Việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật hôn nhân và gia đình đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực tham gia của rất nhiều nhóm chủ thể khác nhau mới bảo đảm tốt được hiệu quả của việc thực hiện quyền của phụ nữ
Ngày nay trước quá trình hội nhập và phát triển đang đặt nhân loại và mỗi quốc gia trước nhiều cơ hội và thách thức, trong đó có vấn đề cần được quan tâm đó là việc bảo đảm quyền con người trong đó có việc bảo đảm quyền của phụ nữ. Để đảm bảo tốt nhất các QBĐ của phụ nữ được ghi nhận và thực hiện trong xã hội rất cần có các phương thức phù hợp nhằm bảo đảm thực hiện QBĐ của phụ nữ trong pháp luật HN&GĐ.
Với mục tiêu nghiên cứu trong khuôn khổ của bài viết chỉ đi sâu vào khía cạnh bảo đảm QBĐ của phụ nữ với tư cách là người vợ. Từ đó, cho thấy việc bảo đảm QBĐ của phụ nữ trong pháp luật HN&GĐ đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực tham gia của rất nhiều nhóm chủ thể khác nhau mới bảo đảm tốt được hiệu quả của việc thực hiện quyền của phụ nữ.
Mục lục bài viết
1. Nhóm chủ thể là cơ quan nhà nước:
Một là, cơ quan ban hành pháp luật. Quốc hội là cơ quan thực hiện chức năng xây dựng và ban hành pháp luật quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của cơ quan nhà nước. Hoạt động xây dựng pháp luật sẽ tạo ra những cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm, tôn trọng quyền của phụ nữ. Quốc hội đã xây dựng các luật – cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy quyền BĐG, cho việc áp dụng các biện pháp bảo đảm BĐG. Nhận thấy, Việt Nam đã ban hành, sửa đổi và lồng ghép yếu tố giới trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật có thể kể đến như Luật BĐG năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật HN&GĐ năm 2014, Bộ luật TTDS năm 2015... Những văn bản luật trên được soạn thảo, ban hành dựa trên sự đánh giá chung về tình hình thực tiễn trong nước về việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong pháp luật HN&GĐ. Bên cạnh đó, Quốc hội còn thực hiện chức năng giám sát tối cao việc ban hành văn bản pháp luật và thực hiện và áp dụng pháp luật trên thực tế nhằm bảo đảm tốt nhất các quyền cho phụ nữ, qua đó hướng tới sự bình đẳng giữa các cá nhân nói chung và giữa nam nữ nói riêng trong xã hội. Đây được xem như một cơ quan, tổ chức quan trọng có tác động tích cực, rõ rệt và thiết yếu nhất trong tiến trình hình thành, xây dựng và phát triển các chính sách nhằm hiện thực hóa mục tiêu về việc bảo vệ tốt nhất các QBĐ của phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực hôn nhân gia đình hiện nay.
Hai là, cơ quan thi hành pháp luật. Đây là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Bên cạnh việc thực hiện và thi hành những nội dung được quy định trong Hiến pháp và trong các văn bản luật được Quốc hội quy định thì cơ quan hành chính còn đưa ra những chính sách nhằm thúc đẩy tốt hơn nữa việc đảm bảo tốt nhất quyền phụ nữ trong xã hội. Trong đó, để thực hiện tốt các nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả thực tiễn thực hiện QBĐ phụ nữ thì mỗi tổ chức, mỗi cơ quan trong nhánh hành pháp như: Chính phủ, các Bộ ngành (Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Y tế,... và UBND các cấp đã có sự phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên và liên tục để chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ từ cấp trung ương đến địa phương nhằm thực hiện tốt nhất các chính sách đảm bảo quyềnphụ nữ trên mọi phương diện xã hội, trong đó, đặc biệt quan tâm là phương diện hôn nhân gia đình. Cụ thể:
Về phía Chính phủ. Nhằm nâng cao và bảo đảm QBĐ của phụ nữ, Chính phủ cũng xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, lao động... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho xây dựng, chỉ đạo thực hiện và tiến hành các hoạt động đánh giá tổng kết việc thực hiện những kế hoạch, chiến lược hành động vì QBĐ của phụ nữ Việt Nam. Đến nay, đã có rất nhiều chỉ tiêu đặt ra trong các chiến lược, kế hoạch về QBĐ của phụ nữ đã đạt được cũng như một số chiến lược đã vượt kế hoạch đề ra. Như vậy có thể thấy, Chính quyền với thẩm quyền của mình có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện cũng như đảm bảo các QBĐ của phụ nữ Việt Nam hiện nay. Ngoài việc xây dựng ban hành và chỉ đạo các chính sách, các chương trình mục tiêu nhằm bảo vệ và nâng cao QBĐ của phụ nữ. Chính phủ cũng đưa ra các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quyền của phụ nữ.
Về phía các Bộ ngành. Với mục tiêu đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển công bằng, bình đẳng trong việc tiếp cận các quyền của phụ nữ trong pháp luật HN&GĐ. Do đó, cần phải tăng cường sự phối hợp của các tổ chức ban ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương, củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tận tâm, đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm và thúc đẩy bảo đảm QBĐ của phụ nữ, sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm quyền của phụ nữ điển hình như các Chính sách về bảo hiểm xã hội, về lao động như phụ nữ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội về chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, mất sức lao động,...
Về phía các UBND các cấp. Là cơ quan hành chính tại địa phương, UBND luôn tiếp nhận những yêu cầu phát sinh trong các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có các vấn đề mâu thuẫn xảy ra trong hôn nhân gia đình. Hơn hết, tại các UBND cấp xã luôn theo dõi sát sao, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, chung tay đẩy lùi vấn nạn bạo lực gia đình, tuyên truyền, thúc đẩy các phong trào về việc chống phân biệt đối xử giữa nam, nữ hay xử lý các vụ việc xâm phạm quyền phụ nữ tại gia đình khi tiếp nhận được các yêu cầu, phản ánh của người dân... Do đó, đây được xem như cầu nối quan trọng, giúp giải quyết và hạn chế được nhiều vụ việc xâm phạm tới QBĐ của phụ nữ trong lĩnh vực pháp luật HN&GĐ hiện nay.
Ba là, cơ quan bảo vệ pháp luật. Tòa án với tư cách là cơ quan tư pháp thực hiện việc xét xử chấm dứt quan hệ hôn nhân và ra phán quyết về các vấn đề con chung, tài sản, cấp dưỡng... Đây đều là những hậu quả pháp lý gắn liền với sự kiện ly hôn; việc bảo đảm quyền của phụ nữ khi ly hôn phụ thuộc rất lớn vào Tòa án. Có thể thấy trong trường hợp với lý do cấp bách như một bên đương sự phải chịu hành vi bạo lực, có thể rút ngắn hoặc miễn thời gian cân nhắc. Trường hợp có sự tranh chấp nuôi con khi ly hôn, Tòa án sẽ phải đưa ra các biện pháp giám sát, theo dõi nhu cầu của trẻ, đồng thời cử người có thẩm quyền điều tra về các điều kiện nuôi dạy con để từ đó có cơ sở giao con cho bố hay mẹ là người trực tiếp nuôi dưỡng... Đây là những quy định, thủ tục hợp lý, linh hoạt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của cả vợ và chồng khi ly hôn, đảm bảo sự bình đẳng và bảo vệ quyền của người phụ nữ khi ly hôn.
2. Nhóm chủ thể là các tổ chức chính trị – xã hội:
Một trong những tổ chức chính trị xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm QBĐ của phụ nữ trong HN&GĐ là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Đây là tổ chức tiên phong hành động vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ, là tổ chức nhằm đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, Hội tiếp tục khẳng định đóng góp của mình bằng sự nhạy bén, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Hội luôn quan tâm đến đời sống của các hội viên, phát động các chương trình, các phong trào thi đua sôi nổi như chương trình “Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”, cuộc vận động “xây dựng mái ấm tình thương”. Qua đó, chia sẻ và tư vấn để đưa ra những lời tư vấn phù hợp, những biện pháp, hành động kịp thời nhằm xử lý các trường hợp xâm phạm quyền phụ nữ, đảm bảo tốt nhất các lợi ích của phụ nữ trên phương diện bình đẳng với quyền lợi của nam giới, đặc biệt là trong mối quan hệ hôn nhân gia đình.
3. Nhóm các chủ thể là những người thân trong gia đình:
Quan hệ hôn nhân gia đình đôi khi rất phức tạp, thường xuyên xảy ra những mâu thuẫn giữa các thành viên trong cuộc sống. Tuy nhiên, cần phải biết điều chỉnh những hành vi giữa các mối quan hệ trong gia đình sao cho phù hợp. Hơn nữa, các thành viên trong gia đình cũng có chức năng và vai trò to lớn trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của các thành viên khác trong gia đình. Trong đó:
Về phía cha mẹ. Đây là người sinh ra con cái. Do đó, cha mẹ hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con cái khi nhận thấy con mình phải chịu những cảnh bị bạo lực, xâm hại trong gia đình. Trong trường hợp trên, các bậc cha mẹ cần phải linh hoạt và hoàn toàn có thể đưa ra những biện pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế các hành vi trên, đồng thời kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng, tổ chức có thẩm quyền về các hành vi xâm phạm QBĐ của phụ nữ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho con mình. Điều này được Luật quy định rõ rằng cha mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn khi người vợ (người phụ nữ) là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần.
Về phía người chồng. Đây là người có ảnh hưởng lớn nhất tới việc bảo đảm QBĐ của vợ (người phụ nữ) trong gia đình. Do đó, nên người chồng cần phải có ý thức tôn trọng quyền của vợ (người phụ nữ), có nghĩa vụ yêu thương, chung thủy, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Hơn hết, trong những trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa đôi bên, người chồng cần phải biết kìm chế, điều chỉnh để dung hòa, hạn chế vấn đề bạo lực gia đình đối với người vợ... Điều này cũng giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng gia đình bền vững và bảo đảm quyền lợi người phụ nữ không bị xâm phạm tại chính trong gia đình của mình.