Phân chia di sản thừa kế là công việc thường được thực hiện sau khi người để lại di sản thừa kế chết. Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp thì việc phân chia thừa kế đều diễn ra suôn sẻ, không có tranh chấp mà tranh chấp trong thừa kế hiện nay đang diễn ra khá phổ biến. Vậy chia di sản thừa kế khi đã hết thời hiệu khởi kiện thừa kế được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các loại di sản thừa kế:
Căn cứ theo Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di sản thừa kế được xác định là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống được hưởng. Theo đó, tài sản này bao gồm cả tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người đó trong nguồn tài sản chung với người khác.
Di sản thừa kế là tài sản riêng của người chết được xác định là tài sản mà người đó tạo ra bằng thu nhập hợp pháp của mình, tài sản được tặng cho khi còn sống, được thừa kế từ người khác,…
Di sản thừa kế là phần tài sản của người chết để lại trong nguồn tài sản chung với người khác được xác định là hình thức sở hữu chung theo phần với người khác (đồng sở hữu) và tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân do vợ chồng cùng nhau tạo lập và phát triển khối tài sản chung đó.
2. Chia di sản thừa kế khi đã hết thời hiệu khởi kiện thừa kế:
Căn cứ theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu khởi kiện phân chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản. Thời điểm bắt đầu để tính thời hiệu này là thời điểm mở thừa kế.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người thừa kế khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Và kể từ thời điểm mở thừa kế đó thì thời hiệu để yêu cầu những người thừa kế di sản mà người chết để lại phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản là 03 năm.
Vậy khi hết thời hiệu phân chia di sản thừa kế đã phân tích ở trên thì di sản thừa kế sẽ được phân chia như thế nào? Tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã nêu rõ về cách phân chia di sản thừa kế khi đã hết thời hiệu được yêu cầu khởi kiện phân chia di sản thừa kế. Theo quy định này thì khi hết thời hiệu được quy định thì sản sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Chẳng hạn như ông A có 03 người con là B, C,D và khi chết ông không để lại di chúc nhưng để lại di sản thừa kế là mảnh đất và ngôi nhà trên đất – ký hiệu L (bất động sản), thời điểm mở thừa kế là thời điểm ông A chết từ năm 1990. Đến nay là năm 2023, đã hơn 30 năm kể từ ngày mở thừa kế không có yêu cầu phân chia di sản thừa kế của những người thừa kế và những người thừa kế cũng không làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Đến nay mảnh đất là di sản thừa kế đó được phân chia cho anh B, là người con cả của ông A và cũng là người thừa kế của ông A theo pháp luật. Hiện nay anh là người đã ở trên mảnh đất đó lâu dài, đóng góp công sức quản lý mảnh đất đó lâu dài từ trước khi ông A mất.
Tuy nhiên, trong trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thừa kế thì di sản thừa kế đó được giải quyết phân chia như thế nào? Tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã hướng dẫn rõ điều này. Khi không có người thừa kế đang quản lý di sản thừa kế thì việc phân chia di sản thừa kế được giải quyết như sau:
– Trong trường hợp di sản này đang có người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di sản thuộc quyền sở hữu của người đó. Theo quy định của Điều 236 Bộ luật này thì người chiến hữu, người được lợi về tài sản khi không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục được xác định là người đã chiếm hữu động sản trong thời hạn 10 năm và bất động sản trong thời hạn 30 năm thì sẽ trở thành chủ sở hữu của tài sản đó. Thời hạn này được xác định kể từ thời điểm người đó bắt đầu chiếm hữu. Theo đó, khi người chiếm hữu di sản thừa kế là động sản trong thời hạn 10 năm và bất động sản trong thời hạn 30 năm thì khi người có di sản thừa kế để lại chết đi nhưng không có người thừa kế quản lý di sản đó thì di sản thuộc về người chiếm hữu di sản thừa kế.
Trong trường hợp không có người thừa kế quản lý di sản hoặc không có người chiếm hữu di sản thừa kế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di sản thừa kế đó thuộc về Nhà nước. Theo đó, di sản này sẽ trở thành tài sản công của Nhà nước.
3. Làm thế nào để tránh rơi vào trường hợp hết thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế?
Hiện nay, có nhiều người thường không để ý đến việc phân chia di sản thừa kế ngay thời điểm mở thừa kế và không để ý đến thời hiệu được khởi kiện phân chia di sản thừa kế. Do đó đến khi có tranh chấp xảy ra mới yêu cầu phân chia di sản thừa kế thì đã hết thời hiệu được khởi kiện phân chia di sản thừa kế nên gặp phải bất lợi khi không được hưởng di sản thừa kế. Vậy phải làm thế nào để bảo đảm quyền lợi của những người thừa kế được hưởng di sản thừa kế?
Để bảo đảm quyền lợi của những người hưởng di sản thừa kế thì những người hưởng di sản thừa kế mà người chết để lại phải thực hiện làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế ngay tại thời điểm mở thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền để tránh xảy ra tranh chấp và hết thời hiệu thừa kế. Theo đó, để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì những người thừa kế cần thực hiện theo các bước sau:
3.1. Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu khai nhận di sản thừa kế theo di chúc:
Những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc sẽ lập hồ sơ khai nhận di sản thừa kế bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Di chúc có hiệu lực;
– Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng cung cấp;
– Giấy tờ chứng minh người lập di chúc để lại di sản thừa kế đã chết như giấy chứng tử, giấy báo tử, bản án tuyên bố một người đã chết,…;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với di sản thừa kế phân chia theo di chúc là bất động sản;
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản khác được dùng để phân chia di sản thừa kế;
– Giấy tờ tùy thân của người thừa kế theo di chúc như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu còn hiệu lực,..;
– Những giấy tờ khác chứng minh quan hệ giữa người để lại di chúc phân chia di sản thừa kế và người hưởng di sản thừa kế như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh,…).
3.2. Nộp hồ sơ khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền:
Căn cứ theo quy định tại mục 2 Chương V của Luật Công chứng năm 2014 thì việc khai nhận di sản thừa kế theo di chúc phải được tiến hành làm thủ tục khai nhận tại tổ chức hành nghề công chứng nơi có bất động sản để lại.
3.3. Xử lý hồ sơ yêu cầu khai nhận di sản thừa kế:
Việc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày. Công chứng viên ra thông báo để niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản thừa kế.
Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường/ thị trấn có trách nhiệm xác nhận và bảo quản văn bản khai nhận di sản thừa kế được niêm yết trong thời hạn 15 ngày. Nếu sau 15 ngày niêm yết mà không có tranh chấp xảy ra, không có khởi kiện, tố cáo… thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ thực hiện thủ tục công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế để người được hưởng di sản có thể làm thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu sang cho mình.
Sau khi thực hiện khai nhận di sản thừa kế và có Văn bản khai nhận di sản thừa kế được công chứng bởi tổ chức hành nghề công chứng thì những người được hưởng di sản thừa kế sẽ tiến hành chuyển quyền sở hữu từ người đã chết sang cho mình.
Như vậy, đây là cách tốt nhất và nhanh nhất để người có quyền hưởng di sản thừa kế được hưởng di sản mà người chết để lại. Việc khai nhận di sản thừa kế giúp cho những người thừa kế được bảo đảm quyền và tránh có những tranh chấp, khởi kiện xảy ra.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Dân sự năm 2015;
Luật Công chứng năm 2014.