Chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo? Những điều cần biết khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội? Vai trò của chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo?
Chúng ta biết rằng, trong giai đoạn hiện nay, giảm nghèo là một trong số những mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trên địa bàn cả nước. Chính vì thế mà đã có các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo nhằm mục đích để giúp các hộ nghèo có thêm điều kiện về nguồn vốn để có thể phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu quy định chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo?
Mục lục bài viết
1. Chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo:
Tín dụng đối với người nghèo là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo, ổn định xã hội.
Người vay là hộ nghèo phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Vốn vay được sử dụng vào các việc sau:
– Mua sắm vật tư, thiết bị; giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh;
– Góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập.
Hộ nghèo khi vay vốn không phải thế chấp tài sản và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Người vay phải sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay và phải trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi.
Ngân hàng Chính sách xã hội là ngân hàng thực hiện cho vay ưu đãi đối với người nghèo.
2. Những điều cần biết khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội:
Đối tượng hộ nghèo được vay vốn:
– Đối tượng hộ nghèo được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội là những hộ được xác định theo chuẩn nghèo của Chính phủ từng thời kỳ.
– Hộ nghèo không được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm:
+ Hộ không còn sức lao động, hộ độc thân đang trong thời gian thi hành án; hộ lười biếng không chịu lao động; hộ mắc các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp…
+ Những hộ nghèo thuộc diện chính sách xã hội cụ thể như: Già cả neo đơn, tàn tật, thiếu ăn do ngân sách Nhà nước trợ cấp.
Điều kiện để được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội:
– Hộ nghèo để được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội phải đang cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay.
– Hộ nghèo để được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội phải có tên trong danh sách hộ nghèo tại xã, phường, thị trấn theo chuẩn nghèo do Thủ tướng Chính phủ công bố từng thời kỳ.
– Hộ nghèo vay vốn không phải thế chấp tài sản và hộ nghèo đó được miễn lệ phí làm thủ tục vay vốn nhưng phải là tổ viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn được tổ bình xét, lập thành danh sách đề nghị vay vốn có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
+ Hộ gia đình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội lần đầu thì các thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật phải thỏa thuận cử 01 (một) cá nhân trong số các thành viên này đại diện theo ủy quyền để đứng tên người vay và thực hiện các giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay.
Quy trình thực hiện vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội:
– Quy trình thực hiện vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo:
+ Các hộ nghèo tự nguyện tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn.
+ Hộ nghèo để thực hiện vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội cần viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (theo mẫu in sẵn do Ngân hàng Chính sách xã hội cấp) gửi Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.
+ Khi thực hiện giao dịch với ngân hàng, người vay hoặc người thừa kế hợp pháp được ủy quyền phải có chứng minh nhân dân, nếu không có chứng minh nhân dân thì phải có Giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
– Đối với Tổ tiết kiệm và vay vốn:
+ Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận Giấy đề nghị vay vốn của hộ nghèo.
+ Tổ chức họp Tổ để bình xét những hộ nghèo đề nghị vay vốn kèm Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay của hộ nghèo trình Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thuộc diện nghèo, cư trú hợp pháp tại địa phương và được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phê duyệt danh sách hộ nghèo xin vay để thực hiện gửi ngân hàng.
+ Tổ tiết kiệm và vay vốn
+ Cùng ngân hàng giải ngân trực tiếp đến từng hộ vay vốn tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội đặt tại Uỷ ban nhân dân cấp xã.
3. Vai trò của chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo:
Vốn tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo có ý nghĩa và những vai trò quan trọng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo đã giúp các hộ nghèo có thể giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế – xã hội. Các đối tượng thụ hưởng sẽ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để nhằm mục đích thông qua đó tham gia vào quá trình đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, từng bước có thể nâng cao được trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý vốn, người dân cũng từ đó có thể vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả, giúp cho việc nâng cao thu nhập, cải thiện được cơ bản chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Vốn tín dụng xã hội còn có vai trò quan trọng và giúp ngăn chặn và đẩy lùi sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống của các hộ nghèo trên địa bàn cả nước, đặc biệt đó là tại vùng nông thôn miền núi, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn, từ đó đã góp phần đảm bảo về an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo đã tạo thuận lợi khi vay vốn để làm ăn, giảm lượng tái nghèo
Hiện nay, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả về kinh tế – xã hội, chương trình tín dụng chính sách xã hội cũng đã góp phần trực tiếp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% tại các xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên việc cho vay đối với các khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới,… và các đối tượng hộ nghèo.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội vốn tín dụng chính sách xã hội đã có những tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, vốn tín dụng chính sách xã hội cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, bên cạnh đó thì nó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
Vì vậy mà đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng là những người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị cũng nhờ thế mà cũng ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng đang không ngừng được tăng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của nhà nước ta.
Trong giai đoạn hiện nay, ta nhận thấy rằng, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận cũng như đánh giá cao.
Nhằm mục đích để tạo điều kiện cho các đối tượng vay vốn gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan và nhằm mục đích có thể khắc phục khó khăn, tiếp tục có vốn để thực hiện sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã thường xuyên thực hiện việc phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt các công tác xử lý nợ bị rủi ro bởi vì các nguyên nhân khách quan, việc này cũng đã góp phần quan trọng giúp đảm bảo việc xử lý nợ bị rủi ro được chính xác, kịp thời, bên cạnh đó thì cũng đã góp phần bổ sung nguồn vốn tạo điều kiện để các chủ thể là những người vay tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất, thoát nghèo vươn lên, tránh nguy cơ tái nghèo.
Ngân hàng Chính sách xã hội cho đến nay đã thực hiện thành công cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo để nhằm mục đích có thể phục vụ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đó là tổ chức giao dịch tại các Điểm giao dịch đặt tại trụ sở Uỷ bân nhân dân cấp xã; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội thành lập các Tổ tiết kiệm – vay vốn tại cấp thôn. Tổ tiết kiệm – vay vốn cũng chính là nơi giúp hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn, tổ chức sinh hoạt tương trợ giúp đỡ nhau, đảm bảo thực hiện cơ chế dân chủ, vừa là nơi để các ngân hàng có thể đưa các nghiệp vụ về cơ sở nhằm mục đích phục vụ hộ nghèo.
Ta nhận thấy rằng, các tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn hiện nay đang được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm tín dụng để nhằm mục đích có thể phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo cụ thể tiến trình phát triển của họ, và căn cứ theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Việc này cũng đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ lên các nhóm đối tượng được thụ hưởng, từ đó góp phần quan trọng giúp hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững.