Cho vay nặng lãi là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong pháp luật của Việt Nam. Vậy người có hành vi cho người khác vay nặng lãi có được khởi kiện đòi tiền?
Mục lục bài viết
1. Cho người khác vay nặng lãi có được khởi kiện đòi tiền?
Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay, Điều này quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận với nhau. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận với nhau về mức lãi suất thì lãi suất được áp dụng theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền cho vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất hai bên áp dung theo thỏa thuận có vượt quá lãi suất giới hạn là 20%/năm thì đối với mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Theo đó, lãi suất vay tối đa hai bên được phép thỏa thuận với nhau là 20%/năm, nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Thêm nữa, tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có giải thích việc cho vay lãi nặng chính là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất là gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự (20%/năm).
Theo các quy định trên thì tùy vào lãi suất người cho vay đã thỏa thuận với người vay để biết được người cho vay có được khởi kiện đòi tiền hay không, cụ thể như sau:
– Trường hợp 1: người cho vay thỏa thuận với người vay mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất là 20%/năm
Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định người nào trong các giao dịch dân sự mà cho người khác (cá nhân/tổ chức) vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (là 20%/năm), thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì người đó sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Theo đó, người cho vay thỏa thuận với người vay mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất là 20%/năm, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, ở trường hợp này người cho vay nặng lãi sẽ không được khởi kiện đòi tiền.
– Trường hợp 2: người cho vay thỏa thuận với người vay mức lãi suất vượt quá 20%/năm nhưng chưa gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất là 20%/năm
Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định trường hợp lãi suất theo thỏa thuận mà có vượt quá lãi suất 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Theo đó, nếu người cho vay thỏa thuận với người vay mức lãi suất vượt quá 20%/năm nhưng chưa gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất là 20%/năm thì người cho vay hoàn toàn có thể khởi kiện đòi tiền, tuy nhiên khi khởi kiện thì mức lãi suất vượt quá 20%/năm sẽ không có hiệu lực.
2. Người cho vay nặng lãi sau khi khởi kiện đòi tiền có bị phạt hành chính:
Như đã phân tích ở mục trên, trong trường hợp người cho vay thỏa thuận với người vay mức lãi suất vượt quá 20%/năm nhưng chưa gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất là 20%/năm thì người cho vay hoàn toàn có thể khởi kiện đòi tiền, tuy nhiên do người cho vay đã có hành vi cho vay với mức lãi suất vượt quá 20%/năm nên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hành vi cho vay tiền nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự theo các quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự khi mà chưa được cấp hoặc đã bị thu hồi hoặc đang bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
– Thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự, hành vi vi phạm pháp luật, hành vi trái với đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc tại cơ sở kinh doanh trực tiếp quản lý;
– Sản xuất con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước khi mà chưa có Phiếu chuyển mẫu con dấu của cơ quan đăng ký mẫu con dấu theo các quy định của pháp luật;
– Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng với lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
– Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà có cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không thực hiện việc cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
– Không bảo quản tài sản cầm cố hoặc bảo quản tài sản cầm cố không đúng với nơi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền;
– Cung cấp dịch vụ bảo vệ cho đối tượng, mục tiêu hoặc những hoạt động trái pháp luật;
– Không ghi đầy đủ những thông tin khách hàng vào sổ quản lý theo mẫu quy định và không lưu bản sao những loại giấy tờ tùy thân của khách tham gia dịch vụ khi kinh doanh casino hoặc kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;
– Mua, bán, nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm quân trang, quân dụng nhưng lại không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật;
– Bán hoặc cung cấp sản phẩm quân trang, quân dụng cho đối tượng mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc đồng ý bằng văn bản
Như vậy, người có hành vi cho vay tiền nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành (20%/năm) nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi cho vay tiền nhưng lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
3. Cho vay nặng lãi đã bị phạt hành chính sau khi khởi kiện đòi tiền có bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, Điều này đã có quy định người nào trong giao dịch dân sự mà có cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự hiện hành (là 20%/năm), đã thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc người đó cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này (tội cho vay lãi nặng), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì người này sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Theo Điều này quy định thì các trường hợp sau người cho vay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự:
– Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (là 20%/năm) và đã thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng
– Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (là 20%/năm) và cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Như vậy, nếu người cho vay với lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự (là 20%/năm) đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính mà người này còn tiếp tục hành vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự;
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017.