Tội nhận hối lộ là gì? Tội nhận hối lộ tiếng Anh là gì? Cấu thành tội nhận hối lộ? Hình phạt của tội nhận hối lộ?
Nạn hối lộ và nạn nhận hối lộ diễn ra hết sức phổ biến, ngày càng tinh vi, khó phát hiện và có nguy cơ lan rộng ra ở mọi ngành, mọi cấp. Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đấu tranh, ngăn ngừa phát hiện và xử lý các hành vi hối lộ nói chung và nhận hối lộ nói riêng.
1. Tội nhận hối lộ là gì?
Hối lộ được hiểu hành vi nhận hoặc mời nhận (tặng) bất kì phần thưởng quá mức nào đó cho bất kỳ ai, người à có công việc liên quan đến quản lý công, để gây ảnh hưởng và buộc người đó phải hành động trái với nghĩa vụ và các quy tắc trung thực và liêm chính.
Theo từ điển Luật học, hối lộ là tệ nạn xã hội được biểu hiện dưới ba dạng khác nhau: nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Về bản chất, hối lộ là một sự mua bán quyền lực, người nhận hối lộ phải là người nắm giữ quyền lực và “bán” quyền lực đó để thu lợi bất chính cho mình. Khi được giao phó quyền hạn, con người luôn có nguy cơ sử dụng quyền hạn đó vì lợi ích cá nhân của mình
Nhận hối lộ là một trong những dạng hành vi hối lộ. Hành vi nhận hối lộ trở thành tội hối lộ khi hành vi nhận hối lộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ mà theo quy định của bộ luật Hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tội nhận hối lộ tức người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Từ đó có thể thấy tội nhận hối lộ luôn tồn tại nhiều hơn một chủ thể phạm tội, có người đưa hối lộ, bên trung gian nhận hối lộ hoặc tổ chức khác. Lợi ích được các bên đưa trao cho bên nhận là yếu tố không thể thiếu trong mối quan hệ hối lộ. Nhận hối lộ là hành vi được thực hiện một cách cố ý, kể cả trường hợp nhận hối lộ gián tiếp.
2. Tội nhận hối lộ tiếng Anh là gì?
Tội nhận hối lộ tiếng Anh là “Taking bribes”.
3. Cấu thành của tội nhận hối lộ
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội nhận hối lộ như sau:
“Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”
Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội nhận hối lộ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín cao hơn là chính thể bị sụp đổ. Hầu hết hành vi nhận hối lô của người có chức vụ quyền hạn là làm trái với công vụ được giao, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức mà cá nhân đó làm thành viên. Đối tượng tác độ của tội phạm chính là hoạt động thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn.
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội nhận hối lộ phải đảm bảo các điều kiện về chủ thể của tội nói chung đó chính là đạt đổi tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự. Tại Điều 12 Khoản 1 BLHS năm 2015 quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Và người thực hiện tội nhận hối lộ không thuộc các trường hợp mắc bệnh tâm thần, bênh khách làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành.
Người phạm tội nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn “người nào có chức vụ, quyền hạn,…”. Người có chức vụ, được hiểu là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng hương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định mà có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ (Khoản 2 Điều 352).
Công vụ được hiểu là việc công, tức những hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định. Tại Điều 2 Luật Cán bộ, công chức quy định: “Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan:. Các “nhiệm vụ” được hiểu là những công việc do những người trong các cơ quan, tổ chức, đơn vụ thực hiện theo phân công và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị ấy.
Người có chức vụ, quyền hạn phải là người có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ. Những yêu cầu đó có thể là yêu cầu về lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của người đưa hối lộ. Người có chức vụ, quyền hạn khi giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ phải là việc thực hiện công vụ và thực hiện nhiệm vụ.
Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội nhận hối lộ được thể hiện bằng “hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kì hình thức nào.” Hành vi khách quan của tội phạm này đó chính là hành vi nhận hối lộ bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là sử dụng chức vụ, quyền hạn vào việc thực hiện tội phạm. Lợi dụng chức vụ là lợi dụng chức danh công tác, chức danh hoặc quyền hạn được giao. Lợi dụng quyền hạn là lợi dụng quyền năng cụ thể được giao do có chức vụ.
Hành vi khách quan của tội nhận hối lộ bao gồm hai dạng hành vi: Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận của hối lộ để làm hay không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ và hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ sau khi đã thực hiện việc làm hay không làm theo thỏa thuận của người đưa hối lộ. Tức việc nhận hối lộ của thể được thực hiện trước hoặc sau khi người có chức vụ, quyền hạn đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Chủ thể thỏa thuận trước với người đưa hối lộ về việc làm hoặc không làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Hành vi nhận hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian. Nhận hối lộ trực tiếp là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp nhận hối lộ thông qua người khác, có thể thông qua chuyển tiền, hàng hóa của ngân hàng hoặc của bưu điện,… hoặc có thể là tuy chưa nhận hối lộ xong người có chức vụ, quyền hạn đã trực tiếp thỏa thuận với người đưa hối lộ thông qua gặp mặt hoặc trao đổi,… Nhận hối lộ qua trung gian là trường hợp có chức vụ, quyền hạn, giá tiếp nhận của hối hộ thông qua người khác.
Của hối lộ bao gồm lợi ích vật chất và lợi ích phi vật chất. Phi vật chất tức là những lợi ích tuy không có tính hữu hình và quy giá trị thành tiền nhưng có khả năng đem lại sự thỏa mãn, hài long, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động thực thi công vụ của người có chức vụ, quyền hạn. Điều 354 xác định việc nhận hối lộ có thể đem lại lợi ích cho một người khác hoặc tổ chức khác mà không nhất thiết phải chính là người có chức vụ, quyền hạn.
Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận lợi ích bật chất trái pháp luật cấu thành tội nhận hối lộ khi giá trị của nhận hối lộ từ 2.000.000 đồng trở lên, hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Đối với trường hợp nhận hối lộ phi vật chất, thì không tính đến giá trị của hối lộ.
Hậu quả của tội nhận hối lộ không là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, tức họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra, không trường hợp nhận hối lộ mà thực hiện do cố ý gián tiếp vì họ luôn mong muốn được nhận của hối hộ.
4. Hình phạt của tội nhận hối lộ
– Khung hình phạt cơ bản là phạt tù từ 02 đến 07 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng theo Khoản 2 Điều 354 là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
– Khung hình phạt tăng nặng theo Khoản 3 Điều 354 là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm
– Khung hình phạt tăng nặng theo Khoản 4 Điều 354 là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình
– Hình phạt bổ sung đó chính là bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.