Khái niệm chứng nhận hợp quy? Các phương thức chứng nhận hợp quy? Lợi ích của giấy chứng nhận hợp quy? Phân biệt hợp chuẩn và hợp quy?
Hiện nay, các loại hình doanh nghiệp xuất hiện tại nước ta ngày càng nhiều. Sự gia tăng của các loại hình doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội, cũng như đáp ứng nhu sử dụng, tiêu dùng của người dân. Để đảm bảo hàng hóa, sản phẩm được sản xuất ra đạt chất lượng, Nhà nước đã đưa ra những quy định mang tính điều chuẩn. Một trong số đó là việc cấp giấy chứng nhận hợp quy cho hàng hóa. Vậy chứng nhận hợp quy là gì? Phân biệt hợp chuẩn và hợp quy như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ phân tích và làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm chứng nhận hợp quy:
Quy chuẩn hợp quy là việc cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tức đây là loại chứng từ mang tính chất công nhận tính đảm bảo kỹ thuật trong việc sản xuất hàng hóa, sản phẩm.
Về cơ bản, chứng nhận hợp quy là hoạt động bắt buộc mà các doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường thuộc đối tượng quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Chứng nhận hợp quy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng của công tác quản lý hàng hóa, sản phẩm của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đây là cách thực để cơ quan Nhà nước kiểm tra, xem xét xem sản phẩm. hàng hóa được sản xuất ra có đảm bảo chất lượng hay không. Nếu việc sản xuất hàng hóa, sản phẩm không đúng với quy chuẩn kỹ thuật, Nhà nước sẽ đưa ra phương án giải quyết kịp thời nhằm xử lý chủ doanh nghiệp, tránh hàng hóa đó lưu thông ra thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Trong bối cảnh thị trường hàng hóa phát triển mạnh mẽ như ngày nay, sẽ không tránh được tình trạng hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo về yếu tố kĩnh thuật trong công tác sản xuất tràn lan ra thị trường. Đứng trước vấn đề này, mỗi hàng hóa muốn được lưu thông trên thị trường đều phải có sự chấp thuận, đồng ý của cơ quan Nhà nước. Cách thức hữu hiệu nhất để cơ quan chức năng làm được điều này là tiến hành cấp giấy chứng nhận hợp quy.
2. Các phương thức chứng nhận hợp quy:
Để có thể được cấp chứng nhận hợp quy, hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp phải đảm bảo được những yêu cầu nhất định theo quy định của Nhà nước và pháp luật. Chủ thể thực hiện chứng nhận hợp quy là cơ quan chức năng có thẩm quyền. Về cơ bản, cơ quan Nhà nước tiến hành kiểm tra tính hợp quy và chứng nhận hợp quy dựa trên các phương thức cụ thể nhất định như sau:
– Phương thức thử nghiệm mẫu điển hình;
– Phương thức thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường;
– Phương thức thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
– Phương thức 4 thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
– Phương thức 5 thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
– Phương thức đánh giá và giám sát hệ thống quản lý;
– Phương thức thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa;
– Phương thức 8 thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa.
Có thể thấy, phương thức chứng nhận hợp quy mà Nhà nước đưa ra khá đa dạng và phong phú, tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt trong quá trình chứng nhận hợp quy của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Để xem xét xem sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp có đảm bảo đúng và đầy đủ tính kỹ thuật hay không, cơ quan Nhà nước có thể dựa vào một trong các phương thức nêu trên.
3. Lợi ích của giấy chứng nhận hợp quy:
Thứ nhất, chứng nhận hợp quy là căn cứ thể hiện sự công nhận của cơ quan Nhà nước đối với quá trình sản xuất hàng hóa. Tức, khi nhận được chứng nhận hợp quy, đồng nghĩa với việc sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp được Nhà nước công nhận tính hợp pháp trong quy trình kỹ thuật sản xuất.
Thứ hai, giấy chứng nhận hợp quy mà Nhà nước cấp giúp doanh nghiệp xác định được rằng quy trình, kỹ thuật sản xuất của mình là đúng với quy định. Từ đó, nó được xem là khuôn mẫu để doanh nghiệp dựa vào để kiểm soát quá trình sản xuất một cách toàn diện nhất.
Thứ ba, trong trường hợp không được cơ quan Nhà nước cấp chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp sẽ đưa ra phương hướng điều chỉnh kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn chung mà Nhà nước đưa ra.
Thứ tư, chứng nhận hợp quy giúp tạo lập nên uy tín của sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trong thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm chung.
Thứ năm, chứng nhận hợp quy góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng hóa. Hơn tất cả, nó giúp doanh nghiệp phát triển một cách một ổn định và toàn diện nhất.
4. Phân biệt hợp chuẩn và hợp quy:
Bên cạnh những điểm giống nhau là đều là phương thức để đánh giá về chất lượng của sản phẩm hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường hoặc sản phẩm nhập khẩu phục vụ sản xuất, thì giữa chứng nhận hợp chuẩn và chứng nhận hợp quy còn có những điểm khác nhau nhất định.
– Thứ nhất, về phạm vi áp dụng:
+ Chứng nhận hợp chuẩn: Phạm vi áp dụng của chứng nhận hợp chuẩn là đối với các sản phẩm không có khả năng gây ra tình trạng mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng.
+ Chứng nhận hợp quy: Phạm vi áp dụng của chứng nhận hợp quy là các sản phẩm gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng.
– Thứ hai, về tính chất:
+ Chứng nhận hợp chuẩn: Chứng nhận hợp chuẩn mang tính chất tự nguyện và được thực hiện theo yêu cầu của nhà sản xuất. Tức trong quá trình kinh doanh hàng hóa, sản phẩm, các doanh nghiệp muốn thể hiện uy tín của mình trên thị trường tiêu thụ, hoặc đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm của đối tác thì họ có thể yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp chứng nhận hợp chuẩn.
+ Chứng nhận hợp quy: Chứng nhận hợp quy mang tính chất bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đối với sản phẩm, hàng hóa của mình. Bởi lẽ, yếu tố kỹ thuật trong quá trình sản xuất hàng hóa sản phẩm rất quan trọng; nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, Nhà nước yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện chứng nhận hợp quy.
– Thứ ba, về năng lực của đơn vị chứng nhận và phòng thí nghiệm:
+ Chứng nhận hợp chuẩn: Đối với chứng nhận hợp chuẩn, quá trình chứng nhận không yêu cầu bắt buộc về năng lực của đơn vị chứng nhận và phòng thí nghiệm. Tức, không yêu cầu khắt khe về vấn đề này. Chỉ cần cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành thực hiện thủ tục hợp chuẩn theo đúng quy định của Nhà nước và pháp luật là được.
+ Chứng nhận hợp quy: Đối với chứng nhận hợp quy, quá trình chứng nhận bắt buộc phải được thực hiện bởi người có đầy đủ năng lực chứng nhận phù hợp quy chuẩn và phòng thử thử nghiệm cũng phải được chỉ định. Tức, mọi thứ phải được tuân thủ thực hiện một cách khắt khe, tránh trường hợp sai lầm, rủi ro xảy ra.
– Thứ tư, về nơi tiếp nhận hồ sơ công bố:
+ Chứng nhận hợp chuẩn: Nơi tiếp nhận hồ sơ công bố chứng nhận hợp chuẩn là chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân sản xuất đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh.
+ Chứng nhận hợp quy: Nơi tiếp nhận hồ sơ công bố chứng nhận hợp quy tại cơ quan chuyên ngành do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định.
Mặc dù có những điểm khác biệt nhất định như trên, song chứng nhận hợp quy và chứng nhận hợp chuẩn đều hướng tới việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp. Thông qua hình thức này, Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiến hành quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp một cách trọn vẹn và hiệu quả hơn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.
Các doanh nghiệp cần nghiêm chỉnh thực hiện chứng nhận hợp quy và chứng nhận hợp chuẩn để bảo đảm sự phát triển bền vững của sản phẩm doanh nghiệp mình cũng như lợi ích cung của thị trường hàng hóa.