Sơ yếu lý lịch là một phần không thể thiếu khi công dân Việt Nam nộp hồ sơ việc làm. Vậy thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch ở đâu? Người chứng thực sơ yếu lý lịch phải có những giấy tờ gì và hết bao nhiêu tiền?
Mục lục bài viết
1. Chứng thực sơ yếu lý lịch ở đâu?
Thông tư số 01/2020/TT-BTP cũng đã nêu rất rõ, đối với tờ khai lý lịch cá nhân (hay còn gọi là sơ yếu lý lịch cá nhân) thì sẽ được áp dụng thủ tục chứng thực chữ ký.
Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực đã đã có Công văn số 873/HTQTCT-CT ngày 25/08/2017 về việc quán triệt thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch quy định về thủ tục chứng thực sơ yếu lý lịch cho công dân. Theo đó cơ quan có thẩm quyền chứng thực sơ yếu lý lịch đó chính là Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức hành nghề công chứng đều có thẩm quyền thực hiện chứng thực chữ ký trên sơ yếu lý lịch cho công dân.
Như vậy, khi công dân đi chứng thực sơ yếu lý lịch thì phải đến một trong các địa điểm sau:
– Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Các tổ chức hành nghề công chứng.
Khi đó, người có thẩm quyền thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch đó chính là:
– Đối với Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người có thẩm quyền chứng thực sơ yếu lý lịch đó là Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
– Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã thì người có thẩm quyền chứng thực sơ yếu lý lịch đó là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
– Đối với các tổ chức hành nghề công chứng thì người có thẩm quyền chứng thực sơ yếu lý lịch đó là Công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng.
2. Thủ tục chứng thực sơ yếu lý lịch:
Khi thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch, người yêu cầu chứng thực và bên thực hiện chứng thực cần tuân thủ các bước sau:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ
Khi công dân đi làm thủ tục chứng thực sơ yếu lý lịch cần phải chuẩn bị trước các loại giấy tờ sau:
– Căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân/hộ chiếu còn giá trị sử dụng
– Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký (hồ sơ lý lịch).
Bước 2: đi làm thủ tục
– Công dân cần chứng thực sơ yếu lý lịch đến nơi có thẩm quyền thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch đã nêu ở mục trên để làm thủ tục chứng thực sơ yếu lý lịch.
– Khi đến làm thủ tục, người yêu cầu chứng thực xuất trình các giấy tờ đã chuẩn bị trước.
– Người thực hiện chứng thực tiến hành xác minh những vấn đề, điều kiện như sau:
+ Kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu như thấy đủ giấy tờ theo quy định;
+ Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
+ Việc chứng thực không thuộc các trường hợp không được chứng thực chữ ký được pháp luật quy định;
– Nếu như các vấn đề, điều kiện nêu trên đúng theo quy định của pháp luật thì người chứng thực chữ ký yêu cầu người yêu cầu chứng thực thực hiện ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:
+ Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;
+ Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện việc chứng thực và ghi vào sổ chứng thực. Đối với sơ yếu lý lịch có từ hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu như giấy tờ, văn bản có từ hai tờ trở lên thì phải thực hiện đóng dấu giáp lai.
Lưu ý:
– Đối với trường hợp thực hiện chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì các công chức tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra các giấy tờ, nếu nhận thấy người yêu cầu chứng thực có đủ điều kiện về giấy tờ, điều kiện về trạng thái (người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình) và nội dung trong giấy tờ cần chứng thực không thuộc các trường hợp không được chứng thực chữ ký thì đề nghị người yêu cầu chứng thực trực tiếp ký vào giấy tờ cần chứng thực và chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực.
– Quy trình chứng thực sơ yếu lý lịch đã nêu trên cũng được áp dụng trong trường hợp chứng thực điểm chỉ khi mà người yêu cầu chứng thực chữ ký không ký được và trường hợp người yêu cầu chứng thực không thể thực hiện ký, điểm chỉ được.
3. Chứng thực sơ yếu lý lịch hết bao nhiêu tiền?
Tại Quyết định 1024/QĐ-BTP năm 2018 công bố về thủ tục hành chính được sửa đổi trong lĩnh vực chứng thực thuộc trong phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp có quy định về các mức thu lệ phí chứng thực, theo quy định của quyết định này thì chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch (áp dụng cho cả trường hợp chứng thực điểm chỉ và trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký, không điểm chỉ được) sẽ có mức lệ phí là:
– Thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch tại Phòng Tư pháp quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh và UBND cấp xã: 10.000 đồng/trường hợp;
– Thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch tại các tổ chức hành nghề công chứng: Phí chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản: 10.000 đồng/trường hợp;
Lưu ý: trường hợp ở đây được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong một tờ sơ yếu lý lịch.
4. Không được chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch trong trường hợp nào:
Trường hợp không được chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch theo Điều 25
– Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
– Người yêu cầu chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu mà không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo;
– Sơ yếu lý lịch mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung trái với pháp luật, đạo đức xã hội; nội dung tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc về lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của những cá nhân, tổ chức khác; vi phạm quyền công dân;
– Sơ yếu lý lịch có nội dung là hợp đồng, giao dịch.
5. Những lưu ý khi chứng thực sơ yếu lý lịch:
– Đối với người có yêu cầu chứng thực sơ yếu lý lịch:
+ Người yêu cầu chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản sơ yếu lý lịch mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký;
+ Đối với những mục không có nội dung trong sơ yếu lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.
– Đối với người thực hiện chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch:
+ Người thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực trong sơ yếu lý lịch;
+ Khi thực hiện việc chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch thì người có thẩm quyền chứng thực chữ ký tuyệt đối không được phê nội dung nhận xét về việc chấp hành các chủ trương, pháp luật, chính sách, quy định… của Đảng, Nhà nước, địa phương vào trong sơ yếu lý lịch của công dân mà chỉ cần ghi lời chứng thực trong phần xác nhận của cơ quan địa phương;
+ Trước khi thực hiện chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch, người thực hiện chứng thực phải kiểm tra kỹ các thông tin trong sơ yếu lý lịch, đối chiếu với các giấy tờ nhân thân của người yêu cẩu chứng thực xem có trùng khớp với các thông tin mà người yêu cầu chứng thực kê khai trong bản sơ yếu lý lịch;
+ Khi thực hiện việc chứng thực sơ yếu lý lịch mà trong nội dung của sơ yếu lý lịch có các mục không có nội dung trong tờ khai thì người thực hiện việc chứng thực phải gạch chéo đối với các phần thông tin này trước khi chứng thực;
+ Phải xác định được rằng tại thời điểm chứng thực sơ yếu lý lịch người yêu cầu chứng thực đủ minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì mới được thực hiện chứng thực chữ ký;
+ Xác định được các nội dung trong sơ yếu lý lịch cần chứng thực không thuộc các trường hợp không được chứng thực chữ ký thì mới được thực hiện chứng thực chữ ký.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn
– Quyết định 1024/QĐ-BTP năm 2018 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp;
– Công văn 873/HTQTCT-CT của Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực về việc quán triệt thực hiện chứng thực Sơ yếu lý lịch;
– Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch;
– Luật Công chứng 2014.