Hiện nay, rất nhiều cặp vợ chồng mà một trong hai người đã bỏ đi và không chung sống với nhau từ lâu. Vậy trong trường hợp đó thì người vợ có được kết hôn với người khác khi chồng bỏ đi biệt tích không?
Mục lục bài viết
1. Có được kết hôn với người khác khi chồng bỏ đi biệt tích?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về hành vi cấm trong chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó gồm: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Do đó, khi người chồng bỏ đi biệt tích không đồng nghĩa rằng hôn nhân đó đã chấm dứt. Về mặt pháp lý, quan hệ hôn nhân đó vẫn có giá trị và vẫn đang tồn tại. Chính vì vậy, người vợ không thể kết hôn với người khác khi mình đang có chồng hợp pháp.
2. Chồng bỏ đi biệt tích, vợ muốn ly hôn xử lý thế nào?
Khi đơn phương ly hôn, vấn đề xác minh địa chỉ cư trú còn lại của đối phương rất quan trọng bởi phải biết được nơi cư trú của bị đơn thì mới có thể xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Thực tế, nếu người chồng bỏ đi biệt tích, người vợ không biết chồng ở đâu, không còn liên lạc nữa thì không thể xác định nơi cư trú của người chồng để làm thủ tục đơn phương ly hôn. Đây là vấn đề còn khá nhiều khó khăn trong thực tiễn hiện nay.
Do đó, để đơn phương ly hôn trong trường hợp người chồng bỏ đi biệt tích thì người vợ trước hết phải thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích, sau đó mới làm thủ tục ra Tòa án xin đơn phương ly hôn. Cụ thể quy trình giải quyết như sau:
(1) Thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng mất tích:
Căn cứ Điều 68 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định trường hợp chồng bỏ đi biệt tích suốt 02 năm liền, đã áp dụng đầy đủ các biện pháp tìm kiếm, thông báo theo quy định nhưng không có tin tức xác thực gì về việc người chồng còn sống hay đã chết thì người vợ có quyền làm thủ tục ra Tòa án yêu cầu tuyên bố người chồng mất tích.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ tuyên bố chồng mất tích gồm:
– Đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Hướng dẫn viết đơn như sau:
+ Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Do đó, phải gửi đơn đến Tòa án nhân dân thuộc thẩm quyền để được giải quyết.
+ Người yêu cầu giải quyết việc dân sự: người vợ ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác.
+ Ghi đầy đủ thông tin địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người vợ tại thời điểm làm đơn yêu cầu.
+ Nội dung đơn phải ghi rõ lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó: Có thể yêu cầu tuyên bố mất tích để làm thủ tục ly hôn, phân chia di sản thừa kế,…
+ Ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của những người mà người yêu cầu nhận thấy có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó.
+ Điền đầy đủ trong đơn các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu (ghi rõ bản sao hay bản chính, theo thứ tự 1,2,3,…), ví dụ:
1. Bản sao Giấy khai sinh của ông Nguyễn Văn A;
2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của ông Trần Văn B và bà Phạm Thị C;…..
(8) Ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu
Ví dụ: Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2023; Hưng Yên, ngày ngày 04 tháng 08 năm 2023.
+ Cuối cùng người vợ ký hoặc điểm chỉ.
– Giấy tờ chứng minh việc đã sử dụng các biện pháp thông báo tìm kiếm của người yêu cầu với người bị tuyên bố mất tích.
– Các chứng cứ, tài liệu chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liên tục trở lên mà không có bất cứ thông tin xác thực nào về việc người này còn sống hay đã chết.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ như trên, người vợ nộp hồ sơ đến Toà án nơi mà người bị yêu cầu tuyên bố mất tích có nơi cư trú cuối cùng trước khi mất liên lạc (căn cứ điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Thời gian để tuyên bố một người mất tích từ khi nộp hồ sơ đến khi Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích là 05 tháng. Cụ thể:
– Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người mất tích. Thời gian thông báo tìm kiếm là 04 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu.
– Sau khi kết thúc thời hạn thông báo, trong vòng 10 ngày, Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
(2) Thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn khi chồng đã được Tòa án tuyên bố là mất tích:
Căn cứ khoản 2 Điều 68 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định khi vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn theo đúng quy định.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đơn phương ly hôn gồm:
– Đơn xin ly hôn đơn phương (theo mẫu);
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
– Giấy tờ tùy thân gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân;
– Quyết định tuyên bố người chồng mất tích của Tòa án;
– Giấy khai sinh của con (nếu có);
– Giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu tài sản (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ như trên, người vợ nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để được giải quyết (căn cứ Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
Lưu ý: Người chồng đã mất tích do đó vụ án ly hôn đơn phương trong trường hợp này sẽ không thể tiến hành hòa giải. Khi hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Tòa án sẽ đưa vụ án ly hôn đơn phương này ra xét xử và ra Bản án về đơn phương ly hôn.
3. Xử lý thế nào với tài sản của người chồng bị tuyên bố mất tích?
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, khi một người bị tuyên là mất tích thì người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định sẽ là người được tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó.
Và người quản lý đó sẽ có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
+ Được quyền quản lý tài sản của người vắng mặt.
+ Được quyền trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt.
+ Trong quá trình quản lý tài sản của người vắng mặt đó, người quản lý được thanh toán các chi phí cần thiết.
+ Có trách nhiệm bảo quản, gìn giữ tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình.
+ Đối với những tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng thì phải bán ngay.
+ Theo quyết định của Tòa án, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt bằng tài sản của người đó.
+ Khi người vắng mặt trở về thì phải giao lại tài sản cho người đó. Và đồng thời phải thực hiện thông báo cho Tòa án biết.
+ Trường hợp trong quá trình quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13 mới nhất.