Khi tham gia giao thông, người tham gia giao thông phải chấp đúng các quy định của pháp luật, để tránh gây tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của những người xung quanh và trật tự xã hội. Vậy có được cưỡi ngựa ra đường không? Bị xử phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Có được cưỡi ngựa ra đường không? Bị xử phạt thế nào?
Có thể hiểu súc vật bao gồm: gia súc, gia cầm, thú cưng hoặc vật nuôi khác. Theo đó, văn bản hợp nhất 07/VBHN-BNNPTNT 2022 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn quy định ngựa thuộc danh mục gia súc. Gia súc chính là những loài động vật vẫn tồn tại ngay trong đời sống hàng ngày có đặc điểm là những loài động vật có 04 chân được thuần hóa và chăn nuôi nhằm khai thác sức lao động của chúng như: Trâu, bò, ngựa, voi,… ngoài ra những loài này còn lấy thịt để cung cấp lương thực cho con người.
Như vậy, gia súc chỉ được khai thác một số công dụng nêu trên, chứ chưa có quy định nào cho phép sử dụng chúng làm phương tiện để tham gia giao thông.
Căn cứ Điều 34 Văn bản hợp nhất 08/VBHN-VPQH 2023 hợp nhất Luật Giao thông đường bộ quy định khi dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.
Như vậy, căn cứ vào những quy định trên thì hành vi cưỡi ngựa đi trên đường dành cho xe cơ giới hoặc ngựa ra đường không có đầy đủ dụng cụ để bảo đảm vệ sinh trên đường là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ chịu chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Bởi lẽ, khi chủ sở hữu không để ý, con ngựa dở chứng thì có thể gây ra tai nạn giao thông, hoặc xe nào đó tông trúng con ngựa thì hậu quả sẽ rất khó lường, có thể dẫn đến việc các xe phía sau đang lưu thông va chạm vào nhau xảy ra tai nạn, và hậu quả của việc tai nạn là vô cùng khó lường.
Căn cứ Điều 10 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT hành vi cưỡi ngựa ra đường sẽ chịu mức phạt như sau:
– Hành vi không có đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố
– Hành vi điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới
– Hành vi để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông
– Thực hiện một trong các hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng. Ngoài ra, nếu điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Bên cạnh đó Cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử phạt sẽ bắt chủ sở hữu phải có phương tiện để đưa ngựa về, không được tiếp tục cưỡi ngựa đi vào phần đường của xe cơ giới.
Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi chẳng hạn như làm chết người mà hành vi cưỡi ngựa ra đường còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hoặc tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả chết người căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017.
2. Thẩm quyền xử phạt hành vi cưỡi ngựa ra đường:
Căn cứ Điều 75, 76 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT thì thẩm quyền xử phạt hành chính của một số cơ quan như Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và Công an nhân dân các cấp được quy định như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
– Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
– Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và điểm c khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
– Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và Công an nhân dân đều có thẩm quyền xử phạt hành vi cưỡi ngựa ra đường đi vào phần đường dành cho xe cơ giới hoặc phần đường đi bộ mà không đảm bảo đầy đủ dụng cụ vệ sinh.
3. Uống rượu, bia cưỡi ngựa ra đường có bị xử phạt không?
Theo quy định thì hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia là vi phạm pháp luật, tuy nhiên nhiều người cũng đặt ra câu hỏi nếu cưỡi động vật đi trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn thì có bị phạt không?
Như vậy, theo quy định đang có hiệu lực pháp luật thì chưa điều chỉnh vấn đề sử dụng động vật để thay thế phương tiện thực hiện hành vi đã nêu trên mà chỉ xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và tùy theo hành vi vi phạm sẽ bị xử lý với các mức phạt khác nhau như phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng.
Ngoài ra, nếu có thiệt hại do súc vật gây ra thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT nghị đinh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
Văn bản hợp nhất 08/VBHN-VPQH 2023 hợp nhất Luật Giao thông đường bộ
Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BNNPTNT 2022 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn