Trả tiền thuê nhà là một trong những nghĩa vụ cơ bản mà bên thuê cần phải thực hiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trên thực tế, không ít trường hợp bên thuê đã không trả tiền thuê nhà theo đúng thời hạn. Vậy chủ nhà có được lấy tài sản khi bên thuê không trả tiền hay không?
Mục lục bài viết
1. Chủ nhà có được lấy tài sản khi bên thuê không trả tiền?
Trước hết, trả tiền thuê nhà là một trong những nghĩa vụ mà pháp luật quy định bên thuê nhà cần phải tuân thủ. Căn cứ theo quy định tại Điều 481 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về trả tiền thuê nhà. Cụ thể như sau:
– Bên thuê theo quy định của pháp luật sẽ cần phải tuân thủ nghĩa vụ trả tiền thuê nhà, bên thuê cần phải trả đầy đủ tiền thuê nhà theo đúng thỏa thuận với bên cho thuê. Nếu bên thuê nhà và bên cho thuê nhà không có thoả thuận về thời hạn trả tiền thuê nhà, thì thời hạn trả tiền thuê sẽ được xác định theo tập quán nơi trả tiền, nếu không thể xác định được thời hạn trả tiền thuê nhà theo tập quán thì bên thuê sẽ phải trả tiền thuê nhà cho bên cho thuê khi trả lại tài sản thuê;
– Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả tiền thuê theo kỳ hạn, thì bên cho thuê sẽ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng với bên thuê, nếu bên thuê không trả tiền trong khoảng thời gian 03 kỳ liên tiếp, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác.
Theo đó thì có thể nói, về bản chất, chủ nhà sẽ không có quyền được lấy tài sản khi bên thuê không trả tiền. Tuy nhiên, có thể chia ra các trường hợp như sau:
Thứ nhất, chủ nhà sẽ được quyền lấy tài sản của bên thuê khi bên thuê không trả tiền thuê nhà trong trường hợp các bên có thỏa thuận. Cụ thể, trong trường hợp bên thuê nhà và bên cho thuê có thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà, các bên có ghi nhận điều khoản về việc phạt vi phạm hợp đồng khi bên thuê nhà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền nhà, chủ nhà khi đó sẽ có quyền cầm giữ tài sản của bên thuê nhà để khấu trừ vào tiền thuê mà bên đây còn thiếu, khi đó thì chủ nhà mới có quyền lấy tài sản của bên thuê nhà khi bên thuê vi phạm nghĩa vụ trả tiền thuê nhà.
Thứ hai, chủ nhà sẽ không có quyền lấy tài sản của bên thuê nhà khi bên thuê nhà không trả tiền trong trường hợp các bên không có thoả thuận. Theo đó, trong trường hợp các bên không có thoả thuận về việc bên cho thuê có quyền lấy tài sản của bên thuê để thực hiện hoạt động khấu trừ vào tiền thuê nhà, hoặc trong trường hợp các bên có thỏa thuận nhưng thỏa thuận đó vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì bên chủ nhà cũng không có quyền lấy tài sản của bên thuê nếu trong trường hợp bên thuê không tuân thủ nghĩa vụ trả tiền. Căn cứ theo quy định tại Điều 481 của Bộ luật dân sự năm 2015 có ghi nhận, nếu bên thuê nhà không trả tiền thuê nhà trong khoảng thời gian 03 kỳ liên tiếp đối với hợp đồng thuê nhà có kỳ hạn, thì bên cho thuê hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 132 của Văn bản hợp nhất luật nhà ở năm 2022 có ghi nhận, bên thuê không trả tiền thuê nhà theo thỏa thuận của các bên trong khoảng thời gian từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng thì bên cho thuê nhà hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở.
Theo đó thì có thể nói, trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác, theo quy định của pháp luật, bên cho thuê sẽ không được quyền tự tiện lấy tài sản của bên thuê nhà khi bên thuê không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ trả tiền, thay vào đó, bên chủ nhà có thể đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng hoặc khởi kiện để đòi tiền thuê nhà tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Chủ nhà lấy tài sản khi bên thuê không trả tiền có thể bị xử lý như thế nào?
Theo như phân tích nêu trên, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, chủ nhà sẽ không được quyền lấy tài sản khi bên thuê nhà không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ trả tiền. Nếu chủ nhà có hành vi tự tiện lấy tài sản khi bên thuê không trả tiền thì hoàn toàn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức và cá nhân khác. Theo đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Có hành vi trộm cắp tài sản, xâm phạm vào khu vực nhà ở thuộc quyền quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp tài sản hoặc chiếm đoạt tài sản;
– Công nhiên chiếm đoạt tài sản tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, hoặc đến thời điểm trả lại tài sản xuất phát từ các giao dịch dân sự như cho vay, mượn, thuê tài sản của người khác, hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có đầy đủ điều kiện để trả tuy nhiên cố tình không trả;
– Không trả tài sản cho người khác suất phát từ các giao dịch dân sự như cho vay, cho mượn, thuê tài sản của người khác, nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, tuy nhiên sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp, dẫn đến hiện tượng không có đủ khả năng để trả lại tài sản;
– Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, tài sản của các cơ quan và doanh nghiệp.
Theo đó thì có thể nói, chủ nhà tự tiện lấy tài sản của bên thuê khi bên thuê vi phạm nghĩa vụ trả tiền thuê nhà có thể sẽ bị xử phạt với mức cao nhất là 3.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên. Ngoài ra, chủ nhà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật hình sự năm 2015 khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khung hình phạt nặng nhất đối với tội phạm này là phạt tù lên đến 20 năm khi thuộc một trong những trường hợp sau:
– Chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để thực hiện hành vi phạm tội.
3. Cách xử lý khi bên thuê nhà không trả tiền thuê đúng hạn:
Trong trường hợp bên thuê nhà không trả tiền đúng thời hạn, chủ nhà có thể áp dụng một trong những phương án xử lý như sau:
Thứ nhất, chủ nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Căn cứ theo quy định tại Điều 481 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả tiền thuê nhà theo kỳ hạn, thì bên chủ nhà sẽ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu bên thuê nhà không tuân thủ nghĩa vụ trả tiền trong khoảng thời gian 03 kỳ hạn liên tiếp, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác. Theo đó, nếu bên thuê nhà đã hơn 03 tháng không trả tiền theo hợp đồng ký có thời hạn, bên chủ nhà hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Thứ hai, khởi kiện ra tòa án để yêu cầu hoàn trả tiền thuê nhà. Căn cứ theo quy định tại Điều 186 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm thì các tổ chức và cá nhân có thể tự mình khởi kiện hoặc khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Trình tự và thủ tục khởi kiện trong trường hợp này sẽ được tiến hành như sau:
– Người khởi kiện sẽ chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp tới tòa án. Cần phải gửi đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm đến tòa án có thẩm quyền, thực hiện nghĩa vụ tạm ứng án phí, hoàn chỉnh hồ sơ trong trường hợp tòa án có yêu cầu bổ sung và hoàn thiện hồ sơ;
– Tòa án có thẩm quyền sẽ thụ lý và giải quyết hồ sơ vụ án;
– Chuẩn bị xét xử;
– Tiến hành hòa giải;
– Trong trường hợp hòa giải không thành công, tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
THAM KHẢO THÊM: