Theo quy định của pháp luật, tổ chức và cá nhân vi phạm hành chính sẽ phải có nghĩa vụ nộp đầy đủ tiền phạt được quy định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Vậy có được xin miễn hình phạt bổ sung vi phạm hành chính hay không?
Mục lục bài viết
1. Có được xin miễn hình phạt bổ sung vi phạm hành chính?
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định về hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng. Cụ thể như sau:
– Hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm những hình thức sau: Cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm hành chính hoặc tịch thu phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
– Hình thức xử phạt cảnh cáo, phạt tiền được xem là hình thức xử phạt chính. Hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, trục xuất được xác định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính;
– Mỗi vi phạm hành chính sẽ được quy định một hình thức xử phạt chính, có thể quy định một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo. Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, ngoại trừ những trường hợp được quy định tại Điều 65 của Văn bản hợp nhất Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2022.
Theo đó thì có thể nói, đối với hình thức cảnh cáo và phạt tiền thì chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính, sẽ không được áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất có thể sẽ được quy định vừa là hình thức xử phạt bổ sung hoặc vừa là hình thức xử phạt chính. Theo quy định của pháp luật thì mỗi hành vi vi phạm hành chính sẽ được quy định một hình thức xử phạt chính, có thể quy định một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức xử phạt bổ sung trong trường hợp này sẽ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Như vậy có thể nói, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không bắt buộc phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung khi xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trên thực tế, trong trường hợp hành vi vi phạm đó có quy định hình thức xử phạt bổ sung thì mới bắt buộc phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Vì vậy, đối với những vi phạm không bắt buộc phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung thì vẫn có thể xin miễn hình phạt bổ sung trong trường hợp vi phạm hành chính.
2. Những trường hợp nào được miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính?
Căn cứ theo quy định tại Điều 77 của Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định về các trường hợp được miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:
– Giảm tiền phạt đối với các tổ chức và cá nhân gặp khó khăn trên thực tế. Việc giảm một phần tiền phạt được quy định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền căn cứ theo quy định tại Điều 76 của Văn bản hợp nhất luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định: Các cá nhân tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế xuất phát từ những sự kiện bất khả kháng như thiên tai, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó cư trú, và các cơ quan và tổ chức nơi người đó học tập và làm việc; tổ chức tiếp tục gặp khó khăn trong hoàn cảnh đặc biệt hoặc gặp khó khăn đột xuất về kinh tế xuất phát từ hiện tượng bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc các cơ quan cấp trên trực tiếp của tổ chức đó;
– Miễn một phần tiền phạt đối với cá nhân không đáp ứng đầy đủ cả năng thi hành toàn bộ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, cá nhân sẽ được miễn phần tiền phạt còn lại được quy định trong quyết định xử phạt được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền xuất phát từ nguyên nhân cá nhân đó không có khả năng thi hành quyết định nếu thuộc một trong những trường hợp sau: Cá nhân đó đã được giảm một phần tiền phạt tuy nhiên vẫn tiếp tục gặp khó khăn về mặt kinh tế xuất phát từ hiện tượng bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó cư trú hoặc cơ quan và tổ chức nơi cá nhân đó học tập và làm việc; cá nhân đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc đã nộp tiền phạt lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần căn cứ theo quy định tại Điều 79 của Văn bản hợp nhất luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022, tuy nhiên gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế xuất phát từ sự kiện bất khả kháng và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc các cơ quan và tổ chức nơi người đó học tập và làm việc. Trong trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo hoặc tai nạn thì cần phải có thêm giấy xác nhận của các cơ sở khám chữa bệnh cấp huyện trở lên;
– Các trường hợp tổ chức được miễn một phần tiền phạt. Theo đó, tổ chức sẽ được miễn một phần tiền phạt còn lại được quy định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi đáp ứng được các điều kiện sau: Tổ chức đó đã được giảm một phần tiền phạt hoặc đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được phép nộp tiền phạt nhiều lần căn cứ theo quy định tại Điều 79 của Văn bản hợp nhất luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022; tổ chức đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tuy nhiên tổ chức đó vẫn tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp;
– Trường hợp cá nhân được miễn toàn bộ tiền phạt. Cá nhân không có khả năng thi hành quyết định sẽ được miễn toàn bộ tiền phạt được quy định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi thuộc những trường hợp sau: Cá nhân đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền căn cứ theo quy định tại Điều 76 của Văn bản hợp nhất luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 tuy nhiên vẫn tiếp tục tập khó khăn về kinh tế và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó cư trú hoặc cơ quan và tổ chức đối cả nhân tổ học tập và làm việc; cá nhân bị phạt tiền với mức từ 2.000.000 đồng trở lên và đang gặp khó khăn đặc biệt có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan và tổ chức nơi người đó học tập và làm việc, trong trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo hoặc tai nạn thì cần phải có thêm xác nhận của các cơ sở khám chữa bệnh cấp huyện trở lên;
– Các trường hợp tổ chức được miễn toàn bộ tiền phạt. Theo đó tổ chức được miễn toàn bộ tiền phạt được quy định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi đáp ứng được các điều kiện sau: Tổ chức được hoãn thi hành quyết định phạt tiền căn cứ theo quy định tại Điều 76 của Văn bản hợp nhất luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022; tổ chức đã thi hành xong các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong quyết định xử phạt; tuy nhiên tổ chức đó vẫn tiếp tục gặp khó khăn và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
3. Quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:
– Mọi hành vi vi phạm hành chính cần phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, tất cả các hậu quả xảy ra do vi phạm hành chính đều phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
– Quá trình xử phạt vi phạm hành chính cần phải được tiến hành nghiêm chỉnh, nhanh chóng và công khai, theo đúng thẩm quyền phải đảm bảo tính công bằng và đúng quy định của pháp luật;
– Được sự phạt vi phạm hành chính cần phải căn cứ vào tính chất và mức độ hậu quả xảy ra trên thực tế, đối tượng vi phạm và các tình tiết tăng nặng, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm;
– Chỉ sự phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ được sự phạt 01 lần. Nếu như nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người sẽ đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. Trong trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;
– Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm hành chính. Các cá nhân và tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để chứng minh rằng mình không vi phạm hành chính;
– Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ được xác định là gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính.