Vấn đề tài sản chung của vợ chồng theo thỏa thuận đã được đề cập trong lịch sử lập pháp từ trước đến nay thể hiện mức độ quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với vấn đề này.
Vấn đề tài sản chung của vợ chồng theo thỏa thuận đã được đề cập trong lịch sử lập pháp từ trước đến nay thể hiện mức độ quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với vấn đề này. Cụ thể trong mỗi giai đoạn được thể hiện như sau:
2.1. Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận trong pháp luật Việt Nam trước năm 1975
Trong thời kỳ Pháp thuộc, luật pháp về dân sự ở Việt Nam mang đậm dấu ấn của Bộ luật dân sự Napoléon. Trong ba bộ dân luật được áp dụng ở ba miền Bắc, Trung, Nam, Bộ dân luật Bắc và Bộ dân luật Trung đã ghi chép những nguyên tắc cơ bản của BLDS Pháp như: quyền tự do lập hôn ước và tính chất không thay đổi của chế độ hôn sản.Ví dụ: Điều 104 Tiết thứ IV thiên thứ V quyển thứ nhất Dân luật Bắc kì qui định rằng: “Về đường tài sản, pháp luật chỉ can thiệp đến toàn thể vợ chồng là khi nào vợ chồng không có tùy ý lập ước riêng với nhau mà thôi, miễn là ước riêng ấy không được trái với phong tục và trái với quyền lợi người chồng là người chủ trương trong đoàn thể”. Dân luật giản yếu Nam kì không có ghi nhận về hôn ước cũng như vấn đề tài sản vợ chồng tuy nhiên án lệ ở Nam kì trong thời kì này lại “luôn luôn nhắc lại nguyên tắc tự do lập hôn ước mà các tòa án Pháp coi là lẽ đương nhiên được áp dụng trong khi không có luật viết” .
Trong giai đoạn đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc, pháp luật về vấn đề này ở hai miền thể hiện những nội dung trái chiều. Luật hôn nhân và gia đình ngày 29 tháng 12 năm 1959 ở Miền Bắc chỉ quy định về một hình thức của chế độ tài sản pháp định (chế độ cộng đồng toàn sản), và vì thế, không có một quy định nào về quyền lập hôn ước của vợ chồng. Trong khi đó, ở Miền Nam, hai đạo luật đã được lần lượt ban hành để điều chỉnh các quan hệ dân sự, gia đình (Luật gia đình ngày 02 tháng 1 năm 1959, Bộ dân luật ngày 20 tháng 12 năm 1972), đều thừa nhận quyền tự do lập hôn ước của vợ chồng và chế độ tài sản chung theo luật định chỉ được áp dụng khi vợ chồng không lập hôn ước. Cụ thể, Điều 45 Luật Gia Đình 1959 qui định: “Luật lệ chỉ qui định phu phụ tài sản khi nào vợ chồng không có lập hôn ước mà họ muốn làm ra sao cũng được miễn là không trái với phong hóa, trật tự công và quyền lợi của con”. Nguyên tắc luật chỉ can thiệp vào chế độ tài sản vợ chồng khi vợ chồng không lập hôn ước đã được thể hiện ngay tại đây, đây cũng là một qui định tương đối tiến bộ bởi quyền gia trưởng của người chồng đã không còn là một trật tự công cần được bảo vệ mà thay vào đó là quyền của con .
Bộ dân luật năm 1972 quy định : “Vợ chồng có thể tự do lập hôn ước tùy ý muốn, miễn không trái với trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục” (Điều 145) và “Luật pháp chỉ quy định chế độ phu phụ tài sản khi vợ chồng không lập hôn ước” (Điều 144).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2.2. Chế độ tài sản vợ chồng trong pháp luật Việt Nam sau năm 1975:
Sau khi thống nhất hai miền, Luật hôn nhân và gia đình 1986 và Luật hôn nhân và gia đình 2000 lần lượt được ban hành nhằm khắc phục những nhược điểm và hạn chế của bộ luật trước. Đáng tiếc là qui định về quyền tự do lập hôn ước không được khôi phục lại trong hai văn bản này. Tuy nhiên, chúng ta lại tìm thấy dấu hiệu của việc thừa nhận sự thỏa thuận của vợ chồng về tài sản của họ trong Nghị định số 70 của Chính phủ ngày 03 tháng 10 năm 2001 quy định chi tiết thi hành Luật HN-GĐ năm 2000. Cụ thể là trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có qui định “thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác” (khoản 2, điều 8). Điều 9, 10 tiếp tục qui định về khả năng khôi phục chế độ tài sản chung vợ chồng. Các qui định này tuy mâu thuẫn với một số qui định của Luật hôn nhân và gia đình 2000 nhưng lại cho thấy ý tưởng của nhà lập pháp trong việc thừa nhận sự thỏa thuận của vợ chồng đối với khối tài sản của họ.
Như vậy, mặc dù qui định về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận trong pháp luật hôn nhân và gia đình không được duy trì cho đến nay ở nước ta nhưng ý tưởng khôi phục lại nguyên tắc trên đã được bàn bạc và cân nhắc trong thời gian gần đây. Sự cần thiết và tính cấp thiết của việc luật hóa qui định này ở nước ta càng rõ ràng hơn khi mà các nước trong khu vực và hầu hết các quốc gia có nền lập pháp tiên tiến trên thế giới đều đã thừa nhận và áp dụng.