Chức năng của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và mối liên hệ với Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc trong hệ thống chính trị.
Mục lục bài viết
1. Chức năng của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc trong hệ thống chính trị:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội ngày càng được thể hiện rõ nét trong các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chức năng tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật; phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đây là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp, trải qua nhiều chặng đường và tồn tại nhiều thành phần kinh tế, do vậy trong xã hội còn có sự khác nhau giữa các giai cấp, các dân tộc, các tầng lớp xã hội, các tôn giáo… Những biến đổi về cơ cấu giai cấp và thành phần xã hội đang đặt ra cho công tác vận động quần chúng nói chung và công tác mặt trận nói riêng những vấn đề mới từ nhu cầu liên minh, mở rộng và tập hợp các lực lượng yêu nước. Trong khi đó, các thế lực thù địch đang thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” và nhiều âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc hòng phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Điều này đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới cho công tác mặt trận nhằm bảo đảm cơ sở chính trị ổn định, đoàn kết cho cả hệ thống chính trị. Do đó trong thời gian tới, Mặt trận cần tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Mặt trận các cấp chủ động nắm tình hình để kịp thời phát hiện, tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền chỉ đạo xử lý nhiều vấn đề nhạy cảm, bức xúc mà dư luận quan tâm và thực tiễn đặt ra thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế phối hợp công tác với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức thành viên nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận các cấp từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, cũng như việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng và Nhà nước; đặc biệt đã phát huy vai trò của Mặt trận trong các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp Là những bộ phận quan hệ hữu cơ với nhau trong hệ thống chính trị Việt Nam, quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quan hệ hợp tác, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phối hợp cùng thực hiện nhiệm vụ chung. Một trong những nội dung quan trọng của cải cách bộ máy nhà nước hiện nay là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể nhân dân. Theo đó, cần “thực hiện thành nền nếp việc Đảng và Nhà nước cùng bàn bạc và tham khảo ý kiến của Mặt trận về những quyết định, chủ trương lớn” ngày một chặt chẽ và cụ thể hơn.
Trong xây dựng và đổi mới bộ máy nhà nước, Mặt trận có vai trò quan trọng, được quy định trong Hiến pháp, như Điều 9 quy định về cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; khoản 1 Điều 84 về quyền “trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc; khoản 8 Điều 96 yêu cầu Chính phủ phải phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; các Điều 101, Điều 116 về quyền nghe báo cáo của Chính phủ, chính quyền các cấp.
Chức năng, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng và đổi mới bộ máy nhà nước cũng được quy định rõ trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015, như: tham gia tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử… (Điều 19); tham gia xây dựng pháp luật (Điều 21); tham dự các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, kỳ họp của Hội đồng nhân dân, phiên họp của Ủy ban nhân dân (Điều 22); tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí (Điều 24) và tham gia góp ý, kiến nghị với Nhà nước (Điều 25)…
Như vậy, với chức năng nêu trên của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng, giám sát và bảo vệ Nhà nước như: tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện dân chủ, quyền làm chủ; bầu ra cơ quan dân cử, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; tham gia xây dựng pháp luật và chính sách; đóng góp ý kiến với cơ quan nhà nước các cấp; vận động nhân dân xây dựng các quy ước, quy chế trên địa bàn cư trú về các vấn đề liên quan đến đời sống, nghĩa vụ và lợi ích của công dân phù hợp với pháp luật; đấu tranh chống tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, gây phiền hà cho dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của dân.
Bên cạnh đó, một trong những chức năng quan trọng nhất của Mặt trận Tổ quốc là thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội. Đây là những chức năng đặc thù, song có tầm quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước cũng như hệ thống chính trị ở nước ta. Văn kiện các Đại hội X, XI của Đảng đều khẳng định cần phát huy vai trò, có cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội. Ngày 12/12/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 217/QĐ-TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội. Đây là những cơ sở quan trọng để cụ thể hóa về chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, theo đó:
Về giám sát xã hội: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Chương V, trong đó quy định rõ tính chất, mục đích và nguyên tắc giám sát (Điều 25); đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát (Điều 26); hình thức giám sát (Điều 2)… Theo đó, đối tượng giám sát là “cơ quan nhà nước, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức” và nội dung giám sát là “việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Về phản biện xã hội: tại Chương VI, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 đã quy định rõ về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận. Theo đó, đối tượng phản biện xã hội là dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nội dung là sự cần thiết, sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính đúng đắn, khoa học, khả thi; đánh giá tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của dự thảo văn bản; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân, tổ chức.
Như vậy, qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận sẽ góp phần tích cực trong xây dựng, củng cố và hoàn thiện bộ máy nhà nước cũng như hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.
Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại nhân dân của MTTQ Việt Nam cũng có chức năng quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng và công tác ngoại giao của Nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Từ những chức năng cơ bản đã nêu trên, có thể nhận thấy rằng, MTTQ thực hiện sự liên kết giữa các lực lượng với nhau thành một khối thống nhất nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị đã đề ra, đó là sự tập hợp của các giai tầng trong xã hội. Từ đó tạo ra sự đặc sắc, sáng tạo bởi sự liên kết đó có ý nghĩa chiến lược, phát huy được sức mạnh và khối đại đoàn kết toàn dân nhằm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đẩy mạnh việc củng cố và mở rộng khối liên minh chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là những điểm tương đồng so với chức năng của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, theo đó chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị – xã hội nói chung là lý do ra đời và tồn tại của tổ chức đó, là tiêu chí để đánh giá, khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức đó trong mối tương quan với các tổ chức khác trong xã hội. Hai tổ chức này tại hai quốc gia đều có chức năng quan trọng trong đời sống chính trị cả nước, đời sống xã hội, trong đối ngoại và trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cả hai đều có chức năng giám sát, qua đó sẽ góp phần tích cực trong xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống chính trị của mỗi quốc gia.
2. Thực tiễn hoạt động và mối liên hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Năm 2020, tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp; ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là dịch Covid-19 và bão lũ gây thiệt hại nặng nề các tỉnh miền Trung, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, đối ngoại được đảm bảo. Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 2,5-3%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.200 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% kế hoạch; GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD, tăng gần 35,6 USD so với năm 2019. An sinh xã hội, đời sống của nhân dân được đảm bảo; quốc phòng an ninh được giữ vững; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, được nhân dân hết sức hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực…. Góp chung vào thành công đó có những đóng góp tích cực của hệ thống Mặt trận các cấp, từ đó huy động nhân dân đồng tâm, hiệp lực, chia sẻ khó khăn, đổi mới, sáng tạo trong toàn dân, góp phần tích cực để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương và trong cả nước.
Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên các kênh thông tin, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng công tác tuyên truyền miệng, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, gặp mặt nhân các ngày truyền thống, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Tổ chức tốt các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề có tính chất chuyên sâu theo từng lĩnh vực, nhóm vấn đề, mở rộng các kênh lấy ý kiến góp ý của các Hội đồng tư vấn, các nhà khoa học nhằm nâng cao chất lượng đóng góp trong việc xây dựng các dự thảo văn bản.
Thường xuyên quán triệt và cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng đến Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và nhân dân; tổ chức các cuộc giám sát quá trình tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên đến hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy tăng cường quán triệt đến đảng viên về nhiệm vụ, trách nhiệm của Đảng, chính quyền đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nâng cao nhận thức về mối quan hệ Đảng vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. Đối với những hình thức tập hợp như trước đây đã và đang triển khai thì tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng như: tập hợp nhân dân thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thông qua thực hiện việc kết nạp các tổ chức thành viên của Mặt trận, phát triển hội viên đoàn viên của các tổ chức hội là tổ chức thành viên. Ngoài ra, đã chú trọng đổi mới phương thức tiếp cận các giai tầng trong xã hội, đặc biệt là đối với các tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số và người Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội đẩy mạnh các hình thức hoạt động tự quản của nhân dân ở khu dân cư (hiện nay trong toàn quốc có 637.534 mô hình, tổ tự quản); mở rộng nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân” ở các khu dân cư vào ngày 18/11 hàng năm, bình quân hằng năm cả nước có trên 95% khu dân cư tổ chức ngày hội.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã đổi mới nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua sát với thực tiễn, gắn kết với lợi ích của nhân dân, từng gia đình và cộng đồng dân cư trong điều kiện mới. Thực hiện tốt vai trò chủ trì phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận, khắc phục chồng chéo trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động, phân công rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp tổ chức thực hiện. Quá trình tổ chức thực hiện có sơ kết, đánh giá để kịp thời tháo gỡ khó khăn, chính vì vậy chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào của Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng được mở rộng và đem lại hiệu quả thiết thực. Đối với công tác tập hợp đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài, Mặt trận đã phối hợp với các tổ chức thành viên có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, chủ động thăm hỏi, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của kiều bào kết hợp với
Phương thức vận động, giúp đỡ chăm lo cho người nghèo có nhiều đổi mới, trong đó Mặt trận vừa vận động trực tiếp các nguồn lực, vừa hướng dẫn, kết nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm triển khai giúp đỡ trực tiếp cho người nghèo và các địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương để các tổ chức thành viên nhận giúp đỡ các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong 5 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động số tiền 5.887 tỷ đồng; an sinh xã hội gần 17.000 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa trên 181.133 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; hỗ trợ sinh kế, góp phần cải thiện điều kiện sống của người nghèo với 667.525 lượt người.
Đồng thời, công tác giám sát và phản biện xã hội đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận các cấp đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức hội nghị, gửi xin ý kiến vào dự thảo văn bản, góp ý tại hội nghị giao ban với cấp ủy, các cuộc họp với chính quyền, thông qua tiếp xúc cử tri, qua tiếp xúc với người đứng đầu… Nội dung chủ yếu tham gia góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Năm 2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã góp ý 3.215 loại văn bản quy phạm pháp luật, 10.695 dự thảo các chương trình, đề án và các văn bản khác của cấp ủy, chính quyền cùng cấp; phối hợp tổ chức 2.450 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Có thể nhận thấy rằng, các hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp ngày càng trở lên thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tập hợp lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Từ đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.