Kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn sẽ không thể thực hiện được nếu như không có các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Vậy cơ chế kiểm soát rủi ro với hợp đồng giá trị lớn của công ty bao gồm gì?
Mục lục bài viết
1. Kiểm soát rủi ro với hợp đồng giá trị lớn của công ty bằng các cơ sở pháp lý:
Kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn sẽ không thể thực hiện được nếu như không có các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc không có những quy định được ghi nhận trong điều lệ hoặc trong quy chế nội bộ của công ty. Các quy định pháp luật do nhà nước ban hành là các quy định để kiểm soát hợp đồng nói chung như là:
– Quy định về vấn đề thẩm quyền xác lập hợp đồng;
– Quy định về vấn đề trình tự, thủ tục xác lập hợp đồng;
– Quy định về hiệu lực pháp lý của hợp đồng và những quy định khác.
Điều lệ hoặc quy chế nội bộ của công ty sẽ được ban hành nhằm để cụ thể hoá các quy định được ghi nhận trong pháp luật công ty.
1.1. Pháp luật về công ty:
Pháp luật về công ty được hiểu là tổng hợp những quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành nhằm để điều chỉnh các quan hệ phát sinh ở trong quá trình thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, phát triển và kết thúc các hoạt động của công ty. Nghiên cứu pháp luật về công ty ở Việt Nam cho thấy rằng văn bản đầu tiên chứa đựng những quy phạm điều chỉnh đối với hợp đồng có giá trị lớn chính là
1.2. Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự và những luật chuyên ngành:
Pháp luật công ty đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ chế kiểm soát đối với hợp đồng có giá trị lớn. Tuy nhiên thì ngoài pháp luật công ty, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự cũng đóng một vai trò thiết yếu đối với việc kiểm soát đối với hợp đồng có giá trị lớn. Lý do là vì ở chỗ, Bộ luật dân sự có rất nhiều các nội dung quy định về giao dịch, hợp đồng; trong đó có nhiều nội dung mà liên quan trực tiếp đến việc kiểm soát hợp đồng có giá trị lớn.
Ví dụ như là các quy định của Bộ luật dân sự về đại diện; về những hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện; những quy định về giao kết, thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng hay là về trách nhiệm dân sự…
Bộ luật tố tụng dân sự cũng có rất nhiều các quy định về trình tự, thủ tục khởi kiện cũng như là trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại, trong đó có những tranh chấp về hợp đồng tại Toà án. Những quy định này cũng là một cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn khi mà quá trình giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng có các vi phạm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông/thành viên công ty.
1.3. Điều lệ công ty:
Kiểm soát rủi ro nói chung và kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn nói riêng trước hết thì đó chính là câu chuyện của tự thân công ty. Để tạo lập được về cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn thì công ty cần phải xây dựng và ban hành những quy định cụ thể trong Điều lệ và những quy chế/nội quy của công ty. Điều lệ công ty thường sẽ được coi là bản Hiến pháp của công ty bởi vì văn bản này là thoả thuận giữa những cổ đông/thành viên công ty về tất cả các vấn đề quan trọng nhất liên quan đến việc thành lập, tổ chức và những hoạt động của công ty; phân chia, định hướng quyền và nghĩa vụ phát sinh trong công ty.
Điều lệ công ty cũng mang tính chất là một hợp đồng nhưng phải coi đây chính là một hợp đồng “đặc biệt”. Điều lệ là một hợp đồng bởi vì nó là kết quả của sự thoả thuận giữa những cổ đông/thành viên công ty dựa trên nền tảng của sự tự do khế ước, tự do kinh doanh. Tính đặc biệt của Điều lệ được thể hiện ở điểm:
– Các bên tham gia trong hợp đồng này là những cổ đông/thành viên công ty chỉ được phép thoả thuận những điều khoản của hợp đồng dựa trên một khung đã được định sẵn bởi những quy định pháp luật về công ty.
– Điều lệ được coi là sự thoả thuận của những cổ đông/thành viên công ty và có giá trị ràng buộc đối với các chủ thể này nhưng trong nhiều trường hợp, những cổ đông/thành viên công ty sẽ không được tham gia vào trong việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ. Đây cũng chính là điểm khác biệt so với các hợp đồng thông thường. Theo lý thuyết hợp đồng thì các bên là chủ thể hợp đồng sẽ có quyền tham gia vào trong quá trình sửa đổi, bổ sung hợp đồng. Đối với điều lệ thì không như vậy. Nguyên nhân là do ở trên thực tế, có rất nhiều các công ty, đặc biệt là những công ty đại chúng có số lượng cổ đông rất lớn. Những cổ đông hoạt động theo cơ chế cuộc họp và mặc dù cũng đã được mời gọi theo đúng quy trình, thủ tục luật định nhưng việc yêu cầu phải có mặt của tất cả các cổ đông là một điều phi thực tế. Như vậy, nếu như làm đúng nguyên tắc phải có tất cả những bên tham gia hợp đồng mới được sửa đổi, bổ sung được thì sẽ chẳng bao giờ có thể sửa đổi, bổ sung được Điều lệ. Chính bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ sẽ được thực hiện theo nguyên tắc dựa trên một tỷ lệ có mặt và đồng thuận nhất định của những cổ đông/thành viên chứ không phải buộc yêu cầu sự có mặt và đồng thuận của tất cả các bên như trong lý thuyết về hợp đồng.
Như vậy, có thể kết luận rằng với tính chất là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất ở trong nội bộ công ty, đồng thời cũng chính là một hợp đồng đặc biệt, Điều lệ có một vai trò điều chỉnh tất cả mọi vấn đề trong công ty, trong đó có cả vấn đề kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn.
1.4. Các quy chế nội bộ của công ty:
Quy chế nội bộ của công ty được hiểu là tập hợp những quy định áp dụng điều chỉnh những vấn đề nội bộ của công ty. Với ý nghĩa như vậy, những quy chế nội bộ của công ty bao gồm những nội quy điều hành nội bộ, những quyết nghị của ĐHĐCĐ, Hội đồng quản trị (HĐQT), những thoả thuận giữa các cổ đông với nhau và giữa cổ đông với công ty.
Quy chế nội bộ của công ty chỉ điều chỉnh các vấn đề nội bộ và chỉ có giá trị ở trong nội bộ công ty. Tuy vậy nhưng quy chế nội bộ là cơ sở pháp lý đóng một vai trò nhất định trong việc thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty. Ở trên thực tế, có rất nhiều các công ty ở Việt Nam cũng đã sử dụng quy chế nội bộ công ty, đặc biệt là quy chế về phân cấp thẩm quyền của những thiết chế trong nội bộ công ty như là một công cụ để thực hiện phân định rõ thẩm quyền của Hội đồng thành viên (HĐTV), ĐHĐCĐ, HĐQT, Giám đốc ở trong việc xác lập hợp đồng có giá trị lớn của công ty.
2. Những thiết chế thực hiện kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty:
Yếu tố thứ hai cấu thành nên cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn đó chính là những thiết chế thực hiện việc kiểm soát rủi ro trên thực tiễn, tức là những chủ thể sẽ tham gia vào quy trình quản lý rủi ro. Việc xây dựng những quy định về kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không có các chủ thể thực thi những quy định ấy.
Các chủ thể thực hiện việc kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn bao gồm có: Các phòng, ban chức năng ở trong công ty; những người quản lý, điều hành công ty và chủ sở hữu công ty. Việc xác định những thiết chế này dựa trên luận điểm đó là cơ chế kiểm soát rủi ro trong công ty, trong đó có cả kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn, phải gắn liền với vấn đề quản trị công ty. Bởi lẽ, nếu như kiểm soát rủi ro không gắn với quản trị công ty, không gắn với cả bộ máy hoạt động của công ty thì việc kiểm soát đó sẽ rất khó có thể thực thi hoặc nếu có thực thi được thì cũng không mang lại hiệu quả.