Rừng là tài nguyên vô cùng qúy giá đối với mỗi đất nước nói chung và đối với Việt Nam nói riêng, việc phát triển rừng đóng vai trò quan trọng và không chỉ có kiểm lâm mới có vai trò trong công tác bảo vệ rừng ngoài ra còn có đội ngũ chủ rừng. Vậy Chủ rừng là ai?
Mục lục bài viết
1. Chủ rừng là gì?
Đối với công tác bảo vệ rừng xã hội thường chỉ nghĩ đến một lực lượng đó là Kiểm Lâm, bên cạnh đó để bảo vệ rừng tại gốc thì có một lực lượng rất quan trọng đó là lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng mà hiện nay đã có danh phận là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và lực lượng này đóng vai trò rất quan trọng, bởi họ chính là lực lượng nòng cốt trong chống chặt phá rừng tại gốc và phòng cháy chữa cháy rừng. Chủ rừng họ là những người hoạt động và sinh sống thường xuyên trong rừng tại những nơi được gọi là nơi địa hình hiểm trở và vắng vẻ muôn vàn khó khăn thiếu thốn để giữ bình yên cho những cánh rừng.
Theo quy định của pháp luật chúng ta hiểu chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng hay được giao đất, cho thuê đất để trồng rừng, tự phục hồi, phát triển rừng, nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại điều 8 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về chủ rừng gồm có:
” Điều 8. Chủ rừng
1. Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ.
2. Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.
3. Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao rừng (sau đây gọi là đơn vị vũ trang).
4. Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp.
5. Hộ gia đình, cá nhân trong nước.
6. Cộng đồng dân cư.
7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất.”
Vậy nên ta thấy căn cứ dựa trên quy định này các cá nhân, hộ gia đình chỉ có quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt của chủ rừng đối với cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng do chủ rừng đầu tư trong thời hạn được giao, được thuê để trồng rừng.
2. Chủ rừng tiếng Anh là gì?
Chủ rừng tiếng Anh là ” forest owner”.
3. Phân biệt giữa chủ rừng và chủ sở hữu rừng:
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017 thì:
Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.
Còn chủ sở hữu rừng bao gồm:
– Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân đối với rừng tự nhiên; rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ; rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư hoặc được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy sự khác biệt cơ bản giữa chủ rừng và chủ sở hữu rừng là về phạm vi và mức độ sở hữu và từ đó chúng tôi cho rằng để phân biệt được chúng ta cần bám sát vào quy định của pháp luật về quy định chủ rừng và chủ sở hữu rừng như trên. Ngoài ra thì còn sự khác nhau để chúng ta xác định rõ hơn về chủ thể của chủ sở hữu rừng đó chính là nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân còn chủ sở hữu rừng là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng.
4. Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng:
Theo đó, tại Điều 73 và Điều 74 Luật Lâm nghiệp 2017 có quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng như sau:
– Quyền chung của chủ rừng:
+ Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật.
+ Được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
+ Sử dụng rừng phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng và thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng rừng theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai.
+ Được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.
+ Được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư.
+ Được Nhà nước bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng.
+ Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với chủ rừng phát triển rừng sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai.
+ Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng.
+ Được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác.
– Nghĩa vụ chung của chủ rừng:
+ Quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng.
+ Trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi rừng theo quy định của Luật này.
+ Bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng.
+ Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.
+ Chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
Như vậy thông qua quy định này ta thấy ở đây có một số điều quy định về quyền của chủ rừng rất khó áp dụng trong thực tế ví dụ như việc chủ rừng được quyền hưởng sản phẩm gia tăng do quản lý bảo vệ rừng nhưng vì không có số liệu về giá trị của rừng khi giao dẫn đến không biết chủ rừng đã làm tăng được bao nhiêu giá trị để cho phép sử dụng. Chủ rừng phải có kế hoạch phát triển sản xuất được phê duyệt, trong khi phần lớn chủ rừng không thể tự xây dựng được kế hoạch phát triển sản xuất với rừng tự nhiên.
Căn cứ dựa trên quy định trên thì với quyền và nghĩa vụ với chủ rừng, quyền được đăng ký sở hữu, sử dụng rừng rất khó thực hiện vói lí do chủ yếu là trên các hồ sơ giao rừng thường không ghi cụ thể chỉ tiêu về số lượng và chất lượng rừng được giao mà chỉ là giao đất có rừng. Bên cạnh đó cũng có một số quy định về thủ tục pháp lý để khai thác giá trị của rừng còn phức tạp và khó giải quyết, đáp ứng nhu cầu của các chủ rừng. Một số quy định của Luật về quyền được khai thác rừng, kể cả rừng trồng sản xuất, hay việc kiểm soát lưu thông sản phẩm là rừng trồng cũng phức tạp với chủ rừng.
Nhằm giúp tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của chủ rừng vào việc xây dựng và thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được ban hành ra cũng đã có nhiều ý kiến của cán bộ địa phương và chủ rừng góp ý vào xây dựng Luật. Trong đó, đề nghị bổ sung quy định “Mọi khu rừng trong diện tích quy hoạch lâm nghiệp đều được nhà nước giao cho một chủ thể cụ thể để quản lý”. Đề nghị giao diện tích rừng hiện do UBND xã quản lý về cho các cộng đồng hay các hộ gia đình, cá nhân, đồng thời bỏ yêu cầu “cùng phong tục tập quán” trong khái niệm thuật ngữ về chủ rừng là cộng đồng.
Các ý kiến cũng cho rằng, cần bổ sung quy định về quyền được tiếp cận các thông tin quản lý ngành lâm nghiệp và quyền giám sát các hoạt động quản lý lâm nghiệp. Đặc biệt, có quy định về quyền được hưởng lợi từ rừng của những người dân sống gần rừng do hiện nay những người sống gần rừng vẫn tiếp cận với tài nguyên rừng, khai thác các nguồn lợi từ rừng nhưng không theo quy định nào của nhà nước hay cộng đồng địa phương. Điều này làm tổn hại đến rừng và giảm hiệu quả sử dụng rừng.
Ngoài ra, cần có quy định về ưu tiên các hộ gia đình dân tộc thiểu số, hộ nghèo và hộ có chủ là phụ nữ trong tiếp cận tài nguyên rừng; hỗ trợ kinh phí để phát triển sinh kế. Các chủ rừng là tổ chức đề nghị tăng thẩm quyền cho các chủ rừng trong xử lý vi phạm xâm lấn rừng và đất rừng.
Việc pháp luật đề ra quy định này sẽ tạo điều kiện ổn định và góp phần nâng cao hiệu quả khi Luật được triển khai trong thực tiễn, đồng thời thúc đẩy minh bạch và công bằng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản trị rừng tại địa phương