Hiện nay, mạng lưới giao thông tại Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Cùng với sự phát triển đó thì các vấn đề liên quan đến vi phạm giao thông cũng tăng theo. Vậy một câu hỏi đặt ra là liệu có được lấy lại xe và bằng lái khi quá hạn nộp phạt vi phạm hành chính khi tham gia giao thông không?
Mục lục bài viết
1. Có được lấy lại xe, bằng lái khi quá hạn nộp phạt không?
Căn cứ theo Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về thủ tục nộp phạt, khoản 1 Điều này được sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 như sau:
Trong thời hạn chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 68 hoặc khoản 2 Điều 79 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, ngoại trừ trường hợp đã nộp tiền phạt trực tiếp theo quy định đối với các cá nhân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Đối với trường hợp nộp trễ, mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
Cùng với đó, khi xử phạt ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.
Theo đó trường hợp quá hạn nộp phạt ghi trong biên bản thì vẫn được nộp nhưng mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Tuy nhiên căn cứ khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi bởi điểm b khoản 65 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về xử lý phương tiện, giấy phép bị tạm giữ theo thủ tục hành chính như sau:
– Khi xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe phải thông báo cho họ 02 lần. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định thu hồi phương tiện, giấy phép lái xe.
– Nếu không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định thu hồi phương tiện, giấy phép lái xe.
Theo đó, nếu quá thời hạn thông báo tạm giữ xe, giấy phép lái xe mà người vi phạm không đến nộp phạt và nhận lại phương tiện và giấy phép thì sẽ bị tịch thu và có thể bị tiêu hủy theo quy định tại Điều 109 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.
2. Sử dụng phương tiện tham gia giao thông mà không có giấy phép lái xe bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 21
– Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều này.
– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 8 Điều này.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô không có Giấy phép lái xe.
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh không có Giấy phép lái xe.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có Giấy phép lái xe.
Đối với các trường hợp có Giấy phép nhưng không mang theo, sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa, Giấy phép lái xe không hợp lệ cũng sẽ bị xử phạt tương tự tùy vào từng loại phương tiện mà người vi phạm sử dụng. Ngoài mức phạt hành chính đã quy định nêu trên, thì người điều khiển phương tiện đồng thời cũng sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như sau:
– Tịch thu Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa, Giấy phép lái xe không hợp lệ;
– Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
3. Trong quá trình bị tạm giữ xe, giấy phép lái xe thì có cần phải trả phí bảo quản không?
Căn cứ theo khoản 7 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định rằng người có xe, giấy phép lái xe bị tạm giữ do vi phạm hành chính không phải trả phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ, trừ quy định tại khoản 8 Điều 125 của Luật này đối với các vụ việc phải gia hạn thời gian tạm giữ do có một trong các yếu tố sau:
– Yêu cầu giải trình
– Phải xác minh các tình tiết có liên quan
– Có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ.
Ngoài ra, nếu xác định được chủ phương tiện không có lỗi hoặc đã bị áp dụng biện pháp tịch thu đối với xe, giấy phép lái xe thì không thu phí lưu kho, phí bến bãi và phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ.
Đồng thời, trước khi thực hiện việc tạm giữ thì phải lập biên bản tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép lái xe và ghi rõ các thông tin như: tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép bị tạm giữ và phải có chữ ký của người thực hiện việc tạm giữ, người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm hoặc chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến. Biên bản phải được lập thành 02 bản, giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản.
Ngược lại, đối với các trường hợp phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì người vi phạm được quyền bảo quản phương tiện giao thông nên tất nhiên sẽ không cần đóng phí bảo quản trong trường hợp này.
Về mức phí tạm giữ xe, Giấy phép lái xe được Chính phủ quy định chi tiết tại Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Các văn bản quy phạm được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020
– Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
– Nghị định 123/2021/NĐ-CP
THAM KHẢO THÊM: