Có được biệt phái viên chức nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Sinh con thứ ba, chưa bị xử lý kỷ luật nhưng bị điều động khi nuôi con dưới 36 tháng có đúng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là nữ hộ sinh (viên chức),có sinh con thứ 3,UBND huyện ra quyết định biệt phái tôi đi miền núi mà chưa xử lý kỷ luật đối với tôi,tôi lại đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Quyết định biệt phái như vậy có đúng không??
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
– Trước đây, theo quy định tại Nghị định 114/2006/NĐ-CP ( đã hết hiệu lực) quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em, việc cán bộ, viên chức, công chức sinh con thứ ba sẽ bị xử phạt hành chính, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, tước chứng chỉ hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ, hay bị khiển trách kỷ luật của cơ quan nơi người đó đang đảm nhiệm chức vụ, đang công tác. Tuy nhiên Nghị định 114/2006/NĐ-CP đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 176/2013/NĐ-CP có hiệu lực kể từ 31/12/2013. Theo đó, Nghị định 176/2013/NĐ-CP đã không đề cập đến vấn đề “sinh con thứ ba” nữa. Do đó, kể từ ngày 31/12/2013, việc cán bộ, viên chức, công chức sinh con thứ ba (không thuộc các trường hợp đặc biệt có quy định riêng) thì không bị xử lý kỉ luật.
– Căn cứ vào Điều 36 Luật viên chức năm 2010 về biệt phái viên chức như sau:
“Điều 36. Biệt phái viên chức
1. Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.
2. Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.
3. Viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến.
>>> Luật sư
4. Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.
5. Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
6. Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.
7. Không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.”
– Căn cứ vào Khoản 7 Điều 36 Luật viên chức năm 2010 nêu trên thì không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Do đó, trong trường hợp của bạn, bạn đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì sẽ không bị xử lý kỉ luật về việc sinh con thứ ba, đồng thời không thuộc đối tượng cử đi biệt phái.