Có được chia đất khi tài sản đó đứng tên vợ. Tài sản đứng tên vợ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau ly hôn thì chia như thế nào?
Có được chia đất khi tài sản đó đứng tên vợ. Tài sản đứng tên vợ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau ly hôn thì chia như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tụi em đám cưới được hơn 9 năm và đã được 3 cháu. Đứa lớn nhất được 7 tuổi và đứa nhỏ nhất được 3 tuổi. Do tụi em thấy sống với nhau không có hạnh phúc nên tụi e muốn được ly hôn. Cha mẹ vợ mất sớm có để lại mảnh đất và trên mãnh đất đó là do tên của ba mẹ vợ em đứng tên trên giấy tờ. Hai vợ chồng em có làm ăn trên mảnh đất đó một thời gian được khoảng 4 năm thì sau đó 5 anh chị làm ăn ở xa về thấy chúng em làm ăn khấm khá nên đòi thỏa thuận chia mảnh đất ra làm 5. Nhưng khi chia thì mỗi người được có 9m chiều ngang và chiều dài 31m. Tụi em đã cất sang phần đất của anh chị được chia cho nên chúng em mới bỏ tiền ra mua thêm chiều ngàng là 7m và dài 31mvới giá là 700 triệu đồng do em nghĩ là sẽ không có chuyện ly hôn nên em đã gộp vào với phần đất mà vợ em được chia và cho 1 mình vợ em đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng bây giờ vợ em muốn ly hôn và chiếm hết phần đất mà tụi em đã bỏ ra mua , do lúc đó em mua bằng miệng nên không có giấy tờ, em không có bằng chứng, chứng minh là 2 vợ chồng em đã mua lại mảnh đất đó. Tính đến thời điểm này, 2 vợ chồng em chung sống và làm ăn trên mảnh đất đó hơn 9 năm rồi và đã nâng nền trên mảnh đất đó ít nhất là 4 lần rồi. Vậy cho em hỏi: Sau khi ly hôn phần đất đó em có được chia không và các con em có được hưởng phần nào không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Sau khi ly hôn phần đất đó em có được chia không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản chung của vợ chồng được quy định như sau:
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”
Như vậy, đối với tài sản của hai vợ chồng bạn sẽ được xác định như sau:
Thứ nhất, nếu vợ bạn có thỏa thuận miếng đất mà vợ bạn được thừa kế vào khối tài sản chung trong gia đình (thỏa thuận này phải được lập thành văn bản) thì miếng đất đó cộng với phần đất mua thêm được coi là tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kì hôn nhân.
Thứ hai, nếu vợ bạn không có thỏa thuận gộp mảnh đất mà vợ bạn được thừa kế vào tài sản chung của hai vợ chồng thì mảnh đất đó là tài sản riêng của vợ bạn được thừa kế riêng. Còn phần đất mua thêm với giá trị 700 triệu là phần đất có do hai vợ chồng bạn mua trong thời kì hôn nhân, vợ bạn không hề được thừa kế phần đất này vì thế phần đất này sẽ thuộc tài sản chung của hai vợ chồng.
Vấn đề chia tài sản sau khi ly hôn sẽ được xác định như sau:
Thứ nhất, sau khi ly hôn thì vấn đề tài sản của vợ chồng sẽ ưu tiên cho hai vợ chồng thỏa thuận theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.”
Thứ hai, trong trường hợp hai vợ chồng không thỏa thuận được thì tài sản sẽ được giải quyết theo các quy định sau:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: “Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình thì:
“Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Như vậy, trong trường hợp vợ bạn gộp miếng đất được thừa kế vào tài sản chung của gia đình thì miếng đất được thừa kế của vợ bạn cùng với phần đất mua thêm được chia đôi cho hai người. Mỗi bên sẽ được một nửa, nếu phần đất đó không chia đôi được thì ai nhận miếng đất đó sẽ phải thanh toán cho bên kia giá trị phần tài sản mà bên kia được hưởng. Trong trường hợp vợ bạn không có thỏa thuận gộp vào tài sản chung của gia đình thì mảnh đất mà vợ bạn được thừa kế sẽ thuộc tài sản riêng của vợ bạn, phần đất mua thêm có giá trị 700 triệu sẽ được chia đôi (vì đây là tài sản chung trong thời kì hôn nhân). Bạn có nói rằng vợ bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc hai vợ chồng mua thêm phần đất có giá trị 700 triệu không hề có bằng chứng chứng mình thì trong trường hợp này mảnh đất mua thêm vẫn được coi là tài sản chung. Bởi vợ bạn chỉ được thừa kế với chiều rộng 9m và chiều dài 31m. Như vậy, vợ bạn chỉ có thể chứng minh được diện tích đất đó là tài sản riêng của mình. Còn phần đất mua thêm là do hai vợ chồng cũng góp tiền mua và đây là tài sản chung của vợ chồng bạn.
Các con em có được hưởng phần nào không?
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
Trường hợp này không phải là trường hợp về thừa kế, vì thế tài sản của vợ chồng bạn các con bạn chỉ có thể được hưởng khi vợ chồng bạn mất. Người được chia tài sản trong trường hợp vợ chồng bạn ly hôn chỉ có thể là bạn và vợ bạn. Đối với các con của bạn, vì các con của bạn chưa đủ 18 tuổi nên việc nuôi dưỡng, chăm nom và cấp dưỡng cho con sẽ theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Tài sản đứng tên chồng, vợ có được chia khi ly hôn?
– Chia tài sản được tặng cho trong thời kỳ hôn nhân khi ly hôn
– Yêu cầu tòa án chia tài sản chung vợ chồng sau khi ly hôn
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 19006568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại