Hiện nay, theo quy định của pháp luật về Luật lao động thì ngoài việc được hưởng lương theo đúng năng lực của bản thân, người lao động còn có thể được hưởng thêm các khoản trợ cấp, phụ cấp từ doanh nghiệp hay tổ chức. Vậy chế độ trợ cấp là gì và điểm khác nhau giữa trợ cấp và phụ cấp?
Mục lục bài viết
1. Chế độ trợ cấp là gì?
Chế độ trợ cấp là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định cho người lao động và một số thành viên trong gia đình họ thực tế được hưởng một khoản tiền trong những trường hợp cần thiết, phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Nội dung chế độ trợ cấp thường bao gồm các chế độ ngoài thù lao lao động như chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ trợ giúp khi khó khăn, chế độ cấp tiền khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Nội dung chế độ trợ cấp thường bao gồm các chế độ ngoài thù lao động như chế đọ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp…Tùy theo điều kiện kinh tế và khả năng kinh doanh mà quy định về các trường hợp được hưởng trợ cấp, điều kiện trợ cấp sẽ khác nhau.
Chế độ trợ cấp tiếng Anh là Benefit regime
Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang tiếng Anh
Chế độ trợ cấp | Benefit regime |
Phụ cấp | Allowance |
Thất nghiệp | Unemployment |
Thù lao | Remuneration |
2. Khái niệm về phụ cấp:
Phụ cấp được hiểu là khoản tiền mà người sử dụng lao động hỗ trợ người lao động để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, mức độ phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt…chưa được tính đến hay tính chưa đầy đủ trong mức lương.
Phụ cấp sẽ bao gồm các khoản trong thu nhập nằm ngoài lương chính hoặc lương cơ bản, có ý nghĩa gần như bắt buộc cộng thêm cho người lao động mà ngoài tiền lương từ chuyên môn ra tính theo bậc lệ thuộc vào bằng cấp hay tay nghề thị họ xứng đáng được hưởng thêm.
3. Điểm khác nhau giữa trợ cấp và phụ cấp:
Tiêu chí | Phụ cấp | Trợ cấp |
Khái niệm | Phụ cấp được hiểu là khoản tiền mà người sử dụng lao động hỗ trợ người lao động để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, mức độ phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt…chưa được tính đến hay tính chưa đầy đủ trong mức lương.
| Trợ cấp là khoản tiền người lao động được cấp khi rơi vào tình trạng không tạm thời ngừng lao động, trên cơ sở số tiền mà người lao động đã thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm trong thời gian lao động. |
Các chế độ | Một số chế độ phụ cấp lương: Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp thu hút; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp chức vụ. Chế độ phụ cấp khác: Phụ cấp khuyến khích người lao động làm việc và phụ cấp khác theo yêu cầu của công ty. | Trợ cấp ốm đau; Trợ cấp thai sản; Trợ cấp tai nạn lao động, nghề nghiệp; Trợ cấp hưu trí; Trợ cấp tử tuất; Trợ cấp thôi việc; Trợ cấp mất việc làm. |
Đối tượng hưởng | Tùy thuộc vào từng đối tượng ký hợp đồng lao động và tính chất công việc mà người lao động sẽ có loại phụ cấp tương ứng. Phụ cấp được áp dụng cho người lao động làm việc tại công ty, được hưởng cùng với tiền lương. | Tùy thuộc vào từng đối tượng sẽ được hưởng các khoản trợ cấp khác nhau. Ví dụ: Người thất nghiệp, phụ nữ sinh con,… |
Mức hưởng | Do công ty quyết định cho phù hợp với đặc điểm, tính chất lao động và điều kiện thực tế của công ty. Các mức phụ cấp lương được thiết kế theo tỷ lệ % hoặc mức tiền do công ty quyết định cho phù hợp với đặc điểm, tính chất lao động và điều kiện thực tế của công ty. | Mức trợ cấp tùy thuộc vào từng chế độ mà mức hưởng quy định khác nhau và không thấp hơn quy định của pháp luật. |
Đặc điểm | Thông thường, các khoản phụ cấp nêu sẽ tính đóng bảo hiểm xã hội, trừ 14 khoản chế độ và phúc lợi không tính đóng bảo hiểm xã hội như tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền ăn giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết, có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động. | Bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành chi trả các khoản trợ cấp tùy thuộc vào mức đóng bảo hiểm với từng trường hợp. |
4. Quy định về hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần:
Thứ nhất, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần
- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hộimà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của
Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; - Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
Thứ hai, hồ sơ chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.
- Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:
+ Hộ chiếu do nước ngoài cấp;
+ Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;
+ Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
- Trích sao hồ sơ bệnh án trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 và điểm c khoản 1 Điều 77 của Luật bảo hiểm xã hội 1 lần.
- Đối với người lao động quy định tại Điều 65 và khoản 5 Điều 77 của Luật này thì hồ sơ hưởng trợ cấp một lần được thực hiện theo quy định trên.
5. Phụ cấp khu vực đối với người hưởng bảo hiểm xã hội:
Thứ nhất, đối tượng áp dụng
- Người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần hoặc chết kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, mà trước ngày 01 tháng 01 năm 2007 đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực;
- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 đang hưởng phụ cấp khu vực tại nơi đăng ký thường trú có phụ cấp khu vực.
Thứ hai, chế độ hưởng
- Người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực, thì ngoài hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thân nhân của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực nhưng chưa hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần mà bị chết từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở về sau thì ngoài trợ cấp tuất theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016, thường trú tại nơi có phụ cấp khu vực thì được tiếp tục hưởng phụ cấp khu vực theo mức hiện hưởng (không điều chỉnh theo mức lương cơ sở) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ.
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và hưởng phụ cấp khu vực tại nơi đăng ký thường trú mà từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thay đổi nơi thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng ở nơi có phụ cấp khu vực thì được hưởng mức phụ cấp khu vực theo mức phụ cấp khu vực tại nơi thường trú mới; trường hợp nơi thường trú mới không có phụ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp khu vực.
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thường trú tại nơi không có phụ cấp khu vực và không hưởng phụ cấp khu vực mà từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thay đổi nơi thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng ở nơi có phụ cấp khu vực thì cũng không được hưởng phụ cấp khu vực.
Thứ ba, cách tính mức trợ cấp một lần:
Đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này thì mức trợ cấp một lần được tính theo thời gian, tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, hệ số phụ cấp khu vực và mức tiền lương cơ sở tại thời điểm giải quyết. Hệ số phụ cấp khu vực được xác định như sau:
- Đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến 31 tháng 12 năm 2006 thì hệ số phụ cấp khu vực tính trợ cấp một lần là hệ số phụ cấp khu vực thực tế đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội;
- Đối với thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì hệ số phụ cấp khu vực được tính theo hệ số phụ cấp khu vực của các địa phương, đơn vị theo quy định của pháp luật về phụ cấp khu vực;
- Đối với thời gian công tác tại các chiến trường B, C trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 và chiến trường K trước ngày 31 tháng 8 năm 1989 thì được áp dụng mức phụ cấp khu vực hệ số 0,7 để tính trợ cấp một lần.
Thứ tư, nguồn kinh phí thực hiện chi trả chế độ trợ cấp một lần và phụ cấp khu vực đối với đối tượng quy định tại mục thứ nhất như sau:
- Ngân sách nhà nước chi trả chế độ trợ cấp một lần đối với thời gian công tác ở nơi có phụ cấp khu vực trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; chế độ phụ cấp khu vực đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo;
- Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả chế độ trợ cấp một lần đối với thời gian công tác từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở đi có đóng bảo hiểm xã hội bao gồm cả phụ cấp khu vực; chế độ phụ cấp khu vực đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng thuộc đối tượng do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 ;Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc.