Có được đòi lại đất khi bỏ đi không sử dụng trong 23 năm không? Giải quyết tranh chấp đất đai.
Có được đòi lại đất khi bỏ đi không sử dụng trong 23 năm không? Giải quyết tranh chấp đất đai.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư tư vấn cho tôi với nội dung sau: Vào năm 1993 em tôi do nợ nần nên bỏ địa phương trốn đi. Năm 1994 tôi là người trực tiếp đóng các khoản thuế hộ em tôi để lấy lại số đất ruộng để làm nếu không thì hợp tác xã thu hồi đất. Năm 1995 hợp tác xã có giao sổ đỏ cho tôi vì tôi sử dụng số đất đó (sổ đỏ em tôi đứng tên). Trong suốt 23 năm tôi canh tác đến nay năm 2016 em tôi trở về đòi kiện tôi ra tòa, vu khống tôi là cướp đất và cướp sổ đỏ. Vậy xin hỏi luật sư với sự việc nêu trên giải quyết như thế nào? Nếu ra tòa tôi có còn sử dụng được số đất trên không? Rất mong được sự tư vấn của luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Trước tiên, như thông tin bạn cung cấp thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên em bạn, tuy nhiên trên thực tế thì bạn mới là người sử dụng và khai thác thửa đất từ đó đến nay. Em bạn là người đứng tên chủ sở hữu quyền sử dụng đất nhưng quyền sử dụng thửa đất có thể bị thu hồi theo quy định tại Điều 26 hoặc Điều 27 Luật đất đai 1993 nếu em bạn bỏ đi, không sử dụng đất và không bàn giao lại để bạn canh tác.
“Điều 26
Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao sử dụng trong những trường hợp sau đây:
1- Tổ chức sử dụng đất bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm nhu cầu sử dụng đất mà không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này; cá nhân sử dụng đất đã chết mà không có người được quyền tiếp tục sử dụng đất đó;
2- Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất được giao;
3- Đất không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho phép;
4- Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước;
5- Đất sử dụng không đúng mục đích được giao;
6- Đất được giao không theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Luật này.
Điều 27
Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại.”
Nếu quyền sử dụng thửa đất thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì cần xác định chủ sở hữu quyền sử dụng đất tiếp theo để giải quyết vụ việc.
Trường hợp không xảy ra các căn cứ nêu trên, nếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do em bạn đứng tên từ năm 1995 vẫn có giá trị, bạn chỉ canh tác hộ cho em mình thì chủ sở hữu hợp pháp quyền sử dụng thửa đất nói trên vẫn thuộc sở hữu của em bạn. Không đủ điều kiện xác lập quyền sở hữu theo quy định của “Luật đất đai 2013” và Luật đất đai 2013 trong khoảng thời gian bạn canh tác.
Trong thời gian sử dụng, quản lý thửa đất bạn đã có những đóng góp cho việc duy trì, tạo lập tài sản trên đất như: đóng thuế sử dụng đất, canh tác hay sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất.
Căn cứ Điều 599 và Điều 601 Bộ luật dân sự 2005 bao gồm:
“Điều 599. Nghĩa vụ hoàn trả
1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.
2. Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.”
“Điều 601. Nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức
1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.”
Đối với số tiền thuế sử dụng đất bạn đóng thay em mình, việc thực hiện công việc không có ủy quyền được coi là căn cứ xác lập nghĩa vụ dân sự theo quy định tại khoản 3 Điều 281 Bộ luật dân sự 2005.
"Điều 281. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự
Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ các căn cứ sau đây:
1. Hợp đồng dân sự;
2. Hành vi pháp lý đơn phương;
3. Thực hiện công việc không có ủy quyền;
… "
Điều 594 Bộ luật dân sự 2005 quy định về thực hiện công việc không có uỷ quyền như sau:
“Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó, hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.”
>>> Luật sư tư vấn khởi kiện đòi lại đất đai qua tổng đài: 1900.6568
Có thể thấy, trong trường hợp này, dù không có nghĩa vụ đóng tiền thuế sử dụng đất nhưng vì lợi ích của em mình, bạn đã tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nên được coi là việc thực hiện công việc không có ủy quyền theo quy định nêu trên. Bởi vậy, bạn có quyền yêu cầu em mình thực hiện nghĩa vụ thanh toán chi phí cho việc đóng thuế sử dụng đất theo quy định tại Điều 596 Bộ luật dân sự 2005:
“1. Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trong trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.
2. Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.”