Nhà nước Việt Nam luôn đưa ra những chính sách hỗ trợ về kinh phí đối với sinh viên sư phạm. Vậy các cá nhân chỉ học nghiệp vụ sư phạm có được miễn học phí không? Dưới đây là bài phân tích làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Chỉ học nghiệp vụ sư phạm có được miễn học phí không?
Nghiệp vụ sư phạm là việc các cá nhân tham gia các khóa học để có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là bằng cấp chứng minh một người có kiến thức và kỹ năng đáp ứng những nhiệm vụ cơ bản trong việc giảng dạy, giúp người học hoàn thiện khả năng đứng lớp, có thể đảm nhiệm vị trí công tác.
Vậy chỉ học nghiệp vụ sư phạm, các cá nhân có được miễn học phí không?
– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, nghị định này quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học các ngành đào tạo giáo viên tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng được phép đào tạo giáo viên (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo giáo viên) thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và đào tạo theo nhu cầu xã hội.
– Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, các đối tượng được áp dụng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học các ngành đào tạo giáo viên tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng được phép đào tạo giáo viên bao gồm:
+ Sinh viên học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy và sinh viên học văn bằng thứ 2 theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ 1 đạt loại giỏi (sau đây gọi chung là sinh viên sư phạm).
+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan trực thuộc được ủy quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm; các cơ sở đào tạo giáo viên và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào tạo.
+ Nghị định này không áp dụng đối với giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Như vậy, theo quy định của Nghị định trên, chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học các ngành đào tạo giáo viên tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng được phép đào tạo giáo viên chỉ áp dụng đối với sinh viên học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy và sinh viên học văn bằng thứ 2 theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ 1 đạt loại giỏi.
Do đó, có thể khẳng định, cá nhân chỉ học nghiệp vụ sư phạm thì không được miễn học phí.
2. Quy định về việc lập dự toán, chi trả kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm:
Điều 5 Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về việc lập dự toán, chi trả kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm như sau:
– Quy định về việc lập dự toán:
+ Lập dự toán kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu: Căn cứ vào nhu cầu đào tạo giáo viên của địa phương và các định mức hỗ trợ, hằng năm cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu lập dự toán kinh phí đào tạo giáo viên báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kinh phí để chi trả hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm qua cơ sở đào tạo giáo viên;
+ Lập dự toán kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu): Căn cứ vào số chỉ tiêu còn lại trong phạm vi chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo sau khi trừ đi chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, hằng năm cơ sở đào tạo giáo viên lập dự toán kinh phí và gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội được cấp cho cơ sở đào tạo giáo viên theo hình thức giao dự toán theo quy định của pháp luật.
– Quy định về việc chi trả kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước:
+ Dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành là nguồn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được bố trí;
+ Cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu chi trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo giáo viên kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt của sinh viên sư phạm theo cơ chế Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng. Đối với các sinh viên sư phạm thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thì sẽ tiến hành đấu thầu để chi trả nguồn kinh phí.
Bố trí trong dự toán hằng năm của cơ sở đào tạo giáo viên được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước đối với kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm trong chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo nhưng không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu;
+ Cơ sở đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm thông qua tài khoản tiền gửi của sinh viên tại ngân hàng.
– Điều luật này cũng quy định rõ, việc lập dự toán, chấp hành dự toán và thanh quyết toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm tại Nghị định này thực hiện theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
3. Trách nhiệm của các bộ ngành trong việc hỗ trợ kinh phí đối với sinh viên sư phạm:
Điều 10 Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành đối với việc thực hiện hỗ trợ kinh phí đối với sinh viên sư phạm như sau:
– Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định này;
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo giáo viên;
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị định này đối với các cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định;
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm hiệu quả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan ban ngành chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí đối với sinh viên sư phạm.
– Ngoài ra, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định này.
Ngoài ra, sinh viên sư phạm cũng phải có trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của các cơ sở đào tạo giáo viên; hoàn thành chương trình đào tạo theo ngành được cử đi học. Theo quy định của pháp luật, sau khi tốt nghiệp, sinh viên thông báo cho cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu về kết quả học tập để được tư vấn, hỗ trợ về định hướng việc làm trong ngành giáo dục. Đồng thời, sau khi có quyết định công nhận tốt nghiệp, định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm của năm tiếp theo cho đến năm đủ thời gian không phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ ới cơ quan thu hồi kinh phí bồi hoàn để thông báo xóa hoặc thu hồi khoản kinh phí hỗ trợ.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị định 116/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định về việc áp dụng kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.