Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn căn dặn các cán bộ, Đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Vậy chí công vô tư nghĩa là gì? Bài viết dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu về câu nói của Bác: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Mục lục bài viết
1. Chí công vô tư nghĩa là gì?
Chí công vô tư vừa là một bộ phận cấu thành của đạo đức cách mạng, vừa là phẩm chất cần có đối với một người trong hầu hết mọi hoạt động thực tiễn. Trong đó: Chí công là sự khách quan và công bằng. Vô tư là không có ý riêng, công bằng với người với việc. Hay nói một cách đơn giản là “làm bất cứ việc gì mình cũng phải nghĩ về bản thân mình trước tiên và khi hưởng thụ thì mình cũng nên đi sau”, “lo trước cả thiên hạ và mừng sau thiên hạ”. Như vậy, chúng ta có thể hiểu chí công vô tư chính là phẩm chất đạo đức của con người, biểu hiện tính khách quan và không thiên vị, xử lý sự việc theo đúng pháp luật, xuất phát từ lợi ích cộng đồng và đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích bản thân. Đây cũng là một trong các phẩm chất đạo đức cần thiết phải có của một người cán bộ, công chức.
Trong đạo đức cách mạng, chí công vô tư là luôn vì mọi người, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và của nhân dân lên hàng đầu. Khi có khó khăn thì đi trước và hưởng thụ thành quả sau; không tham tiền tài, địa vị và danh vọng, chỉ có một mục đích cao cả duy nhất là làm sao để cuộc sống của nhân dân no đủ, hạnh phúc và đất nước phồn vinh.
2. Biểu hiện của chí công vô tư:
Đối với các em học sinh, sinh viên tinh thần chí công vô tư đã được thể hiện như sau:
– Không thiên vị và bao che trước các hành vi sai phạm của chúng bạn.
– Kiên quyết xử phạt nặng các hành vi gian lận, vi phạm quy chế và báo cáo với các thầy cô nhằm đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Không im lặng hay làm ngơ trước các hành vi sai hoặc chưa đúng.
– Ủng hộ những ý kiến tích cực nhằm góp phần tăng cường kỷ cương và đẩy mạnh những phong trào của nhà trường và lớp.
Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên sự vô tư được biểu hiện qua một số phương diện như:
– Luôn khách quan, vô tư và trung thực, không thiên vị cũng không vụ lợi.
– Luôn đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân lên trên hết.
– Ủng hộ những quan điểm và hành vi đúng, kiên quyết phê phán và đấu tranh chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, tham nhũng và những hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là gì?
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức thì các phẩm chất đạo đức được Người đưa ra là phù hợp với mọi thời đại, nhưng người nhấn mạnh phẩm chất nọ hay phẩm chất kia là để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng Việt Nam ở mỗi thời kỳ nhất định. Từ đó người đã khái quát thành những phẩm chất đạo đức cách mạng quan trọng nhất của con người Việt Nam trong thời đại mới là: Trung với nước, hiếu với dân; thương yêu con người; Cần, kiệm, liêm, chính, công, vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Trong các phẩm chất đạo đức thì phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, vô tư được người nhấn mạnh nhiều nhất vì phẩm chất này gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của từng người; gắn chặt giữa lời nói và hành động, giữa suy nghĩ và hành động của từng người trong đời công cũng như đời tư, trong sinh hoạt cũng như trong công việc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích ý nghĩa và mối liên quan của những từ này một cách đơn giản, rõ ràng và rất dễ hiểu.
Cần, là lao động cần cù, chịu khó, chăm chỉ, cần cù, dẻo dai và sáng tạo để có năng suất cao với tinh thần tự lực cách sinh, không trông chờ, không ỷ lại, không lười biếng. Đối với người: “Phải tìm tòi học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo … Phải cẩn thận, tiết kiệm “; Đối với người: “Thân thiện với nhau, nhưng không che giấu những thói xấu … Không nên ganh ghét đố kỵ “; Đối với công việc: “Phải suy nghĩ cho kĩ … Phải cẩn thận … “
Kiệm, là “tiết kiệm, không xa hoa, không lãng phí, không tuỳ tiện”, tiết kiệm sức lao động, thời giờ và tiền của của dân, của nhà nước và của chính mình, phải tiết kiệm hết cái lớn đến cái bé, từ cái nhỏ hợp lại thành cái lớn, không xa hoa, không lãng phí, không tuỳ tiện, không phô trương hình thức.
Liêm, là “trong sạch không tham lam”, là liêm khiết, “luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công, của dân”, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc nào của Nhà nước, của Nhân dân; “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quan minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.
Chính, là “không sai trái, tức là ngay thẳng, đúng đắn. Điều gì không đứng đắn thì sai trái, là tà “,đối với bản thân thì không tự cao, kiêu ngạo, phải chăm chỉ học tập cầu tiến, thường xuyên tự kiểm điểm để phát huy điều tốt và sửa chữa điều xấu của bản thân mình, đối với người thì không nói xấu người trên, không nói xấu người dưới, phải có thái độ thành khẩn, thẳng thắn, trong sáng, trung thực, không gian dối, lừa gạt, đối với việc phải đặt việc công ở trên, đứng trước việc tư và việc nhà. Người đảng viên muốn trở thành người cộng sản chân chính có năm điều cần nhớ: “nhân, nghĩa, trí, tín, liêm” và phải thường xuyên nâng cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, bởi vì “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà lại muốn khác chính là phi lý “.
Chí công, vô tư, là hết lòng vì lợi ích tập thể, không chút vụ lợi; là rất công bằng, vô tư, không một chút vụ lợi, thiên vị, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết, trước hết; luôn quên mình vì Đảng, vì dân tộc, “buồn trước thiên hạ, vui sau thiên hạ “; là lòng chí công, vô tư mà đối với người, với việc, khi làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ về mình trước và khi hưởng thụ thì mình cũng nên theo sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Muốn cho dân vui, muốn được lòng dân thì việc gì có lợi cho dân phải ra sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết tất cả những vấn đề dù khó khăn đến đâu đi nữa, nhất là vấn đề liên quan tới đời sống của dân. ..Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo không khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta… Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, kính trọng, lễ phép với dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công, vô tư”.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Theo Bác: “Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm làm chừng nào xào chừng ấy… Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được”. Chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Liêm cũng như chữ Liêm phải đi đôi với chữ Cần. Có kiệm mới có liêm được, “vì xa xỉ mà sinh ra tham lam”. “Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của Chính như một cây có gốc, rễ lại cần có cành lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người có cần, kiệm, liêm, chính nữa mới hoàn toàn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Cần, kiệm, liêm, chính là đạo đức của một xã hội hưng thịnh: Nếu không có những phẩm chất đó thì xã hội suy vong. Do đó, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, chí công, vô tư, một lòng, một dạ vì Đảng vì dân thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính và được nhiều đức tính tốt khác.
Thực tiễn cách mạng đã khẳng định rằng, đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi vào nếp nghĩ, thói quen, phong cách, lối sống của đa số cán bộ, đảng viên; đồng thời cũng là tiêu chuẩn phấn đấu, tiêu chí để phân loại, đánh giá chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người.
4. Ví dụ về chí công vô tư:
Ví dụ trong học tập:
Thuý và Hà học cùng lớp và Thuý nhận được sự tín nhiệm của các bạn trong lớp, Thuý đã được bầu là lớp trưởng và cũng là học sinh giỏi của lớp và luôn tuân thủ chặt chẽ mọi nội quy của lớp, trường đề ra. Ngược lại, Hà lại thường xuyên đi học muộn. Tuy nhiên, Thuý không lợi dụng quyền hạn của mình để bao che cho Hà. Mỗi khi Hà mắc lỗi, Thuý sẵn sàng đưa ra lời phê bình bạn ở trước lớp. Việc làm đó là biểu hiện của chí công vô tư, góp phần giúp cho Hà rút kinh nghiệm và đạt được kết quả cao trong học tập.
Ví dụ cụ thể trong cuộc sống:
Ông Mạnh là cán bộ tư pháp hộ tịch ở xã H. Khi người thân đến làm các thủ như khai sinh, đăng ký kết hôn,… thì vẫn thực hiện đúng như quy định của pháp luật mà không có bất kỳ một sự ưu tiên nào. Đây chính là biểu hiện cơ bản về phẩm chất chí công vô tư của người cán bộ, công chức.
5. Ý nghĩa của chí công vô tư:
Đối với tập thể:
Chí công vô tư là một phẩm chất quan trọng đem lại lợi ích to lớn cho tập thể và cộng đồng xã hội. Mỗi người đều xem trọng lợi ích của tập thể chính là nền tảng cơ bản giúp tập thể phát triển bền vững. Từ đó, mới có thể góp phần xây dựng một đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng và dân chủ văn minh theo đúng mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra.
Đối với cá nhân:
Chí công vô tư góp phần rất quan trọng trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện và công tác của từng người. Trước hết, việc rèn luyện chí công vô tư đã góp phần thúc đẩy quá trình rèn luyện nhân cách và hình thành phẩm chất tốt đẹp. Từ đó, phẩm chất chí công vô tư cũng là yếu tố tiên quyết để tạo dựng nên niềm tin yêu với mọi người ở chung quanh. Những người có phẩm chất đạo đức sẽ nhận được sự tin tưởng, quý mến và có uy tín cao trong xã hội và cộng đồng. Từ đó, đòi hỏi mỗi người chúng ta cần có ý thức tu dưỡng đạo đức và rèn luyện phẩm chất chí công vô tư. Trong quá trình sống và làm việc, chúng ta cần phải giúp đỡ những người có phẩm chất chí công vô tư. Đồng thời phê phán những hành vi tư lợi bất chính, không minh bạch trong quá trình xử lý công việc.