướng tình dục đó là một phần của tự do. Nhưng trên thực tế, người đồng tính khi công khai xu hướng tình dục, thực hiện “quyền tự do” nói trên lại gặp nhiều sự cản trở đến từ các thành kiến xã hội.
Với tư cách là một con người, người LGBT cũng được quyền hưởng tất cả những quyền mà tất cả mọi người đều có cụ thể “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” (Điều 1, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền). Nhóm người LGBT là một nhóm chiếm số lượng nhỏ trong xã hội, họ không có “đặc quyền” hơn những người khác mà quyền của nhóm người LGBT được hiểu là quyền con cơ bản của con người. Theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, con người có 3 nhóm quyền cơ bản bao gồm: quyền dân sự, quyền kinh tế, quyền văn hóa xã hội. Trong nhóm quyền dân sự, quyền hôn nhân và gia đình là một trong các quyền cần được thừa nhận đối với tất cả mọi người, bởi vì các quyền HN&GĐ là những quyền gắn với bản chất tự nhiên của con người nhất, thể hiện nhu cầu mang tính sinh tồn của con người. Khi cá nhân có được các quyền tự nhiên về HN&GĐ thì cá nhân mới có thể theo đuổi các quyền khác như các quyền kinh tế, chính trị...
Năm 1943, hệ thống nhu cầu của Maslow* – một lý thuyết về tâm lý học, được đề xuất trong Đánh giá Tâm lý học, nói đến “nhu cầu được giao lưu tình cảm” tầng thứ 3 của học thuyết. Đó là nhu cầu có mối quan hệ với người khác cũng giống như là nhu cầu căn bản như được ăn, được uống, được sáng tạo. Sau khi các nhu cầu về sinh lý và an toàn được hoàn thành, con người tập trung sự chú ý vào nhu cầu giao lưu tình cảm. Có thể hiểu mọi người đều có nhu cầu được giao lưu tình cảm, được mưu cầu hạnh phúc cho chính bản thân mình. Quyền mưu cầu hạnh phúc gắn liền với quyền con người. Là một chủ thể giống như các chủ thể khác trong xã hội, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhóm người LGBT trước hết đó là nhu cầu, khả năng, sau đó là đặc quyền tự nhiên của chính bản thân họ không ai có quyền hạn chế hoặc xâm phạm đến.
Dưới những ảnh hưởng của sự kì thị, phân biệt đối xử, nhóm người LGBT được xem là nhóm yếu thế trong xã hội. Khi tham gia vào các quan hệ xã hội như: tìm kiếm việc làm, tiếp cận y tế, an sinh xã hội... họ sẽ gặp phải nhiều trở ngại và có thể bị đối xử bất công bởi sự khác biệt về xu hướng tính dục và bản dạng giới so với những người khác trong xã hội. Hơn nữa, nhóm người LGBT chiếm một phần nhỏ trong dân số nên tiếng nói của họ vẫn chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức. Điều này khiến cho khả năng tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ thường không cao dẫn đến những bất công và thiệt thòi đối với nhóm người LGBT ngày càng lớn. Chính vì lý do đó, để bảo vệ nhóm người LGBT khỏi những xâm hại và bất công nói trên, pháp luật cần có những cơ chế và quy định cụ thể để bảo vệ quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của nhóm người này.
Quyền con người là những đặc quyền tự nhiên mà con người có, là khả năng hành động một cách có ý thức, có trách nhiệm, đặc biệt là khả năng tự bảo vệ, tự thích ứng với cuộc sống như là một nhu cầu bản năng tất yếu của con người, đặc biệt đối với những người thuộc nhóm LGBT. Để các quyền tự nhiên của nhóm người LGBT trở thành quyền pháp lý, có ý nghĩa buộc mọi người đều công nhận, tôn trọng thì các quyền đó cần được luật hóa, trở thành các qui phạm pháp luật. Không có pháp luật thì sẽ không thực sự có quyền. Nếu không được ghi nhận về mặt pháp luật thì quyền con người tồn tại như một thứ vô định có thể bị “xói mòn” và gây khó khăn cho Nhà nước trong việc thực hiện chức năng đảm bảo và bảo vệ quyền con người. Với bản chất là quyền tự nhiên, quyền của người LGBT cũng tuân theo nguyên lý này. Quyền của người LGBT cần được pháp luật ghi nhận và bảo vệ để các xu hướng tính dục, bản dạng giới và các nhu cầu của cá nhân người thuộc nhóm LGBT được công nhận và thực hiện trong thực tế. Việc pháp luật ghi nhận quyền của người LGBT là một yêu cầu tất yếu đặt ra trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển. Do đó, cùng với sự phát triển của xã hội, các quyền con người của cá nhân, trong đó có các quyền HN&GĐ của những người LGBT ngày càng được thừa nhận, ghi nhận một cách đầy đủ, rộng rãi, hoàn thiện hơn.
2. Bảo đảm thực hiện và bảo vệ các quyền của nhóm người LGBT trong đời sống xã hội:
Cần nhận thấy rằng, các quyền con người của nhóm LGBT dù được pháp luật ghi nhận trong pháp luật thực ra mới chỉ là khả năng mà cá nhân có qua quá trình giáo dục, đấu tranh, phát triển của xã hội loài người. Việc ghi nhận trong pháp luật các quyền của nhóm người LGBT mặc dù rất quan trọng, nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa thiết thực hơn là cần đảm bảo cho các quyền HN&GĐ đó của họ được thực hiện trong thực tế và được bảo vệ khi bị xâm phạm. Người LGBT không phải là hiện tượng xã hội có tính chất tạm thời. Sự tồn tại của nhóm người này như là một hiện tượng tất yếu, xuất hiện ở mọi xã hội, trong mọi giai đoạn lịch sử. Sự phát triển của đời sống đã nâng cao các đòi hỏi về quyền tự do, quyền sống của con người. Trong bối cảnh đó, những người LGBT đã nảy sinh các mâu thuẫn với các quan điểm của xã hội truyền thống như: nhu cầu cần được “come–out” và cần xã hội công nhận sự tồn tại của mình, nhu cầu được đối xử công bằng, được sống và được thực hiện các quyền liên quan như quyền kết hôn, quyền làm cha mẹ, quyền được nuôi dưỡng và chăm sóc... Đối với quan điểm xã hội truyền thống về quyền HN&GĐ chỉ dành cho nhóm người dị tính thì đây là một nhu cầu đi trái lại với chuẩn mực văn hóa, đạo đức lâu đời.
Xung đột ngày càng mạnh mẽ, rõ rệt giữa các lợi ích ấy đòi hỏi cần có sự điểu chỉnh hợp lý của pháp luật. Cần thiết phải có những quy phạm điều hòa, giải quyết mâu thuẫn trên để duy trì trật tự xã hội hợp lý, hài hòa giữa các nhóm xã hội khác nhau, đồng thời bảo vệ toàn diện các quyền HN&GĐ mà người LGBT đáng được hưởng. Các quyền tự nhiên của những người LGBT gắn liền với đặc điểm đặc thù của họ về xu hướng tính dục, về bản dạng giới khi đã được pháp luật ghi nhận thì cần được tôn trọng và được đảm bảo thực hiện trong thực tế. Mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, miệt thị hay xúc phạm đến họ do sự khác biệt về xu hướng tính dục hay bản dạng giới đều là những hành vi vi phạm quyền con người và cần có các biện pháp xử lý thích hợp, nghiêm minh bởi các qui định pháp luật. Do đó việc ghi nhận các quyền HN&GĐ của nhóm người LGBT phải đi đôi song hành với việc tạo các điều kiện cần thiết để họ thực hiện được những quyền đã được công nhận trong thực tế và đồng thời phải xử lý nghiêm khắc các hành vi xâm phạm quyền con người của họ. Bằng các qui định của pháp luật xác lập, thừa nhận các quyền HN&GĐ của nhóm người LGBT sẽ có tính chất cưỡng chế, định hình khuôn mẫu hành vi ứng xử phù hợp của cộng đồng đối với người LGBT. Khi có sự vi phạm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phân biệt đối xử với người thuộc nhóm LGBT có thể bị xử lý nghiêm khắc tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Điều đó góp phần xóa bỏ sự kì thị, phân biệt đối xử của xã hội đối với những người LGBT.
Việc ghi nhận và bảo đảm thực hiện các quyền HN&GĐ của nhóm người LGBT trong pháp luật sẽ là động lực để những người LGBT tự tin đóng góp công sức, trí tuệ, khả năng của mình cho sự phát triển của xã hội và gia đình, củng cố sự gắn kết giữa người thuộc nhóm LGBT với các thành viên gia đình khác. Nếu pháp luật không ghi nhận quyền của người LGBT thì có thể dẫn đến hoặc tiếp tục tiếp diễn một số hệ quả như: sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội với người LGBT, kéo theo nhiều người kết hôn dị tính giả, gia đình của người LGBT bị xã hội kỳ thị, tác động tiêu cực đến xã hội...
Như vậy, ghi nhận quyền HN&GĐ của người LGBT trong pháp luật là một yêu cầu tất yếu, chính đáng, góp phần thừa nhận, bảo vệ những quyền HN&GĐ của người LGBT nói riêng và bảo vệ trật tự xã hội nói chung, giải quyết các vấn đề xung đột về sự khác biệt về xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ so với quan niệm xã hội phát sinh trong quá trình người LGBT thực hiện quyền được sống, được tự do và đặc biệt là quyền mưu cầu hạnh phúc của mình. Ghi nhận quyền của người LGBT trong pháp luật vừa bảo đảm cho người LGBT có cơ sở pháp lý vững vàng để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng về HN&GĐ cho bản thân vừa tạo cơ sở cho sự tuân thủ, tôn trọng các quyền đó của các chủ thể khác trong xã hội.