Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một văn bản áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân hoặc tổ chức có hành vi vi phạm hành chính. Vậy có được gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính hay không?
Mục lục bài viết
1. Có được gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính?
Căn cứ theo quy định tại Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định về thời hạn để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó:
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày tiến hành việc lập biên bản vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu vụ việc có tính chất phức tạp tuy nhiên lại không thuộc vào các trường hợp phải giải trình hoặc những vụ việc thuộc trường hợp phải giải trình theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày lập biên bản. Riêng đối với những vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng hoặc có nhiều những tình tiết phức tạp phải xác minh và thuộc các trường hợp theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 mà người có thẩm quyền cần thêm thời gian để xác minh và thu thập các tài liệu chứng cứ thì cần thực hiện việc báo cáo lên thủ trưởng trực tiếp của mình thông qua văn bản để được gia hạn thêm thời gian, việc gia hạn cần được quyết định bằng văn bản và thời gian tối đa được gia hạn để giải quyết không quá 30 ngày.
Như vậy, có thể thấy từ quy định trên người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính có thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, đối với những vụ việc có tính chất phức tạp thì thời gian để người có thẩm quyền ra quyết định là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản. Chỉ được gia hạn thêm thời gian ra quyết định hành chính đối với các vụ việc có tính chất phức tạp nhưng chưa giải quyết xong và cần có thêm thời gian thực hiện việc xác minh thu thập các tài liệu chứng cứ thì người đang có thẩm quyền giải quyết vụ việc sẽ phải báo cáo trực tiếp với thủ trưởng đơn vị bằng văn bản xin gia hạn thêm thời gian giải quyết, việc gia hạn được quyết định bằng văn bản và trong thời hạn không quá 30 ngày.
Do đó, trong trường hợp các vụ việc đơn giản và không có các tình tiết phức tạp thì không được gia hạn để ra quyết định xử phạt. Việc xác định một vụ việc có thuộc trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hay thuộc vào các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng không có các quy định cụ thể mà phụ thuộc vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm.
2. Trường hợp nào không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định về những trường hợp không ra quyết định hành chính bao gồm:
Thứ nhất, thuộc trường hợp quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 trong đó nếu như người có hành vi vi phạm hành chính thực hiện hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết, do phòng vệ chính đáng, do sự kiện bất ngờ, do sự kiện bất khả kháng hoặc trường hợp người thực hiện hành vi đó không có năng lực chịu trách nhiệm hành chính hoặc chưa đủ tuổi để bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020
Thứ hai, trường hợp không xác định được đối tượng đã có hành vi vi phạm hành chính.
Thứ ba, trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định mà vẫn chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn để ban hành quyết định xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 63 và khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Thứ tư, chủ thể có hành vi vi phạm hành chính đã chết, mất tích, giải thể, phá sản hoặc trong thời gian xem xét để ra quyết định xử phạt.
Thứ năm, trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cần phải chuyển hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo quy định tại điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020.
3. Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính trong đó:
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi có hành vi vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Nếu vụ việc vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp hoặc hành vi này xảy ra trên phạm vi rộng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức thì trong thời hạn 05 ngày làm việc tính từ ngày phát hiện hành vi vi phạm hành chính người có thẩm quyền sẽ phải tiến hành lập biên bản.
Nếu hành vi vi phạm hành chính bị phát hiện thông qua các phương tiện hoặc thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc chỉ xác định được đó là hành vi vi phạm hành chính khi xác định được giá trị của tang vật, phương tiện, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm, giám định và thực hiện việc xác minh các tình tiết liên quan, do đó thời hạn để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính được quy định là 03 ngày làm việc kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm thông qua các phương tiện hoặc thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc chỉ xác định được đó là hành vi vi phạm hành chính khi xác định được giá trị của tang vật, phương tiện, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm, giám định và thực hiện việc xác minh các tình tiết liên quan
Nếu người thực hiện hành vi vi phạm hành chính ở trên các phương tiện như tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc thuyền trưởng, trưởng tàu hoặc người chỉ huy tàu bay sẽ có trách nhiệm phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày tàu biển, tàu bay, tàu hỏa đã cập bến cảng, sân bay và nhà ga.
Nếu trong một vụ việc vi phạm hành chính có nhiều các hành vi vi phạm hành chính khác nhau, nhưng trong đó có hành vi thì được phát hiện thông qua các phương tiện hoặc thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc chỉ xác định được có hành vi vi phạm hành chính sau khi tiến hành việc định giá giá trị của tang vật, phương tiện, giám định, kiểm định, kiểm nghiệm, xét nghiệm và tiến hành xác minh các tình tiết liên quan thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm thông qua thì người có thẩm quyền sẽ phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.
Như vậy, từ quy định trên có thể xác định được thời hạn quy định về lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành trong 02 ngày làm việc kể từ khi phát hiện ra hành vi vi phạm đó. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hoặc hành vi vi phạm hành chính thực hiện trên phạm vi rộng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác thì việc lập biên bản được kéo dài thêm 05 ngày làm việc tính từ khi phát hiện hành vi vi phạm. Riêng đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua các phương tiện hoặc thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì thời gian là 03 ngày làm việc kể từ ngày xác định được đối tượng có hành vi vi phạm thì người có thẩm quyền lập biên bản biên bản xử phạt vi phạm hành chính.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2020