Hiện nay, qua công tác kiểm tra của cơ quan chức năng đã phát hiện ra có rất nhiều cơ sở kinh doanh quán bar có hành vi bán shisha, bóng cười cho khách hàng. Vậy có được phép kinh doanh shisha, bóng cười tại quán bar?
Mục lục bài viết
1. Có được phép kinh doanh shisha, bóng cười tại quán bar?
1.1. Có được phép kinh doanh shisha tại quán bar?
Shisha là tên gọi của một loại thuốc hút, loại này có xuất xứ từ Ả Rập. Thực chất, đây chính là một loại cỏ được tẩm thêm mật ong cùng với những hương liệu trái cây như nho, cam, táo, dâu…Shisha không phải là một loại thuốc lá. Còn bóng cười thực chất chính là những quả bóng bay bình thường nhưng nó được bơm vào khí Dinitơ monoxit (N2O) bằng các dụng cụ bơm chuyên dụng. Khi mà người dùng hít những quả bóng cười này thì khí N2O lan tỏa và ngấm vào cơ thể, gây ra cảm giác phấn khích, tạo ảo giác gây cười không ngừng nghỉ.
Đối với shisha thì tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư 2020 có quy định những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh thì shisha không nằm ở trong danh mục những ngành nghề, hàng hóa, sản phẩm bị cấm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, shisha không phải một mặt hàng hóa, sản phẩm bị cấm, thế nên cá nhân và tổ chức mà muốn kinh doanh loại hàng hóa, sản phẩm này thì chỉ cần đáp ứng các điều kiện về công bố tiêu chuẩn đối với mặt hàng hóa, sản phẩm này bao gồm có: Thành phần, tính chất… lên bao bì hàng hóa; nhãn hàng hóa; các tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa, để cho những người tiêu dùng được biết. Ngoài ra thì cá nhân, tổ chức kinh doanh mặt hàng này cần phải thực hiện thủ tục về thuế, kê khai hóa đơn chứng từ về mặt hàng hóa này, công bố tiêu chuẩn áp dụng cho hàng hóa trước khi mà đưa vào lưu thông. Theo đó, shisha là mặt hàng hóa không bị cấm kinh doanh nhưng để được kinh doanh loại mặt hàng này thì cá nhân, tổ chức phải đáp ứng được các điều kiện về công bố tiêu chuẩn sản phẩm, sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có chứng từ hóa đơn nhập khẩu từ các nhà phân phối, nhà sản xuất để xuất trình khi cơ quan chức năng yêu cầu.
Như vậy, có thể khẳng định được rằng tại các quán bar hoặc các cơ sở kinh doanh khác hoàn toàn được phép kinh doanh shisha, chỉ cần những cơ sở kinh doanh quán bar đó đáp ứng được các điều kiện để được phép kinh doanh shisha mà pháp luật đã quy định và phải xuất trình được hóa đơn, chứng từ về mặt hàng hóa này khi mà bị cơ quan chức năng kiểm tra. Bên cạnh đó, nếu như quán bar muốn kinh doanh shisha thì cơ sở kinh doanh quán bar phải đăng ký giấy phép kinh doanh shisha để hoạt động kinh doanh.
1.2. Có được phép kinh doanh bóng cười tại quán bar?
Đối với bóng cười, Căn cứ Phụ lục II Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP được thay thế bởi Phụ lục II Nghị định 82/2022/NĐ-CP thì Dinitơ monoxit (N2O) (nằm trong số thứ tự 125 trong danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp) – một loại khí được bơm vào quả bóng trở thành bóng cười là một trong những loại hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Thêm nữa, tại khoản 2 Điều 17 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 82/2022/NĐ-CP quy định về kiểm soát hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, Điều này quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh chỉ được bán cho những tổ chức, cá nhân đảm bảo các điều kiện sau đây:
– Tổ chức, cá nhân mua hóa chất để kinh doanh phải đảm bảo đủ các điều kiện kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh được quy định tại Điều 15 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 82/2022/NĐ-CP;
– Tổ chức, cá nhân mua hóa chất để sử dụng phải đảm bảo đủ những yêu cầu quy định tại Chương V của Luật hóa chất.
Mà theo Điều 15 Nghị định 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 82/2022/NĐ-CP quy định về điều kiện để cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, Điều này quy định các điều kiện cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bao gồm có:
– Điều kiện cấp Giấy phép sản xuất hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 82/2022/NĐ-CP.
– Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực hiện theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 82/2022/NĐ-CP.
– Hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp phải được thực hiện tồn trữ, bảo quản ở một khu vực riêng trong kho hoặc kho riêng.
– Tổ chức, cá nhân, trừ tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại Điều 16a của Nghị định 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 82/2022/NĐ-CP, chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh ở trong lĩnh vực công nghiệp sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép và có trách nhiệm duy trì đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 16a của Nghị định 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 82/2022/NĐ-CP trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân mà không còn đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ bị thu hồi Giấy phép theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khí Dinitơ monoxit (N2O) (khí cười) thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và nó chỉ được dùng trong các lĩnh vực công nghiệp nếu như đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định vừa nêu trên. Do đó, trường hợp quán bar là một trong những cơ sở kinh doanh thuộc trường hợp không đủ điều kiện kinh doanh khí Dinitơ monoxit (N2O) (khí cười).
2. Xử phạt quán bar kinh doanh bóng cười:
Như đã phân tích ở mục trên, quán bar là một cơ sở kinh doanh không được phép sản xuất, kinh doanh khí Dinitơ monoxit (N2O) (bơm vào quả bóng thành quả bóng cười). Chính vì thế, cơ sở quán bar nào thực hiện hành vi kinh doanh bóng cười (khí Dinitơ monoxit) sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 6, 8 Điều 17 của Nghị định 71/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 8 Điều 1 của Nghị định 17/2022/NĐ-CP có quy định về vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh những hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, Điều này quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng cho đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh các hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không được cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hoặc là tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh các hóa chất trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, bị tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đã có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Thêm nữa, tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định 71/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 8 Điều 1 của Nghị định 17/2022/NĐ-CP có quy định về mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức, Điều này quy định mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định 71/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 8 Điều 1 của Nghị định 17/2022/NĐ-CP được áp dụng đối với các hành vi vi phạm hành chính của cá nhân thực hiện. Còn đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bị gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, quán bar (một tổ chức) có hành vi kinh doanh khí cười (khí Dinitơ monoxit) (loại khí này được bơm vào quả bóng) thì sẽ bị xử phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đã có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hóa chất được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 82/2022/NĐ-CP;
– Nghị định 71/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP.