Chồng bắt cóc con sau khi ly hôn là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy khi đó phải giải quyết thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
- 1 1. Chồng bắt cóc con sau khi ly hôn là hành vi vi phạm pháp luật:
- 2 2. Chồng bắt cóc con sau khi ly hôn phải giải quyết thế nào?
- 3 3. Hồ sơ, thủ tục yêu cầu hạn chế quyền thăm nom của người chồng sau khi ly hôn có hành vi bắt cóc con:
- 4 4. Chồng bắt cóc con sau khi ly hôn bị xử lý như thế nào?
- 5 5. Xử hành vi ngăn cản không cho thăm nom con:
1. Chồng bắt cóc con sau khi ly hôn là hành vi vi phạm pháp luật:
Căn cứ Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền cũng như nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
– Đối tượng là cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn sẽ có trách nhiệm tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
– Đối tượng là cha, mẹ không trực tiếp nuôi con phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con.
– Cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con sẽ có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, thăm nom con không ai được phép cản trở.
Lưu ý: Nếu như cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con có hành vi lạm dụng việc thăm nom con để gây cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, trông nom, giáo dục con thì cha hoặc mẹ đang trực tiếp nuôi con thì sẽ có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền chăm sóc, thăm nom con của người đó.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì thấy sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ không được giao quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con sẽ phải tôn trọng quyền của con được sống chung với cha hoặc mẹ trực tiếp được chăm sóc, nuôi dưỡng con. Do đó, nếu như chồng cũ có hành vi bắt cóc con sau khi ly hôn là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Chồng bắt cóc con sau khi ly hôn phải giải quyết thế nào?
Như mục 1 phân tích, việc chồng cũ bắt cóc con sau khi ly hôn khi không có sự đồng ý của người vợ cũ thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Và thực tế, việc này đã xảy ra rất nhiều. Chồng cũ chỉ nghĩ rằng đó là con của mình thì mình được phép làm như vậy nhưng họ chưa hiểu rõ trách nhiệm của pháp luật quy định.
Khi xảy ra tình trạng chồng bắt cóc con sau khi ly hôn thì vợ hoặc ông bà ngoại có thể xử lý như sau:
Chồng cũ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn lạm dụng việc thăm nom với mục đích cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì người vợ có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của người chồng, cụ thể chồng cũ có hành vi như:
+ Bị kết án về một trong các tội xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm của con với lỗi cố ý.
+ Có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
+ Hành vi phá tán tài sản của con.
+ Người chồng cũ có lối sống đồi trụy, không lành mạnh.
+ Có hành vi xúi giục, ép buộc con thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội.
Như vậy, nếu xảy ra tình trạng người chồng cũ bắt cóc con đi mà người vợ không hề biết và việc này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người con hoặc người chồng cũ có hành vi, lối sống không lành mạnh làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con thì được phép làm đơn ra Tòa án yêu cầu hạn chế quyền gặp, thăm nom, chăm sóc của người chồng cũ.
3. Hồ sơ, thủ tục yêu cầu hạn chế quyền thăm nom của người chồng sau khi ly hôn có hành vi bắt cóc con:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con của người chồng gồm:
– Đơn yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con của người chồng.
– Giấy tờ tùy thân gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân (bản sao).
– Quyết định hoặc bản án ly hôn đã có hiệu lực.
– Các giấy tờ, tài liệu, bằng chứng chứng minh việc người chồng cũ bắt cóc con hoặc việc thăm nom con mà gây ảnh hưởng đến quyền lợi của con.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi soạn đầy đủ hồ sơ như trên, người vợ có thể nộp đơn tại:
– Tòa án nơi cha/mẹ của con chưa thành niên cư trú (căn cứ điểm k khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự).
– Tòa án tại nơi người con cư trú (căn cứ điểm c khoản 2 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự)
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau khi ly hôn của cha hoặc mẹ.
Do đó, người vợ có thể nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chồng cư trú hoặc nơi người con chưa thành niên cư trú.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết trong vòng 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận được đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Toà án thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết khi thụ lý đơn trong 03 ngày làm việc tính từ ngày thụ lý đơn yêu cầu.
Sau đó chuẩn bị xét đơn yêu cầu.
Thời gian để giải quyết đơn yêu cầu hạn chế quyền thăm nom của người chồng đối với con sau khi ly hôn sẽ rơi vào khoảng 01-02 tháng.
4. Chồng bắt cóc con sau khi ly hôn bị xử lý như thế nào?
Hành vi bắt cóc con sau khi ly hôn có thể quy về hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:
– Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: trường hợp người nào có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi.
– Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Thực hiện hành vi vi phạm có tổ chức.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm.
+ Thực hiện hành vi phạm tội đối với người mình có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc.
+ Thực hiện hành vi vi phạm đối với 02 đến 05 người.
+ Thực hiện hành vi phạm tội 02 lần trở lên.
+ Gây hậu quả làm thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
– Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
+ Thực hiện hành vi phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
+ Thực hiện hành vi đối với 06 người trở lên.
+ Gây hậu quả làm thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
+ Hậu quả làm nạn nhân chết.
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Xử hành vi ngăn cản không cho thăm nom con:
Hiện nay, rất nhiều trường hợp vợ/chồng sau khi ly hôn có hành vi ngăn cản không cho thăm nom con. Trên thực tế, hành vi này xảy ra rất nhiều. Căn cứ Điều 56 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Như vậy, trường hợp vợ hoặc chồng có hành vi cản trở không cho người còn lại thăm nom con thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức ở trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
–
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.