Ông A bán cho ông B căn nhà. Ông B chưa đăng ký quyền sở hữu. Ông A bị Tòa án xử phải trả nợ. Do bản án có hiệu lực pháp luật nên cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thi hành. Ông B có phải trả lại nhà?
Tóm tắt câu hỏi:
Ông A thỏa thuận bán cho ông B ngôi nhà ở. Hợp đồng mua bán nhà đã được công chứng (chứng thực) và hai bên đã giao đủ tiền, giao nhà và giấy tờ nhà cho nhau nhưng chưa làm thủ thục đăng ký quyền sở hữu nhà ở. Một năm sau ông A bị Tòa án nhân dân xử phải trả nợ 700 triệu đồng. Do bản án có hiệu lực pháp luật nên cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thi hành. Theo hồ sơ tại Ủy ban nhân dân, ngôi nhà trên vẫn đứng tên ông A nên cơ quan thi hành án thông báo xử lý theo quy định của pháp luật thi hành án. Để có căn cứ xử lý, hãy xác định ngôi nhà ở trên thuộc sở hữu của ai, nếu:
a, Hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng ngày 15/6/2005;
b, Hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng ngày 15/6/2008.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại khoản 1 điều 168 Bộ luật dân sự: “việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Đồng thời, khoản 5, điều 93 Luật Nhà ở năm 2005 quy định: “bên mua, bên nhận tặng cho, bên đổi, bên được thừa kế nhà ở có trách nhiệm nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo trình tự quy định tại Điều 16 của Luật này, trừ trường hợp bên bán nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở hoặc các bên có thỏa thuận khác.”
Vì vậy, mặc dù ông B công chứng ở thời điểm nào thì vẫn phải thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu bất động sản mới được thừa nhận.
Về việc quyết định thi hành án của tòa án, tôi xin đưa ra quan điểm cá nhân như sau:
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC;
“ Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.
Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án.”
Vì vậy,ông B có quyền kiện ông A đòi bồi thường thiệt hại nếu sau khi có bản án của Tòa án mà ông A không dùng số tiền bán được nhà đó để thi hành án.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.