Dưới góc độ pháp lý thì chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn là trường hợp nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ vợ chồng với nhau
1. Định nghĩa về chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn
Có rất nhiều cách hiểu về chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn hiện nay, chẳng hạn như:
Dưới góc độ pháp lý thì chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn là trường hợp nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ vợ chồng với nhau, với gia đình và với xã hội nhưng không tiến hành đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì: “Được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
– Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;
– Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
– Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình…”
Khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HN&GĐ) giải thích: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như là vợ chồng”. Như vậy Luật HN&GĐ hiện hành tiếp tục không can thiệp vào việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, giữa người chuyển giới với người khác hoặc giữa những người chuyển giới với nhau.
Từ những định nghĩa trên cùng thực trạng chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn, có thể thấy hai dạng (trường hợp) cơ bản: chung sống như vợ chồng không trái pháp luật và chung sống như vợ chồng trái pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Đặc điểm của chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn
Thứ nhất, có đủ điều kiện kết hôn nhưng chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các bên có đủ điều kiện kết hôn nhưng không thực hiện việc đăng ký kết hôn. Đây là một đặc điểm cơ bản để phân biệt với trường hợp nam nữ không đủ điều kiện kết hôn nên không thể đăng ký kết hôn hay trường hợp kết hôn trái pháp luật (các bên có đăng ký kết hôn nhưng lại vi phạm điều kiện kết hôn).
Thứ hai, trong thời gian chung sống như vợ chồng, hai người thực sự coi nhau là vợ chồng.
Đây là đặc điểm để phân biệt với trường hợp “chung sống tạm bợ”. Tuy nhiên, để đánh giá việc “thực sự coi nhau là vợ chồng” là một việc không hề dễ dàng, vì còn phải phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Ngoài việc phải căn cứ vào lời khai của mỗi người thì còn phải xem xét tình cảm, thái độ, cách cư xử của họ với nhau và hậu quả trong thời gian chung sống để đánh giá và quyết định.
Thứ ba, khi bắt đầu chung sống, hai người muốn chung sống lâu dài và ổn định.
Đây là đặc điểm để phân biệt với khái niệm “hôn nhân thử nghiệm” mà những năm gần đây được nhắc tới thường xuyên. Với “hôn nhân thử nghiệm”, sau một thời gian chung sống, các bên thấy phù hợp thì sẽ tiến hành đăng ký kết hôn, nếu không hợp thì “đường ai nấy đi”. Còn chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn thì ngay từ khi bắt đầu chung sống họ đã có ý định gắn bó lâu dài với nhau, xuất phát từ mong muốn xây dựng một cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc.