Trong thời đại ngày nay, chúng ta rất hay nghe đến cụm từ "Hợp đồng tiền hôn nhân", đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng trẻ. Vậy có nên lập bản hợp đồng tiền hôn nhân hay không?
Mục lục bài viết
1. Có nên lập bản hợp đồng tiền hôn nhân hay không?
Hợp đồng tiền hôn nhân hiện nay chưa được ghi nhận trong Luật hôn nhân và gia đình cũng như các văn bản luật liên quan tại Việt Nam. Đây là thuật ngữ được gọi tên nhiều trong đời sống hàng ngày, được hiểu là một văn bản ghi nhận những thỏa thuận của một cặp vợ, chồng trước khi cưới về việc phân chia tài sản chung, tài sản riêng hay quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng với nhau.
Việc có nên lập hợp đồng tiền hôn nhân hay không sẽ phụ thuộc trên rất nhiều yếu tố, và quan trọng nhất là phụ thuộc vào sự tự nguyện, thỏa thuận giữa hai vợ, chồng với nhau. Việc lập hợp đồng tiền hôn nhân này có nhiều quan điểm trái chiều. Ví dụ như lập hợp đồng tiền hôn nhân quy định có rạch ròi về tài sản chung, tài sản riêng sẽ dẫn đến tình trạng coi đó là trách nhiệm riêng biệt của mỗi bên, mất đi tính sẻ chia, đồng lòng giúp đỡ nhau trong hôn nhân, bởi các cụ có câu “của chồng thì công vợ”. Như vậy, cũng sẽ mất đi sự tin tưởng giữa vợ, chồng. Tuy nhiên lại có quan điểm khác như việc lập hợp đồng tiền hôn nhân là sự tiến bộ, là việc nên làm bởi việc quy ước về tài sản hoặc các quyền, nghĩa vụ với nhau là cơ sở nếu không may cuộc hôn nhân tan vỡ; tránh được các tranh chấp nếu không rạch ròi từ đầu. Và hợp đồng này cũng là biện pháp ngăn chặn lòng tham của một trong hai bên vợ hoặc chồng nếu có ý định muốn biến tài sản chung thành tài sản riêng của chính mình.
Trên thực tế, mỗi người mỗi quan điểm, do vậy, việc có nên lập hợp đồng tiền hôn nhân hay không sẽ phụ thuộc thực tế vào sự đồng lòng, thỏa thuận của mỗi cặp vợ, chồng. Có được sự thỏa thuận, nhất trí đôi bên thì cuộc sống hôn nhân mới bền đẹp, trong quá trình chung sống mới thật sự thoải mái được.
2. Nội dung cơ bản của Hợp đồng tiền hôn nhân:
Nội dung của Hợp đồng tiền hôn nhân trên thực tế sẽ do các bên tự thỏa thuận. Thông thường, một bản hợp đồng tiền hôn nhân thường có những nội dung chính như sau:
(i) Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng:
Căn cứ khoản 1 Điều 28 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định về chế độ tài sản của vợ chồng sẽ do vợ chồng được quyền lựa chọn áp dụng theo quy định pháp luật hoặc sẽ do hai vợ chồng thỏa thuận.
Đồng thời, căn cứ Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nếu vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì
Trong thỏa thuận về tài sản này sẽ gồm các nội dung cơ bản sau:
– Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng.
– Quy định về quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng cũng như các giao dịch có liên quan đến tài sản đó.
– Điều kiện; thủ tục; nguyên tắc thực hiện phân chia tài sản trong trường hợp vợ chồng chấm dứt quan hệ hôn nhân như thế nào?
– Các nội dung khác có liên quan.
Thực tế hiện nay, trên cơ sở quy định của Luật Hôn nhân và gia đình mới chỉ cho phép vợ chồng tự thỏa thuận về các vấn đề tài sản trong hợp đồng tiền hôn nhân mà không quy định về việc thỏa thuận về các vấn đề khác như con cái chung, con cái riêng (nếu có), quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong giai đoạn hôn nhân, sau khi ly hôn hoặc khi một trong hai bên qua đời.
(ii) Nguyên tắc giải quyết xung đột khi ly hôn:
Ví dụ:
” Tài sản chung của các bên được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó.”
(iii) Trách nhiệm trong thời kỳ hôn nhân:
– Trách nhiệm thực hiện đóng góp vào cho gia đình: cả hai bên đều có trách nhiệm đi làm và đóng góp vào kinh tế gia đình. Mục đích sử dụng khoản tiền đóng góp chung này là dùng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình, chăm lo cho con cái, chăm lo cho gia đình nội, ngoại hai bên.
– Trách nhiệm thực hiện công việc nhà: mỗi bên có trách nhiệm như nhau trong việc thực hiện công việc nhà và phụ thuộc vào công việc của mỗi bên mà có sự phân công hợp lý. Cần lưu ý rằng, đây không phải là cơ sở để loại trừ trách nhiệm của mỗi bên trong việc thực hiện công việc nhà.
– Trách nhiệm với con cái: cả hai bên đều có trách nhiệm bình đẳng trong việc nuôi dưỡng, dạy bảo con cái. Nếu như có sự bất động về quan điểm nuôi dạy con, các bên phải ngồi lại tìm cách giải quyết trong hòa bình, tránh mâu thuẫn ảnh hưởng đến con cái.
– Trách nhiệm với gia đình nội, ngoại hai bên: vợ, chồng đều cam kết sẽ không cản trở đối phương và/hoặc con cái trong việc thực hiện nghĩa vụ đạo đức với gia đình nội, ngoại.
(iv) Phân chia quyền nuôi dưỡng con khi ly hôn:
Nếu như xảy ra sự kiện ly hôn, hai bên sẽ cam kết không được có hành vi ngăn cấm, cản trở yêu cầu được nhận quyền nuôi con của bên còn lại. Bên cạnh đó, bên được trực tiếp nhận nuôi con cũng sẽ không gây cản trở đến đối phương trong việc chăm nom, thăm nom con.
(v) Thời điểm có hiệu lực:
Nội dung tại Hợp đồng thỏa thuận này sẽ có hiệu lực ngay sau khi cả hai bên đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng tiền hôn nhân:
Hợp đồng tiền hôn nhân cũng chính là hợp đồng dân sự trên cơ sở thỏa thuận của đôi bên. Do đó, để hợp đồng tiền hôn nhân có hiệu lực thì cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện của một hợp đồng dân sự thông thường theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, cụ thể gồm:
– Điều kiện về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng phải đáp ứng đủ năng lực hành vi dân sự. Năng lực hành vi dân sự được hiểu là khả năng của mỗi cá nhân bằng hành vi tự mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Khi tham gia giao kết hợp đồng, hai bên sẽ phải ý thức hành vi của mình, phải tự chịu trách nhiệm khi thực hiện giao kết hợp đồng tiền hôn nhân.
– Điều kiện chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện:
Yếu tố tự nguyện ở đây được hiểu là việc ký kết hợp đồng dựa trên tinh thần tự do ý chí, không có sự ép buộc, đe dọa, cưỡng ép từ bất cứ bên nào. Thực tế, nếu không có nguyên tắc tự nguyện thì sẽ không có sự thiện chí, từ đó dẫn đến việc hợp tác dễ bị đổ vỡ hoặc không thể đảm bảo được quyền lợi của các bên.
(2) Nội dung và mục đích của hợp đồng tiền hôn nhân không được vi phạm điều cấm của luật, không được trái đạo đức xã hội:
Về nguyên tắc, hợp đồng phải được giao kết trên cơ sở quy định của pháp luật đặt ra, không được trái với các quy định của luật về hôn nhân và gia đình cũng như Bộ luật dân sự.
Đồng thời, nội dung của hợp đồng không được trái với đạo đức xã hội, trái với luân thường đạo lý trong cuộc sống của vợ chồng.
Nếu như nội dung của hợp đồng ký kết trái với quy định pháp luật, trái với đạo đức xã hội thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
(3) Về mặt hình thức của hợp đồng: đây sẽ là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp luật quy định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật dân sự năm 2015.
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.