Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự chính là trách nhiệm dân sự được giải quyết trong vụ án hình sự. Vậy chưa bồi thường thiệt hại thì có được xóa án tích không?
Mục lục bài viết
1. Chưa bồi thường thiệt hại thì có được xóa án tích không?
Trước tiên cần phải hiểu rõ nghĩa vụ bồi thường trong vụ án hình sự là gì? Có thể hiểu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự chính là trách nhiệm dân sự được giải quyết trong vụ án hình sự nhằm để buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải thực hiện khắc phục hậu quả bằng cách đền bù những tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Điều 30 của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà lại chưa có điều kiện chứng minh và không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự sẽ có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Để được xóa án tích, người bị kết án phải đáp ứng được các điều kiện mà pháp luật quy định. Cụ thể:
Đối với đương nhiên xóa án tích: người bị kết án phải đáp ứng được các điều kiện sau thì sẽ được cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện xóa án tích (cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích):
– Điều kiện 1: người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017.
– Điều kiện 2: đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc là hết thời hiệu thi hành bản án.
– Điều kiện 3: từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó cũng đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án.
– Điều kiện 4: không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây (kể cả đối với trường hợp kể từ khi hết thời hiệu thi hành bản án):
+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được tòa án cho hưởng án treo;
+ 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù cho đến 05 năm;
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm cho đến 15 năm;
+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc là tử hình nhưng đã được giảm án.
Đối với xóa án tích theo quyết định của tòa án: người bị kết án phải đáp ứng được các điều kiện sau thì sẽ được Tòa án xem xét quyết định việc xóa án tích:
– Điều kiện 1: tòa án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người đã bị kết án.
– Điều kiện 2: phải chấp hành xong hình phạt chính hoặc đã hết thời gian thử thách án treo.
– Điều kiện 3: từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc đã hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.
– Điều kiện 4: từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc đã hết thời gian thử thách án treo, người đã bị kết án không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được tòa án cho hưởng án treo;
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù cho đến 05 năm;
+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm cho đến 15 năm;
+ 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc là tử hình nhưng đã được giảm án.
Theo quy định trên, có thể thấy cả hai trường hợp đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của tòa án đều có điều kiện để được xóa án tích là từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc đã hết thời gian thử thách án treo, người đó cũng đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Các quyết định khác của bản án được hiểu là các quyết định về những biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, những vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, án phí, xử lý các vật chứng, tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa,… được quy định ở trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Như vậy, qua các phân tích trên, có thể khẳng định được rằng nếu việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự mà được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, người bị kết án mà chưa thực hiện bồi thường thiệt hại theo quyết định của bản án thì chưa đủ các điều kiện để được xóa án tích.
2. Đã thỏa thuận về bồi thường thiệt hại với bị hại thì người bị kết án có được xóa án tích không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7a Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì thi hành khoản bồi thường cho các bị hại theo bản án, quyết định của Tòa án là nghĩa vụ của người bị kết án; nếu người bị kết án không thi hành khoản bồi thường cho các bị hại (mặc dù người bị kết án đã thi hành xong phần hình phạt chính và đã đóng án phí đầy đủ) thì vẫn bị coi là chưa chấp hành xong bản án, quyết định của Tòa án và người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 và điểm a khoản 1 Điều 7a Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người bị kết án và bị hại có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu như thỏa thuận đó không vi phạm với các điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận sẽ được công nhận. Do vậy, trong trường hợp giữa bị hại (là người được bồi thường thiệt hại từ người bị kết án) và người bị kết án (có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bị hại theo bản án) đã có thỏa thuận thi hành án về việc người bị kết án không phải thi hành khoản tiền bồi thường cho bị hại theo bản án của Tòa án thì người bị kết án không phải thi hành khoản tiền này nữa và người bị kết án đương nhiên được xóa án tích theo quy định của pháp luật khi thỏa thuận đó được lập thành văn bản, có nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký hoặc là điểm chỉ của các bên tham gia thỏa thuận.
3. Những người có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự:
Căn cứ theo khoản 1, điểm g khoản 2 Điều 62 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2021, các đối tượng sau có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự:
– Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức đã bị thiệt hại về tài sản, uy tín do chính tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
– Bị hại có quyền đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, các biện pháp bảo đảm bồi thường.
Ngoài ra, theo khoản 1, điểm g khoản 2 Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2021 cũng quy định:
– Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do chính tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Nguyên đơn dân sự có quyền đề nghị mức bồi thường thiệt hại, các biện pháp bảo đảm bồi thường.
Như vậy, chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sư gồm có bị hại và nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, nguyên đơn dân sự sẽ cần phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017;
– Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2021.