Chuyện là ông nội em mới mất cách đây 2 tháng, ông có để lại di sản thừa kế là quyền sở hữu một mảnh đất đứng tên ông. Ông mất không để lại di chúc và ông em có 4 người con
Tóm tắt câu hỏi:
Chào anh chị, anh chị cho em hỏi về vấn đề thừa kế. Chuyện là ông nội em mới mất cách đây 2 tháng, ông có để lại di sản thừa kế là quyền sở hữu một mảnh đất đứng tên ông.
Ông mất không để lại di chúc và ông em có 4 người con, trong đó một cô ở xa, một cậu ở trong bệnh viện tâm thần đã lâu, chưa có vợ, con và gia đình em cũng có dự định là cho cậu ở đó cho đến khi chết vì bệnh tình của của cậu các bác sĩ nói là không có hướng thuyên giảm và cần theo dõi và chữa trị tại bệnh viện. Ông có một người con nữa và trước đây đã được ông chia cho một mảnh đất và đã hoàn tất mọi thủ tục. Nhưng hiện em còn thắc mắc những vấn đề sau:
- Về người cậu bị tâm thần, thì cậu có được nhận di sản thừa kế ông em để lại không?
- Về người con trước kia đã được ông chia cho đất thì nay có được nhận đất nữa không? Nếu được nhận mà người đó từ chối không nhận thì phải làm thủ tục gì khi chia di sản.
- Về người cô ở xa nếu vì ở xa không về được để chia di sản thì có cách nào để thực hiện việc chia di sản không?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Chào bạn, về vấn đề của bạn DƯƠNG GIAlaw xin tư vấn cho bạn như sau:
Ông bạn chết không để lại di chúc cho nên di sản này sẽ được chia theo pháp luật. Do thông tin bạn cung cấp không nói đến các cụ (bố, mẹ của ông) và bà (vợ của ông) nên trong phần tư vấn này chúng tôi sẽ tư vấn theo hướng di sản của ông để lại cho bốn người con theo hàng thừa kế thứ nhất (điểm a khoản 1 Điều 676 “Bộ luật dân sự 2015”). Cụ thể:
- Thứ nhất, về người cậu bị tâm thần:
Theo quy định của pháp luật không cấm người bị bệnh tâm thần không được nhận di sản thừa kế nên người cậu này vẫn được nhận di sản mà ông bạn để lại. Tuy nhiên, bạn không nhắc tới việc người cậu này đã có tuyên bố của Tòa án là mất năng lực hành vi dân sự hay chưa. Vì vậy, gia đình bạn cần phải yêu cầu Tòa án tuyên người cậu của bạn bị mất năng lực hành vi dân sự dựa trên sự giám định của tổ chức giám định.
Do người cậu này chưa có vợ, con nên không có người giám hộ đương nhiên theo Điều 62 “Bộ luật dân sự 2015” nên di sản mà cậu nhận được sẽ do một người giám hộ khác quản lý. Người giám hộ này được lựa chọn dựa trên sự tuyên bố của Tòa án, UBND xã nơi người cậu sinh sống trước kia để cử người giám hộ có thể là cá nhân dựa trên sự thỏa thuận của gia đình bạn hoặc cơ quan, tổ chức nào đó. Và người này sẽ có trách nhiệm quản lý các tài sản của cậu bạn, thực hiện các giao dịch dân sự vì nhu cầu hàng ngày, lợi ích của cậu bạn. Và gia đình bạn có thể thực hiện việc giám sát việc giám hộ theo Điều 59 “Bộ luật dân sự 2015”.
2. Thứ hai, về người con trước kia đã được ông chia tài sản
Xem thêm: Di sản thừa kế là gì? Quy định mới nhất về các loại di sản thừa kế?
Trước kia, ông có chia cho người con đó một phần tài sản, có thể là dưới hình thức hợp đồng tặng cho hoặc chuyển nhượng thì giao dịch đó hoàn toàn độc lập với việc nhận di sản thừa kế, do vậy, người đó có quyền nhận di sản thừa kế mà ông bạn để lại. Nhưng nếu trong gia đình có sự thỏa thuận người đó từ chối nhận di sản, người đó đồng ý thì theo quy định tại Điều 642 Từ chối nhận di sản:
“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.”
Người từ chối nhận di sản phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và phải thông báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản. Khi đi làm thủ tục để hưởng di sản và chia di sản, cần mang theo văn bản trên để xác nhận.
3. Thứ ba, về người cô ở xa:
Vấn đề của bạn sẽ được giải quyết khi mà người cô ở xa đó làm một văn bản ủy quyền, một người nào đó sẽ thay mặt người cô cho việc nhận di sản thừa kế. Khi lập văn bản ủy quyền cần lưu ý và xác định rõ phạm vi ủy quyền là gì trong thời hạn nào tại văn bản ủy quyền; trong trường hợp này nên là quyền thay mặt mình thực hiện thủ tục thừa kế chứ không có quyền đối với phần di sản thừa kế mà người cô nhận được. Văn bản này cần có công chứng, chứng thực để đảm bảo hợp pháp và khi làm thủ tục nhận, chia di sản có thể đưa ra làm căn cứ cho sự ủy quyền.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Xem thêm: Đã lập di chúc, có được chia di sản thừa kế theo pháp luật không?
Chuyên viên tư vấn: Hoàng Thị Thu Hiền