Có được thay đổi yêu cầu cấp dưỡng nuôi con sau khi đã ly hôn không? Sau khi ly hôn, muốn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng thì làm thế nào?
Việc cấp dưỡng sau ly hôn là một trong những vấn đề mà các bên vợ chồng rất quan tâm khi giải quyết ly hôn cũng như sau ly hôn và cũng là một trong những vấn đề thường phát sinh tranh chấp giữa vợ và chồng. Nếu các bên không thỏa thuận được mức cấp dưỡng thì có quyền yêu cầu Tòa án ấn định mức cấp dưỡng. Vậy mức cấp dưỡng này có được thay đổi sau khi đã ly hôn hay không? Ban Biên tập – Công ty Luật Dương Gia trả lời vấn đề này như sau:
Mục lục bài viết
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn
1.1. Trách nhiệm cấp dưỡng:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nếu cha, mẹ người nào không phải là người trực tiếp nuôi dưỡng con cái sau ly hôn thì sẽ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định.
1.2. Mức cấp dưỡng:
Mức cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116
Việc xác định mức cấp dưỡng sẽ dựa vào các tiêu chí về khả năng thực tế, thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và đồng thời dựa vào các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt của người được cấp dưỡng.
1.3. Phương thức cấp dưỡng:
Các bên có thể lựa chọn phương thức cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần cho cả thời gian cấp dưỡng.
Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau để thay đổi phương thức cấp dưỡng hoặc thỏa thuận về việc tạm ngừng cấp dưỡng nếu có cơ sở xác định rằng người có nghĩa vụ cấp dưỡng hiện đang rơi vào tình trạng gặp khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng của mình. Trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau về vấn đề này thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho mình.
2. Có được thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn
Một câu hỏi thường xuyên được đặt ra đó là sau khi ly hôn có thể thay đổi mức cấp dưỡng được hay không? Vấn đề này được quy định tại khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể như sau:
Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có lý do chính đáng thì mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận hoặc do Tòa án ấn định trước đây có thể sẽ được thay đổi. Khi đó việc thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn sẽ do các bên cha và mẹ thỏa thuận với nhau. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án đứng ra giải quyết cho mình.
Theo đó, để có thể yêu cầu việc thay đổi lại mức cấp dưỡng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ phải đưa ra những căn cứ, cơ sở để chứng minh trong khoảng thời gian thực hiện việc cấp dưỡng bản thân có phát sinh các khó khăn về mặt kinh tế hoặc gặp các vấn đề khác liên quan như suy giảm về nguồn thu nhập, bản thân là lao động chính trong gia đình mà còn phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với các thành viên khác cùng lúc với việc cấp dưỡng cho con, có phát sinh các khoản nợ chưa thể trả hoặc hiện đang gặp các vấn đề về mặt sức khỏe, bệnh tật,… mà không thể tiếp tục thực hiện việc cấp dưỡng cho con theo như những thỏa thuận ban đầu.
3. Thủ tục yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Nếu người thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không thể tiến hành thỏa thuận với người giám hộ của con về việc thay đổi mức cấp dưỡng thì có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết về vấn đề này. Thủ tục yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn như sau:
3.1. Chuẩn bị hồ sơ:
Người có nghĩa vụ cấp dưỡng muốn đề nghị thay đổi mức cấp dưỡng chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu như sau:
– Đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con;
– Bản án hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong đó có nội dung về mức cấp dưỡng sau ly hôn (bản sao có chứng thực);
– Giấy Chứng minh nhân dân, Thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của người yêu cầu (bản sao có chứng thực);
– Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);
– Các giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện để được thay đổi mức cấp dưỡng như: sao kê bảng lương, giấy tờ chứng minh về thu nhập, giấy tờ vay nợ, hồ sơ bệnh án, giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về tình trạng sức khỏe, giấy tờ chứng minh bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, giấy tờ chứng minh đang có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhiều người cùng một lúc,…
3.2. Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nêu trên, người yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền.
Theo quy định Tòa án nhân dân có thẩm quyền ở đây là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi bị đơn cư trú, tuy nhiên trừ trường hợp một bên hoặc cả hai bên đương sự đều đang sinh sống ở nước ngoài.
Người yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng sau ly hôn có thể gửi hồ sơ bằng các phương thức sau:
– Đến trực tiếp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để nộp đơn cho cán bộ tiếp nhận của Tòa án;
– Thông quá đường dịch vụ bưu chính để gửi đến theo địa chỉ của Tòa án;
– Gửi bằng hình thức trực tuyến thư điện tử thông qua Cổng Thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
3.3. Tiếp nhận và xử lý đơn:
– Cán bộ tiếp nhận đơn của Tòa án xem xét đơn của người yêu cầu, trường hợp đầy đủ hồ sơ thì chuyển hồ sơ cho Chánh án Tòa án.
Trường hợp hồ sơ khởi kiện còn thiếu các giấy tờ, tài liệu thì hướng dẫn người yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
– Sau khi nhận được hồ sơ, Chánh án Tòa án tiến hành thủ tục phân công một Thẩm phán của tòa để xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán được phân công có trách nhiệm phải xem xét đơn khởi kiện, hồ sơ khởi kiện và ban hành một trong các quyết định sau đây:
+ Ra quyết định thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn;
+ Yêu cầu người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nếu các nội dung của đơn khởi kiện chưa đảm bảo so với quy định của luật;
+ Trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác thì chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và tiến hành thông báo cho người khởi kiện biết;
+ Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì ban hành quyết định trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
3.4. Nghĩa vụ về án phí:
Sau khi xem xét thấy hồ sơ, đơn khởi kiện hợp lệ thì tòa án thông báo cho người khởi kiện biết về việc nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án để chứng minh đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính.
Khi người yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng sau ly hôn nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án thì án phí, lệ phí thì mức thu sẽ là 300.000 đồng.
3.5. Thụ lý vụ án:
Sau khi nhận được biên lai thu tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, Thẩm phán ra thông báo về việc thụ lý vụ án gửi đến người khởi kiện và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của luật.
3.6. Chuẩn bị xét xử:
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án tiến hành các công việc bao gồm lập hồ sơ vụ án, thực hiện việc xác minh, thu thập chứng cứ, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn với mục đích làm rõ vụ việc, xác định các điều kiện của người khởi kiện và và tiến hành thủ tục sau đây:
– Tòa án triệu tập các bên đương sự đến tòa để lấy lời khai, làm rõ các vấn đề phát sinh trong hồ sơ vụ án.
– Tòa án tiến hành việc mở phiên họp để kiểm tra việc giao, nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ của các bên.
– Mở phiên hòa giải giữa các đương sự.
+ Trong quá trình hòa giải nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc thay đổi hoặc không thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn thì Tòa án sẽ lập Biên bản hòa giải thành.
+ Trường hợp các đương sự không thể thỏa thuận được với nhau về việc việc thay đổi hoặc không thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải không thành và ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
3.7. Xét xử và ra bản án, quyết định:
– Theo quy định tại Điều 212
– Tòa án căn cứ Quyết định đưa vụ án ra xét xử của mình để mở phiên tòa giải quyết trong vòng thời hạn 01 tháng kể từ ngày ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử trừ trường hơp có lý do chính đáng thì thời hạn được kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Lúc này Tòa án căn cứ vào hoàn cảnh thực tế, khả năng của các bên để xem xét chấp nhận hay bác yêu cầu về việc thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn.
Sau khi mở phiên tòa xét xử, Tòa án ban hành bản án các bên được quyền kháng cáo trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử tuyên án.