Chức năng của thị trường chứng khoán? Nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán?
Thị trường chứng khoán là một thành phần quan trọng của thị trường tài chính của mỗi quốc gia. Tương tự như các thị trường khác, thị trường chứng khoán có những chức năng riêng biệt trong vai trò phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Để đảm bảo được tính ổn định, thống nhất của thị trường chứng khoán, thì pháp luật Việt Nam đã quy định những nguyên tắc hoạt động riêng biệt đối với thị trường chứng khoán. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về chức năng và nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán.
Luật sư
1. Chức năng của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán là một bộ phận quan trọng của thị trường vốn, đây chính là một thị trường có tổ chức và hoạt động có điều kiện, là nơi diễn ra các hoạt động mua bán các loại chứng khoán trung và dài hạn giữa những người phát hành chứng khoán và mua chứng khoán hoặc kinh doanh chứng khoán.
Thị trường chứng khoán có một số chức năng như sau:
Thứ nhất, huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế: hoạt động của thị trường chứng khoán tạo ra một cơ chế chuyển các nguồn vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu, cung cấp phương tiện huy động số vốn nhàn rỗi trong dân cư. Nhờ đó các công ty có thể huy động được một số lượng vốn đầu tư dài hạn để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất mới,… góp phần mở rộng sản xuất.
Thứ hai, cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng: thị trường chứng khoán cung cấp cho công chúng một môi trường đầu tư lành mạnh với các cơ hội lựa chọn phong phú. Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn, khả năng đưa lại lợi tức và mức độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn được loại chứng khoán phù hợp với khả năng, sở thích và mục đích của mình. Do vậy, thị trường chứng khoán có tác dụng quan trọng trong việc khuyến khích tiết kiệm để đầu tư.
Thứ ba, cung cấp khả năng thanh khoản cho các chứng khoán: nhờ có thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn. Khả năng thanh khoản là một trong những đặc tính hấp dẫn của chứng khoán đối với người đầu tư. Đây là chức năng quan trọng đảm bảo cho thị trường chứng khoán hoạt động một cách năng động, hiệu quả và khi thị trường chứng khoán hoạt động càng năng động, hiệu quả thì càng có khả năng nâng cao tính thanh khoản của các chứng khoán giao dịch trên thị trường.
Thứ tư, đánh giá giá trị doanh nghiệp và tình hình của nền kinh tế: thị trường chứng khoán là nơi đánh giá giá trị doanh nghiệp và tình hình của nền kinh tế một cách tổng hợp và chính xác thông qua chỉ số giá chứng khoán trên thị trường. Từ đó, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.
Thứ năm, tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Trên thị trường chứng khoán, các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng và ngược lại, khi giá cả chứng khoán giảm sẽ cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế. Vì thế, thị trường chứng khoán mà một công cụ quan trọng giúp Chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Thông qua thị trường chứng khoán, Chính phủ có thể mua bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu bù đắp thâm hụt ngân sách và quản lý lạm phát. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có thể sử dụng một số chính sách, biện pháp tác động vào thị trường chứng khoán nhằm định hướng đầu tư đảm bảo cho sự phát triển cân đối nền kinh tế.
2. Nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán
Là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường, cùng với những đặc tính mang tính đặc thù của hàng hóa được giao dịch, thị trường chứng khoán không hoạt động một cách tự do mà hoạt động tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định nhằm mục đích cơ bản của bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư. Tại Điều 5 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định về nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán như sau:
“Điều 5. Nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán
1. Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.
2. Công bằng, công khai, minh bạch.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
4. Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.”
Theo quy định trên thì có thể thấy nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán gồm:
Thứ nhất, tôn trọng quyền tự do của các chủ thể tham gia thị trường. Chủ thể tham gia thị trường chứng khoán ở đây chính là các nhà đầu tư chứng khoán. Các nhà đầu tư chứng khoán này có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Do bản chất chứng khoán là một loại tài sản, nên quyền của các tổ chức, cá nhân đối với loại tài sản này cũng được tôn trọng như đối với các loại tài sản khác theo quy định của pháp luật dân sự. Các tổ chức, cá nhân được bảo vệ và tôn trọng quyền sở hữu của họ đối với chứng khoán mà họ đang sở hữu, bên cạnh đó, thì họ cũng không bị giới hạn quyền nào đối với tài sản này trên thị trường chứng khoán.
Thứ hai, nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch
Nguyên tắc công bằng yêu cầu các giao dịch phải đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên dưới các hình thức khác nhau ở các bộ phận thị trường. Ví dụ như trong giai đoạn phát hành chứng khoán, nếu đó là chứng khoán phát hành ra công chúng thì yêu cầu phải dành tỷ lệ chứng khoán tối thiểu cho các nhà đầu tư phổ thông. Tại thị trường tập trung, phương thức đấu giá là hình thức thực hiện nguyên tắc công bằng. Theo đó, có thể thực hiện đấu giá liên tục hoặc đấu giá theo định kỳ nhưng đều đi đến một kết quả duy nhất là người bán sẽ bán được với giá cao nhất và người mua sẽ mua được với giá thấp nhất, không phân biệt các chủ thể đó là ai. Như vậy, nguyên tắc công bằng giá tạo ra sự bình đẳng giữa các chủ thể có cùng nhu cầu như nhau. Nguyên tắc công bằng đối với thị trường riêng lẻ phản ánh trong cơ cấu hoạt động và phân phối các lợi ích giữa các nhà đầu tư riêng lẻ.
Nguyên tắc công khai minh bạch là nguyên tắc chủ đạo của thị trường chứng khoán, theo đó, các chủ thể có nghĩa cụ công bố thông tin xác lực, kịp thời cho cơ quan quản lý chuyên ngành và các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và đảm bảo rằng các nhà đầu tư đều có cơ hội tiếp cận thông tin như nhau trên thị trường chứng khoán.
Nguyên tắc công khai thể hiện qua nhiều yêu cầu đối với hoạt động của thị trường chứng khoán, đòi hỏi được thực hiện thông quan nhiều phương diện thông tin khác nhau như: tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của chủ thể phát hành, số lượng và giá cả chứng khoán phát hành đến những thông tin về số lượng chứng khoán đang được giao dịch… Nguyên tắc công khai xuất phát từ từ nhu cầu tìm hiểu về cung- cầu của thị trường, giá trị của chứng khoán để các chủ thể đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư phù hợp, đảm bảo sự bình đẳng và tránh rủi ro tối đa cho các chủ thể đầu tư.
Thứ ba, nguyên tắc hoạt động của thị trường hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Bản chất thị trường chứng khoán là thị trường có rất nhiều sự rủi ro, mặt khác không phải chủ thể đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng là chủ thể có khả năng để nhận biết, phòng tránh hoặc khắc phục những rủi ro mà họ gặp phải. Bên cạnh đó, bất kì một biến động tiêu cực nào trên thị trường chứng khoán cũng có thể tác động đến nền kinh tế. Do đó, mà phải đảm bảo cho thị trường chứng khoán được ổn định, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, hạn chế, giảm thiểu tối đa những rủi có thể xảy ra.
Thứ tư, nguyên tắc tự chịu trách nhiệm về rủi ro. Nguyên tắc này đi kèm với quyền sở hữu của nhà đầu tư chứng khoán đối với số chứng khoán mà họ sở hữu. Các nhà đầu tư có quyền định đoạt số chứng khoán thuộc sở hữu của họ, và trong quá trình đầu tư, gặp bất cứ rủi ro nào thì các cá nhân, tổ chức này phải tự gánh chịu.
Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra hoạt động giao dịch, mua bán chứng khoán giữa các chủ thể, có cơ cấu phức tạp và vận hành theo những nguyên tắc nhất định. Các chủ thể khi tham gia vào thị trường chứng khoán phải tuân theo những nguyên tắc đó. Bởi lẽ sự tồn tại của các nguyên tắc này phản ảnh một đòi hỏi khách quan. Vì qua lịch sử tồn tại và phát triển thị trường chứng khoán thì mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc ở mức độ ít nhiều đều phá vỡ tính ổn định thị trường. Vì vậy, nhà nước cần có những tác động phù hợp, linh hoạt, bảo đảm tôn trọng nguyên tắc để hoạt động của thị trường chứng khoán có thể được diễn ra ổn định và phát triển.