Tẩu tán tài sản chung trước khi ly hôn? Giải quyết nợ vay chung của vợ chồng khi ly hôn? Giải quyết nợ chung - nợ riêng của vợ chồng khi ly hôn? Phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn?
Những năm gần đây, số liệu vụ án ly hôn ngày càng tăng, đặc biệt là các vụ án ly hôn liên quan đến các cặp vợ chồng trẻ. Tình trạng này là một trong những yếu tố đáng báo động trong ngành Tòa án nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung. Điều này cho thấy mối quan hệ hôn nhân đang trở nên mong manh và đáng lo ngại để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ly hôn tăng cao được xác định là do mâu thuẫn gia đình, khả năng kinh tế – tài chính của các cặp vợ chồng khó khăn, hành vi ngoại tình hay bạo lực gia đình. Mặt khác, việc yêu cầu phía đối phương cung cấp đời sống hôn nhân quá cao cũng là một yếu tố thúc đẩy mối quan hệ của vợ chồng nhanh chóng dạn nứt.
Thực tiễn cho thấy, vấn đề tài sản khi ly hôn của các cặp vợ chồng luôn là vấn đề gây nhức nhối khi giải quyết tại Tòa án. Đa số các cặp vợ chồng khi ly hôn đều không thỏa thuận được về vấn đề tài sản hoặc đã thỏa thuận được về việc phân chia tài sản nhưng sau đó một trong hai bên lại có yêu cầu muốn chia lại tài sản. Về nguyên tắc tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản của vợ chồng đều là tài sản chung của vợ chồng. Vấn đề này cũng được áp dụng tương tự với các khoản nợ của vợ, chồng.
Việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân khi ly hôn luôn được các bên đặc biệt chú trọng, tuy nhiên khi nhắc đến khoản nợ chung thì các bên lại có phần đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Để có thể tìm hiểu rõ hơn về vấn đề các khoản nợ riêng của vợ, chồng hay khoản nợ chung của cả vợ cả chồng, chúng tôi xin được phân tích, làm rõ như sau:
Thứ nhất, xác định tài sản chung và nghĩa vụ chung của vợ chồng trong việc thực hiện các giao dịch dân sự: Căn cứ theo Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nhà làm luật có quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện như sau:
+ Trong các giao dịch dân sự của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân không phải giao dịch nào cũng do cả hai bên thực hiện. Vì vậy, nhà làm luật đã dự phòng trường hợp giao dịch dân sự do một trong hai bên vợ, chồng thực hiện nhưng nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình hay các giao dịch khác phù hợp với các quy định về đại diện trong các quan hệ kinh doanh, đại diện giữa vợ và chồng trong việc đứng tên trên các giấy tờ như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng hoặc vợ, chồng ủy quyền cho nhau trong trường hợp một bên mất năng lực hành vi dân sự.
+ Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 37 của
Một là, nghĩa vụ phát sinh từ việc bồi thường thiệt hại cho người khác mà việc gây thiệt hại xuất phát từ hành vi của vợ hoặc chồng nhưng hành vi gây thiệt hại đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật hay các giao dịch dân sự do vợ chồng cùng có sự thỏa thuận, xác lập, thực hiện thì cả vợ chồng cùng phải có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ đó.
Hai là, các nghĩa vụ do vợ, chồng thực hiện mà không có sự thỏa thuận hay bàn bạc với nhau từ trước, nhưng hành vi thực hiện giao dịch đó lại nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, có lợi cho hoạt động kinh doanh của gia đình thì cả hai vợ chồng phải cùng có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ đó.
Ba là, nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của cả hai vợ chồng.
Bốn là, việc vợ, chồng sử dụng tài sản riêng của mình để nhằm mục đích duy trì, phát triển khối tài sản chung của vợ chồng hoặc việc sử dụng tài sản riêng đó tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu cho cả gia đình thì nghĩa vụ phát sinh từ khoản nợ đó vợ chồng phải có trách nhiệm liên đới trả nợ.
Năm là, các nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con chung của vợ chồng gây ra mà theo quy định của pháp luật dân sự thì cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường thay cho con cho bên bị thiệt hại. Trong trường hợp con chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Căn cứ vào tính chất cộng đồng trong quan hệ hôn nhân nên pháp luật xác định sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung trong đó phần quyền của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. Có nghĩa là, mỗi chủ sở hữu có quyền đối với tất cả tài sản trong khối tài sản chung. Điều đó cũng có nghĩa rằng, những khoản nợ mà một trong hai bên vợ, chồng thực hiện thì cả hai vợ chồng đều phải có trách nhiệm trả nợ. Về quyền và nghĩa vụ bình đẳng của vợ chồng đối với tài sản chung thể hiện trong việc vợ chồng phải cùng nhau xây dựng, phát triển khối tài sản chung. Tuy nhiên, không phải giao dịch nào do vợ, chồng thực hiện cũng được xác định là nghĩa vụ chung của vợ, chồng.
Thứ hai, nghĩa vụ riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân: theo quy định tại Điều 45 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định về nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng có ghi nhận về cách xác định các khoản nợ riêng của vợ, chồng như sau:
+ Nghĩa vụ của một bên do vợ, chồng đang thực hiện mà trước khi kết hôn.
+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc chấm dứt, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của vợ chồng.
+ Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện mà không vì nhu cầu thiết yếu của gia đình. Ví dụ: vay tiền để mua đất đai cho người khác mà các thành viên trong gia đình không được hưởng bất kỳ lợi nhuận từ khoản đó thì nghĩa vụ trả nợ đó là nghĩa vụ riêng do chồng, vợ thực hiện.
+ Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng. Ví dụ: chồng vay tiền để chơi cá độ bóng đá bị thua nợ thì vợ có phải trả không. Xét thấy hành vi chồng chơi cá độ bóng đá là một hành vi vi phạm pháp luật nên người chồng sẽ phải có trách nhiệm trả nợ mà không thể yêu cầu người vợ trả nợ cùng được.
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể có những khoản nợ, bồi thường thiệt hại hay thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng riêng…mà việc thực hiện giao dịch đó không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì bên thực hiện giao dịch sẽ có trách nhiệm phải tự chi trả những nghĩa vụ đó.
Chế định về tài sản của vợ chồng là một trong những chế định quan trọng trong việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng hay các nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng của vợ chồng. Việc nhà làm luật quy định rõ như vậy, để tránh các trường hợp một trong hai bên vợ, chồng lạm dụng việc quy trách nhiệm liên đới của vợ chồng trong các giao dịch dân sự để yêu cầu bên còn lại phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Thực tiễn, có rất nhiều trường hợp vợ, chồng ký hợp đồng vay với rất nhiều người sau đó yêu cầu bên còn lại phải có trách nhiệm trả nợ với mình, trong khi những khoản nợ đó không nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình, hai có lợi ích cho vợ, con. Để xác định rõ hơn nghĩa vụ riêng của vợ, chồng trong các giao dịch dân sự, chúng tôi xin đưa ra một trường hợp để làm rõ hơn về vấn đề này như sau:
Ví dụ: Nguyễn Văn A có kết hôn với Nguyễn Thị B vào năm 2012, một năm đầu chung sống với nhau cả hai vợ chồng AB đều làm việc rất chăm chỉ và có một con chung là cháu C. Trong năm đầu tiên này, AB cũng tích góp được số tiền 200 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian sau đó A thường xuyên vay tiền để đánh bạc, sử dụng ma túy, vì thương chồng nên B đã nhiều lần trả nợ cho A, một mình nuôi con. Nhưng thay vì việc thay đổi bản thân, chịu khó làm ăn như thời gian đầu chung sống với B thì A lại thường xuyên bỏ bê gia đình, thậm chí ngày càng đánh bạc nhiều hơn. Vì không chịu được cảnh suốt ngày trả nợ cho chồng nên B đã ôm con bỏ về nhà ngoại và sống ly thân với A. Thời gian B về ngoại sinh sống thì bị bên đòi nợ thường xuyên đến làm phiền và yêu cầu B phải trả nợ cho chồng, thấy cuộc sống vợ chồng quá khổ nên ngày 15/2/2017 B đệ đơn ly hôn lên Tòa án nhân dân để yêu cầu giải quyết ly hôn. Tại phiên tòa, B trình bày toàn bộ khoản nợ của chồng và yêu cầu Tòa án xác định khoản nợ là khoản nợ riêng của A. Vậy trong tình huống này, khoản nợ A gây ra thì cả AB phải có trách nhiệm liên đới trả nợ hay nó sẽ là khoản nợ riêng của A, chúng tôi sẽ phân tích tình huống như sau:
Trong tình huống, A thường xuyên vay tiền để đánh bạc và mua ma túy để sử dụng, hành vi của người chồng là một hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, căn cứ theo khoản 4 Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì A sẽ phải có nghĩa vụ trả nợ mà không thể quy trách nhiệm liên đới của cả AB phải trả được, mặt khác việc vay tiền của A không phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình nên B hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án xác định khoản nợ này là khoản nợ riêng của A và A phải có trách nhiệm trả một mình.
Mục lục bài viết
1. Tẩu tán tài sản chung trước khi ly hôn
Tóm tắt câu hỏi:
Vợ chồng tôi kết hôn năm 2008, sau có mua nhà riêng năm 2010 nhưng không có hộ khẩu ở Hà Nội, chưa nhập hộ khẩu về nhà chồng nên nhà đứng tên chồng tôi, nhưng là tài sản chung của 2 vợ chồng, nay vợ chồng nhiều mâu thuẫn muốn ly hôn thì căn nhà đó giải quyết như thế nào? nếu chông tôi bán nhà trước khi li dị để chạy tài sản liệu có được không ? Làm sao để đảm bảo quyền của tôi?
Xin trả lời giúp. Cám ơn luật sư!!!
Luật sư tư vấn:
Trong trường hợp ly hôn do các bên thỏa thuận, nếu không thoả thuận được thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi.
Theo Điều 59
“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”
Luật sư
Căn nhà trên là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, hơn nữa là tài sản do hai vợ chồng cùng tạo lập nên đây chính là tài sản chung của vợ chồng. Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Vì vậy, nếu chồng chị tự ý bán nhà mà không được sự đồng ý của chị thì giao dịch liên quan đến việc mua bán nhà này không hợp pháp.
2. Giải quyết nợ vay chung của vợ chồng khi ly hôn
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi và chồng ly hôn nay nửa năm, lúc làm đơn ly hôn 2 vợ chồng tự thỏa thuận về khoảng nợ chung phải trả, nên trong đơn ghi là không nợ chung. Nhưng trong thời gian trả nợ chồng tôi không thanh toán khoản nợ nào, trốn tránh, 1 mình tôi phải thanh toán tất cả khoảng nợ chung vì các chủ nợ cứ đến cơ quan tôi tìm gặp và bắt thanh toán. Tôi lại không cấp dưỡng cho con tôi chỉ 36 tháng tuổi. Luật sư tư vấn giúp: bây giờ tôi có thể bổ sung phần nợ chung để yêu cầu chồng tôi cùng trả hay không. Xin cám ơn.?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật thì những tài sản và khoản nợ của hai bạn trong thời kỳ hôn nhân là của cả hai vợ chồng chính vì vậy khi ly hôn, cả hai đều có quyền và nghĩa vụ với phần tài sản chung và nợ chung này. Tuy nhiên, nếu chị chưa yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung và các khoản nợ chung khi giải quyết yêu cầu ly hôn. Thì sau khi có quyết định ly hôn nếu có tranh chấp về số nợ chung này chị có thể làm đơn gửi đến Tòa án nhân dận quận huyện nơi hiện tại chồng chị cư trú để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về vấn đề cấp dưỡng cho con. Chị trình bày chị không cấp dưỡng cho con 36 tháng tuổi. Căn cứ theo quy định tại Điều 110, Luật hôn nhân gia đinh năm 2014 như sau:
“Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Như vậy, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên.
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 119, Luật hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:
“Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.”
Theo đó, thì chồng có quyền yêu cầu tòa án buộc chị phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con chị.
3. Giải quyết nợ chung – nợ riêng của vợ chồng khi ly hôn
Trong thời kỳ sống chung, những khoản nợ của vợ chồng phát sinh là điều khó tránh khỏi, nhưng vấn đề đặt ra là nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ này như thế nào? Thanh toán khi trong thời kỳ hôn nhân? Thanh toán khi ly hôn thế nào? Đây vẫn đang là vấn đề khó phân định giữa vợ và chồng nếu không có sự thỏa thuận thống nhất. Quy định của pháp luật hôn nhân về vấn đề này được điều chỉnh như sau:
Nợ chung của vợ chồng – Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan”.
Những nghĩa vụ nằm ngoài quy định của Điều 37 nêu trên sẽ là nghĩa vụ riêng (nợ riêng) của vợ hoặc chồng. Quy định về trách nhiệm thanh toán nghĩa vụ chung (nợ chung) của vợ chồng của Luật hôn nhân và gia đình 2014 tại Điều 27 – Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng:
“1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này”.
Cách thức giải quyết nợ chung – nợ riêng của vợ chồng:
Như vậy, nếu là trong giai đoạn trong thời kỳ hôn nhân, nghĩa vụ chung thì hai vợ chồng có trách nhiệm “liên đới” chịu trách nhiệm giải quyết thanh toán. Nghĩa vụ riêng của mỗi người, mỗi người sẽ có nghĩa vụ chi trả. Còn khi ly hôn, vấn đề giải quyết phân định nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ chung của vợ chồng được giải quyết như thế nào?
Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; Nếu không thỏa thuận được thì đề nghị Tòa án giải quyết. Theo đó, nếu vợ hoặc chồng hay cả hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có giao dịch với người khác để vay nợ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình như sửa sang, xây dựng nhà ở, mua sắm tài sản sinh hoạt chung của gia đình,… mà nay khi ly hôn, vợ chồng không tự thỏa thuận được trách nhiệm trả nợ là nghĩa vụ chung của vợ chồng, hay riêng của vợ hoặc chồng và có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án sẽ căn cứ vào bằng chứng, lời khai để đánh giá, kết luận có hay không việc vay nợ; mục đích vay nợ, việc dùng tài sản vay nợ cho nhu cầu chung của gia đình, hay nhu cầu riêng của vợ, hoặc chồng.
Tòa án sẽ đánh giá từng bằng cớ, sự can dự giữa các chứng cớ và khẳng định giá trị pháp lý của từng chứng cứ để đưa ra phán quyết bằng một bản án về bổn phận trả nợ chung của vợ chồng, hay bổn phận trả nợ riêng của vợ. Trường hợp cần thiết, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án sẽ triệu tập chủ nợ tham dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và triệu tập người làm chứng (nếu có) để làm rõ các vấn đề tranh chấp. Chủ nợ có thể đưa ra đề nghị độc lập để bảo về quyền lợi quyền của họ.
4. Phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn
Tóm tắt câu hỏi:
Vợ chồng tôi li hôn và hiện giờ đang nuôi hai con trai. Một cháu 22 tuổi và một cháu 13tuổi. Một số tài sản đất đai do tôi mua sau khi kết hôn nhưng bằng tiền của tôi làm ra. Vậy tôi co phải chia cho chồng sau khi li hôn ko? Tôi muốn nuôi các con có được không?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về vấn đề chia tài sản, căn cứ Khoản 1 Điều 33 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu phương tiện…nếu hình thành trong quá trình hôn nhân mà chỉ đứng tên một người vẫn được coi là tài sản chung.
Trong trường hợp của chị, tài sản là đất đai do chị mua trong quá trình hôn nhân thì đây là tài sản chung của vợ chồng chị. Nếu ly hôn thì theo nguyên tắc phải chia cho chồng.
Thứ hai, về quyền nuôi con:
Con đầu tiên được 22 tuổi, căn cứ Điều 20 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 20. Người thành niên
1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.”
Như vậy, theo quy định pháp luật, người đủ 18 tuổi là người thành niên do vậy sẽ không cần nuôi. Cháu có quyền được lựa sẽ sống cùng ai.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Con thứ hai của chị 13 tuổi, căn cứ Khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Như vậy, đối với cháu thứ hai, cháu 13 tuổi thì việc xem xét nguyện vọng cháu sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để tòa quyết định về việc trao quyền nuôi con cho ai.
Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điệu kiện cho sự phát triển tốt về tình thần và phải xem xét nguyện vọng của con muốn sống trực tiếp với ại để quyết định việc trao quyền nuôi con cho chị hoặc chồng chị. Cụ thể tòa án sẽ xem xét một cách tổng hợp trên hai phương diện sau đây để quyết định trao quyền nuôi con cho chị hoặc chồng chị.
Một là, căn cứ vào điều kiện về vật chất: ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…. các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ
Hai là, các yếu tố tinh thần bao gồm: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ.
Như vậy, nếu chị muốn nuôi cháu thứ hai, chị phải chứng minh được chị có điều kiện vật chất tốt hơn chồng chị và có thời gian chăm sóc giáo dục con tốt hơn chị.