Dân số là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế, biến đổi xã hội đất nước, nó có tầm quan trọng hàng đầu đối với kinh tế - chính trị của một quốc gia. Đây vừa là lực lượng lao động vừa là người tiêu dùng trong xã hội. Cùng tìm hiểu về cơ cấu dân số và đặc trưng cơ cấu dân số?
Mục lục bài viết
1. Cơ cấu dân số là gì?
Trong Tài liệu dân số học- Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình, của tác giả PGS.TS Vũ Thị Thuyền & TS. Lưu Bích Ngọc, Cơ cấu dân số được giải thích là sự phân chia tổng số dân của một vùng thành các nhóm theo một hay nhiều tiêu thức (mỗi một tiêu thức là một đặc trưng nhân khẩu học nào đó). Cách định nghĩa này cũng được sử dụng phổ biến và xem nó như một cách giải thích điển hình khi nhắc về cơ cấu dân số.
2. Đặc trưng của cơ cấu dân số:
Cơ cấu dân số là sự phân chia tổng dân số của một nước hay một khu vực thành các nhóm hay các bộ phận theo một hay nhiều tiêu thức đặc trưng nào đó. Điều đó có nghĩa là, cơ cấu dân số phải phản ánh được mối quan hệ giữa nhiều yếu tố và được tính toán một cách kỹ lưỡng thông qua các kỹ thuật cụ thể. Cơ cấu dân số thường được biểu thị qua biểu đồ và tính theo tỷ lệ phần trăm (%).
3. Phân loại cơ cấu dân số:
Trong các loại cơ cấu dân số, cơ cấu tuổi và cơ cấu giới tính là quan trọng nhất, vì cơ cấu theo tuổi và giới tính là các đặc tính quan trọng của bất kỳ nhóm dân số nào, nó ảnh hưởng đến mức sinh, mức chết, di dân trong nước và quốc tế, tình trạng hôn nhân, lực lượng lao động, thu nhập quốc dân thuần túy, kế hoạch phát triển giáo dục và an sinh xã hội.
3.1. Về cơ cấu tuổi:
Cơ cấu tuổi của dân số là sự phân bố của những người ở nhiều độ tuổi khác nhau.( các nhóm dưới tuổi lao động (0-14), trong tuổi lao động (15-60), và trên tuổi lao động (từ 60 trở lên)… rồi tính tỷ trọng dân số của từng độ tuổi hay nhóm tuổi trong tổng số dân). Đây là một công cụ hữu ích cho các nhà khoa học xã hội, các chuyên gia y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các nhà phân tích chính sách và các nhà hoạch định chính sách vì nó minh họa các xu hướng dân số như tỷ lệ sinh và tử vong.
Cách tính tuổi cũng khác nhau giữa một số quốc gia, ví dụ như các nước châu Á tính tuổi theo lịch âm và có thể tính cả tuổi từ lúc bào thai (tuổi mụ), trong khi đó các nước phương Tây tính tuổi theo lịch dương và tính tuổi tròn. Theo hai cách tính này, tuổi của một người có thể chênh nhau 1-2 tuổi nếu được tính theo cách khác nhau. Thống nhất điều này, Liên Hợp quốc đã thống nhất tính tuổi theo dương lịch để tính tuổi trong các tổng điều tra dân số của các quốc gia.
Có một sự khác biệt đáng kể về cơ cấu tuổi giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các nước phát triển thường có dân số già hơn các nước Đang phát triển, tuy nhiên tốc độ già hóa dân số ở các nước đang phát triển sẽ diễn ra nhanh hơn các nước phát triển do hậu quả của “bùng nổ trẻ em” giai đoạn trước.
Một phần lớn dân số trong độ tuổi lao động được coi là cần thiết để duy trì sự ổn định và tiến bộ về kinh tế và xã hội. Và vì một tỷ lệ dân số trẻ hơn và cao tuổi hơn thường làm việc nên hai nhóm này được coi là ‘những người phụ thuộc’ trong các mô tả nhân khẩu học. Một phần lớn những người ‘phụ thuộc’ về kinh tế so với những người trong độ tuổi lao động có thể có những tác động tiêu cực đến năng suất lao động, hình thành vốn và tỷ lệ tiết kiệm.
Các nhà nhân khẩu học thể hiện tỷ trọng của các nhóm tuổi phụ thuộc bằng cách sử dụng một số liệu được gọi là ‘tỷ số phụ thuộc theo tuổi’. Chỉ số này đo lường tỷ lệ giữa ‘người phụ thuộc’ (tổng số trẻ và già) với dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi).
Việt Nam đang bước vào giai đoạn có cơ cấu dân số vàng, có nghĩa là giai đoạn tỷ số phụ thuộc chung giảm xuống dưới hoặc bằng 50%, dân số trong độ tuổi lao động tăng lên, hai người trong tuổi lao động chỉ phải nuôi ít hơn 1 người ăn theo, với điều kiện là phải tạo đủ việc làm cho những người trong tuổi lao động thì mới tận dụng được cơ hội dân số vàng.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc thì Việt Nam có cơ cấu dân số vàng kéo dài từ năm 2010 cho đến năm 2040. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay, vì song song với cơ hội dân số, Việt Nam đang đối mặt với già hoá dân số.
3.2. Về cơ cấu giới tính:
Cơ cấu dân số giới tỉnh biểu thị cho mối quan hệ giữa nam và nữ trong tổng số dân cư tại một vùng lãnh thổ nhất định.
Một chỉ tiêu quan trọng được sử dụng đo lường cơ cấu giới tính là tỷ số giới tính (sex ratio), là tỷ số giữa dân số nam và dân số nữ trong cùng tổng thể dân số tại một thời điểm nhất định, so với dân số chuẩn 100 người.
Tỷ số giới tính có thể được tính cho từng độ tuổi, nhóm tuổi cụ thể. Tỷ số giới tính chứa đựng những thông tin quan trọng phản ánh về mức sinh và mức chết và di dân trong dân số. Tỷ số giới tính luôn dao động trong khoảng 95 đến 105, bất kỳ mọi sự thay đổi nào ngoài giới hạn trên đều được coi là có sự bất thường.
Tỷ lệ giới tính khi sinh đối với hầu hết các nước thường xấp xỉ 1,05 nghĩa là cứ 100 bé gái được sinh ra thì có 105 nam tương ứng cũng được sinh ra. Thường tỷ số này giao động trong khoảng 101-105. Tỷ số này có sự khác biệt mang tính chất tự nhiên đối với số sắc ộc, ví dụ tỷ số giới tính khi ra của người da trắng cao hơn người da đen. Tỷ số giới tính khi sinh có thể thay đổi khác với mức tự nhiên do nguyên nhân lựa chọn giới tính- một vấn đề mà một số các quốc gia Châu Á như Trung Quốc và Việt Nam đang gặp phải, do sự phát triển của các kỹ thuật hiện đại sàng lọc trước khi sinh, như việc xét nghiệm nước ối hay siêu âm chuẩn đoán giới tính thai nhi hay phân tách tinh trung, tính ngày rụng trứng để thị tinh được giới tính theo ý muốn.
Cơ cấu tuổi, giới tính chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động dân số như sinh, chết và di dân và thông qua những yếu tố dân số này chịu tác động của các yếu tố tự nhiên và kinh tế xã hội và chính sách khác. Ngược lại, bản thân cơ cấu tuổi và giới tính đóng vai trò là các biến độc lập tác động tới các quá trình dân số và kinh tế xã hội.
Nếu mức sinh cao và duy trì trong một thời gian sẽ dẫn tới cơ cấu dân số trẻ và ngược lại, mức sinh giảm và ở mức thấp liên tục nhiều năm sẽ dẫn tới hiện tượng già hóa dân số. Trong một thời kỳ, nếu mức chết, vì một nguyên do nào đó tập trung vào một giới tính hay nhóm tuổi nhất định sẽ tạo nên sự thay đổi trong cơ cấu tuổi và giới tính, tuổi thọ trung bình của nữ thường cao hơn nam giới cũng ảnh hưởng tới tỷ số giới tính.
Trong khi các yếu tố như mức sinh, mức chết tác động làm thay đổi cơ cấu dân số trên phạm vi cả nước thì di dân chủ yếu làm thay đổi cơ cấu dân số của từng vùng. Di dân thường xuất phát từ phân công lao động xã hội theo vùng. Sự phân công lao động theo vùng lại có những đặc điểm về ngành nghề khác nhau, yêu cầu về lao động vì vậy cũng khác nhau. Vì vậy, các vùng với các trung tâm phát triển các ngành nghề lĩnh vực khác nhau sẽ thu hút các nhóm lao động khác nhau, khiến thay đổi cơ cấu tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ của vùng.
Những hiểu biết về cơ cấu tuổi và giới tính của dân số đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch phát triển dân số và kinh tế xã hội thông qua việc nắm bắt tốt hơn các hiện tượng dân số, kinh tế xã hội đang và sẽ diễn ra.
Khi nghiên cứu cơ cấu dân số, ngoài tuổi và giới tính, một số khía cạnh khác, các khía cạnh này góp phần trở thành những đặc điểm chủ yếu của dân số. Vì vậy, sau khi xem xét cơ cấu tuổi và giới tính của dân số, chúng ta sẽ xem xét tiếp các cơ cấu quan trọng khác của dân số. Đó là sự phân chia dân số theo các tiêu chí như tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, giáo dục, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghề nghiệp, theo các loại hoạt động và các thành phần kinh tế. Các loại cơ cấu dân số này thường được phân tích kết hợp với cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính, cho phép hiểu sâu hơn về số lượng và chất lượng dân số.