Lý luận về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ chồng? Quy định của pháp luật về chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của vợ chồng?
Khi tìm hiểu và nghiên cứu về chế độ tài sản của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân, hầu hết người đọc đều nắm được những vấn đề cơ bản về việc xác định tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng của vợ chồng kèm theo đó là quyền và nghĩa vụ trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản đó. Một thực tế có thể thấy, xuất phát từ bản chất khác biệt giữa tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng do đó quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với hai loại tài sản này cũng có sự khác biệt. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ tập trung phân tích về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng, nhằm giúp người đọc có cái nhìn tổng quát, so sánh với nội dung về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
1. Lý luận về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ chồng?
Giải thích về tài sản riêng của vợ, chồng, Khoản 1, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia định xác định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.” Còn nếu dựa trên khái niệm về tài sản được quy định theo Bộ luật dân sự, thì tài sản riêng của vợ, chồng là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng, tách biệt với khối tài sản chung của vợ chồng.
Chiếm hữu, sử dụng, đình đoạt là nội dung của quyền sở hữu đối với tài sản. Bản chất của các quyền này được quy định rất đầy đủ trong
Quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng là quyền của vợ, chồng trong việc nắm giữ, quản lý tài sản riêng; khai thác công dụng, lợi ích của tài sản riêng và hưởng các lợi ích mà tài sản riêng đó mang lại cho mình, đưa ra các quyết định làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản riêng trong đời sống hôn nhân.
2. Quy định của pháp luật về chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của vợ chồng?
Việc pháp luật ghi nhận vợ, chồng có quyền có tài sản riêng đồng nghĩa với thừa nhận tư cách chủ sở hữu của vợ, chồng trong quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, do đặc thù trong quan hệ hôn nhân nên vợ, chồng không chỉ có vai trò là chủ sở hữu trong quan hệ pháp luật dân sự mà còn có các quyền và nghĩa vụ của thành viên gia đình. Do đó, quyền sở hữu đối với tài sản riêng của vợ chồng bên cạnh điểm chung của quyền sở hữu cá nhân còn có những đặc điểm đặc thù.
Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng như sau:
“1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
4. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.“
Như vậy, về nguyên tắc, một bên vợ, chồng có tài sản riêng thì có quyền sở hữu độc lập và toàn quyền trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó mà không phụ thuộc vào ý chí của bên kia. Việc pháp luật ghi nhận và bảo hộ tư cách chủ sở hữu độc lập của một bên vợ, chồng đối với tài sản riêng của họ là phù hợp với tinh thần của Hiến pháp cũn như thực tế cuộc sống hiện nay.
Với tư cách là chủ sở hữu, vợ, chồng sẽ tự quản lý tài sản riêng của mình. Tuy nhiên trong trường hợp người có tài sản riêng không thể tự mình trực tiếp quản lý tài sản đó do các điều kiện chủ quan, khách quan (do ốm đau, đi công tác,…) thì có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản của mình.
Trường hợp một bên vợ, chồng không thể tự quản lý và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng thì bên kia mới có quyền quản lý tài sản đó. Bên vợ, chồng là chủ sở hữu là tài sản riêng có quyền yêu cầu bên được giao quản lý tài sản bồi thường nếu bên được giao quản lý làm mất mát, hư hỏng, hỏng hóc tài sản được giao mà không có lý do chính đáng.
Ngoài ra, trong trường hợp người được giao quản lý tài sản riêng của vợ, chồng mà định đoạt tài sản đó trái với ý chí của chủ sở hữu thì bên vợ, chồng là chủ sở hữu có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự liên quan đến định đoạt tài sản đó là vô hiệu.
Trường hợp tài sản riêng của một bên vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung, hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì theo quy định tại Khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ. Theo khoản 2, Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình: “Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.” thì trong trường hợp này, một bên vợ, chồng là chủ sở hữu tài sản riêng có quyền ủy quyền cho bên kia thay mặt mình xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản đó.
Với tư cách là chủ sở hữu tài sản thì hai bên vợ, chồng sở hữu tài sản riêng đó có quyền nhập hay không nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng. Quy định này thể hiện tính mềm dẻo của pháp luật, để vợ chồng tự thỏa thuận và quyết định về tài sản của chính mình, không ai được ép buộc bên vợ, chồng có tài sản riêng phải nhập vào khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng. Đây là quy định vừa hướng tới bảo hộ quyền sở hữu của cá nhân, thừa nhận lợi ích cá nhân của vợ, chồng vừa tạo điều kiện để vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc tự nguyện nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Bên cạnh việc ghi nhận quyền của chủ sở hữu đối với tài sản riêng, pháp luật hiện hành còn quy định việc hạn chế quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản riêng vì lợi ích chung của gia đình: “Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.“. Đây là quy định mang tính đặc thù khi thực hiện quyền của chủ sở hữu trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Theo đó, trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của gia đình thì bên vợ, chồng có tài sản riêng phải đưa tài sản riêng vào sử dụng chung trong gia đình. Đây là quy định phù hợp với thực tế cuộc sống và nhằm mục đích đảm bảo tính ổn định của cuộc sống chung, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong gia đình.
Bên cạnh việc thực hiện các quyền của chủ sở hữu thì một bên vợ hoặc chồng còn có các nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng. Theo đó, nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó. (Khoản 3, Điều 44).
Xét về bản chất, nghĩa vụ riêng có thể phát sinh trong các trường hợp sau: từ các giao dịch mà một bên vợ, chồng xác lập, thực hiện để sử dụng vào mục đích riêng, không vì nhu cầu lợi ích chung của gia đình; các khoản bồi thường do hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng; các nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn hoặc gắn liền với quyền thừa kế riêng, nhận tặng cho riêng của mỗi bên trong thời kỳ hôn nhân và từ các nghĩa vụ khác do luật định.
Về nguyên tắc, bên vợ, chồng có nghĩa vụ riêng phải dùng tài sản riêng của mình để thanh toán các nghĩa vụ đó. Trong trường hợp tài sản riêng không đủ thì thanh toán bằng phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung hoặc vợ chồng có thể thỏa thuận thanh toán bằng tài sản chung.