Luật sư tư vấn về chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử. Chế độ, chính sách đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi.
Tóm tắt câu hỏi:
Bác của em năm nay được 54 tuổi 10 tháng (tính đến tháng 19/7/2016). Bác là Chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ xã. Tháng 5/2016 đại hội Hội Liên Hiệp phụ nữ xã bác không còn tái cử và nghỉ việc từ tháng 6/2016. tính đến tháng 6/2016 bác đóng bảo hiểm xã được 23 năm. Tuy nhiên từ tháng 6 đến nay bác vẫn chưa nhận được lương hưu. Vậy Luật sư có thể tư vấn giúp gia đình em được không ạ?
Luật sư tư vấn:
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 26/2015/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm khi nghỉ hưu trước tuổi như sau:
Điều 3. Chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi
1. Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, nếu có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi gửi cơ quan quản lý cán bộ thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được hưởng thêm các chế độ sau:
a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
b) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội;
c) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho tổng số hai mươi năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội; từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương;
[…]
Như vậy, đối chiếu theo quy định trên, trường hợp bác của bạn là chủ tịch Hội phụ nữ, tính đến 6/2016 không đủ điều kiện về tuổi để tái cử, ngày 19/7/2016 bác của bạn sẽ được 54 tuổi 10 tháng, và bác bạn đã có trên 20 năm ( 23 năm ) đóng bảo hiểm xã hội, như vậy, trường hợp các của bạn nếu có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi gửi đến cơ quan quản lý thì sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của
Luật sư tư vấn pháp luật về chế độ nghỉ hưu trước tuổi:1900.6568
Tuy nhiên, trong trường hợp này, theo hướng dẫn tại Công văn 3624/BHXH-CSXH năm 2015 thì hồ sơ hưởng chế độ hưu trí gồm:
+ Sổ Bảo hiểm xã hội
+ Quyết định nghỉ việc của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, kèm theo giấy đăng ký địa chỉ nơi cư trú khi nghỉ hưu, nơi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu của người lao động
+ Danh sách cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm có đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bạn đề cập bác bạn không được hưởng lương hưu từ tháng 6/2016 thì cần phải xem xét trong trường hợp này, bác bạn đã có đơn đề nghị và cơ quan đã làm hồ sơ hưởng chế độ hưu trí cho bác bạn chưa? Nếu chưa thì cần làm hồ sơ xin tự nguyện nghỉ hưu và đề nghị cơ quan lập hồ sơ hưởng lương hưu cho bác của bạn.
1. Tuổi nghỉ hưu của cán bộ điều tra quy hoạch rừng
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi làm nghề điều tra quy hoạch rừng đã 27 năm. Năm nay tôi 51 tuổi được nghỉ hưu trước tuổi do sức khỏe yếu. Công việc của tôi làm việc ngoài trời (Làm việc trong rừng, thuộc vùng sâu vùng xa, hẻo lánh môi trường có nhiều côn trùng đốt chích) theo bản thân hiểu ngành nghề điều tra quy hoạch rừng tuổi nghỉ hưu đúng là 55 tuổi như vậy là bản thân chỉ bị trừ 8% do nghỉ hưu trước tuổi nhưng thực tế trong quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng tính tuổi nghỉ hưu đúng của bản thân là 60 tuổi nên bị trừ là 18% lý do trong sổ đóng bảo hiểm ghi là cán bộ kỹ thuật điều tra thiết kế rừng và mức đóng bảo hiểm theo thang lương kỹ sư không có hệ số phụ cấp khu vực. Xin luật sư cho biết cơ quan bảo hiểm xã hội tính như vậy có đúng không? Đơn vị tôi công tác đóng bảo hiểm như vậy có đúng không? Muốn điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tôi phải làm gì? Sổ bảo hiểm xã hội có điều chỉnh được không?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định điều kiện hưởng lương hưu.
Đối với trường hợp của bạn, bạn chưa nói rõ trong thời gian công tác được hưởng phụ cấp khu vực hệ số là bao nhiêu và công việc của bạn có được hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định số 1995 NN-TCCB/QĐ ngày 13/8/1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành tạm thời Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không? Tuy nhiên, theo Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐthì công việc điều tra quy hoạch rừng là công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm do đó khi về hưu độ tuổi đối với nam là từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi.
Để đảm bảo quyền lợi cho bạn, bạn nên yêu cầu đơn vị sửa đổi lại ngành nghề bạn làm việc, đồng thời sửa đổi lại trong hồ sơ bảo hiểm xã hội để yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội tính lại lương hưu cho bạn.
Thành phần hồ sơ xin sửa sổ bảo hiểm xã hội bao gồm: Văn bản đề nghị của đơn vị (mẫu D01b-TS); Đơn đề nghị của người tham gia (mẫu D01-TS); Công văn đề nghị điều chỉnh của người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc hoặc nơi quản lý lao động trước khi ngừng việc; Bản sao quyết định hoặc hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc… giấy tờ liên quan đến việc điều chỉnh (kèm theo bản chính để đối chiếu); sổ bảo hiểm xã hội (sổ gốc).
2. Thẩm quyền cho nghỉ hưu với công chức ngành Kiểm toán Nhà nước
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 15 Quyết định 1416/QĐ-KTNN ngày 10/8/2016 Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước.
Trong đó, thẩm quyền cụ thể được quy định như sau:
Tổng Kiểm toán nhà nước:
– Thông báo, ký quyết định nghỉ hưu với công chức lãnh đạo cấp vụ, chuyên viên cao cấp và tương đương.
– Quyết định kéo dài thời hạn công tác theo quy định đối với công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước đến tuổi nghỉ hưu.
Thủ trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực, đơn vị sự nghiệp
– Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước thông báo, ký quyết định nghỉ hưu với lãnh đạo cấp vụ; chuyên viên cao cấp và tương đương thuộc đơn vị quản lý.
– Thông báo, ký quyết định nghỉ hưu với lãnh đạo cấp phòng, chuyên viên chính và tương đương trở xuống thuộc đơn vị quản lý và báo cáo kết quả lên Tổng Kiểm toán nhà nước.
Thủ trưởng đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước thông báo và quyết định nghỉ hưu với công chức thuộc đơn vị quản lý.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thông báo và ký quyết định nghỉ hưu đối với công chức Kiểm toán nhà nước theo quy định.
3. Chế độ hưu trí và mức trừ tỷ lệ khi nghỉ hưu trước tuổi
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi sinh 25/12/1965, là giáo viên. Tôi dạy và đóng bảo hiểm từ tháng 9/1990. Tôi muốn nghỉ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của thủ tướng chính phủ kể từ 25/12/2017. Tôi không biết theo luật bảo hiểm mới hiện nay tôi có bị trừ tỉ lệ nghỉ hưu trước tuổi không? Lương mỗi tháng của tôi được tính như thế nào?
Luật sư tư vấn:
– Căn cứ Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định về chính sách về hưu trước tuổi.
Trường hợp bạn sinh ngày 25/12/1965, tính đến thời điểm hiện tại là tháng 3/2017 thì bạn đủ 51 tuổi, thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 9/1990 thì đến thời điểm hiện tại bạn đã đóng được hơn 26 năm. Do đó bạn đáp ứng đủ hai điều kiện về độ tuổi và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, ngoài hai điều kiện này bạn cần có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì mới được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi.
– Căn cứ Điều 56
Nếu bạn có đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP và nghỉ hưu trong năm 2017 thì mức hưởng lương hưu được tính như sau:
+ Mức hưởng lương hưu hàng tháng đối với 26 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng: 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho 15 năm; 11 năm còn lại mỗi năm được tính thêm 2% đối với nam, tối đa là 75%. Tức nếu bạn là nam thì mỗi tháng được hưởng 67% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
+ Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu đối với nam là 60 tuổi. Bạn nghỉ hưu năm 51 tuổi được hưởng 27 tháng tiền lương.
+ Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương. Trường hợp bạn đóng bảo hiểm 26 năm thì được hưởng 8 tháng tiền lương.
4. Tư vấn điều kiện nghỉ hưu theo chính sách tinh giản biên chế
Tóm tắt câu hỏi:
Ngày 4/2/2017 Kính gởi Công ty Luật Dương Gia, Kính mong Công ty giải đáp giúp tôi 2 câu hỏi: 1. Tôi là nam, sinh tháng 12/1961 đang giảng dạy tại trường đại học công lập, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước với hệ số 3,99. Trường của tôi đang sắp xếp tổ chức để thực hiện tự chủ. Tôi đã đóng bảo hiểm xã hội được 28 năm 8 tháng. Nay tôi muốn xin về hưu sớm. Vậy tôi có thuộc đối tượng áp dụng theo Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP hay không? 2. theo Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP tôi có bị trừ % lương hưu do nghỉ trước tuổi hay không? Tôi có được trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi không? Lương hưu của tôi có được cộng phụ cấp thâm niên nhà giáo hay không? Kính mong Công ty Luật Dương Gia giúp đỡ, trả lời cho tôi. Tôi xin rất cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 6, Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định về Chính sách về hưu trước tuổi.
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, bạn là nam, sinh 12/1961, tính đến thời điểm này là 55 tuổi 8 tháng, hiện đang giảng dạy tại trường đại học, đóng bảo hiểm xã hội được 28 năm 8 tháng trường của bạn đang xếp tổ chức thực hiện tự chủ, nay bạn nếu thuộc trường hợp trong diện nhân sự được sắp xếp cho nghỉ hưu theo Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP và sẽ được hưởng chế độ sau:
+ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 mà không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
+ Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương
+ được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định
Khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định “Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).”
Như vậy, khi nghỉ hưu, lương hưu của bạn sẽ được cộng phụ cấp thâm niên nhà giáo hay không.
5. Trợ cấp một lần đối với cán bộ công tác ở vùng có điều kiện khó khăn khi nghỉ hưu
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là cán bộ xã, công tác ở xã từ năm 1993 (đến năm 2016 là 15 năm công tác ở xã đặc biệt khó khăn). Năm 2016 tôi về hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế và đã được hưởng một khoản trợ cấp nghỉ việc trước tuổi theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và đã được hưởng lương hưu. Xin luật gia cho tôi hỏi: Tôi có được hưởng thêm trợ cấp (Điều 8,
Luật sư tư vấn:
Khoản 1 Điều 8 Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định:
Điều 8. Trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu
1. Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, trợ cấp một lần đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được áp dụng đối với các đối tượng sau khi đang công tác và người đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn sau ngày 01 tháng 3 năm 2011:
+ Cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, kể cả người tập sự, thử việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn;
+ Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật và người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, kể cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong quân đội nhân dân và công an nhân dân;
+ Các đối tượng nêu trên công tác ở các xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.
Vì vậy, theo như những thông tin bạn cũng cấp, bạn là cán bộ xã và đã công tác từ năm 1993 cho đến ngày 01 tháng 3 năm 2011 vẫn đang công tác cho đến năm 2016 mới nghỉ hưu và đến năm 2016 là bạn đã công tác được 15 năm thì bạn được trợ cấp một lần đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Điều 8 Nghị định 116/2010/NĐ-CP.
Mức trợ cấp một lần được quy định như sau: Mỗi năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được trợ cấp bằng 1/2 (một phần hai) tiền lương tháng hiện hưởng, bao gồm: mức lương chức vụ, ngạch, bậc hoặc cấp hàm và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có tại thời điểm chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu.
Thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có tháng lẻ thì được tính như sau:
+ Dưới 03 tháng thì không tính.
+ Từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng thì được tính bằng 1/2 năm công tác.
+ Từ trên 06 tháng đến 12 tháng thì được tính bằng 01 năm công tác.
6. Nâng ngạch không qua thi đối với công chức đã có thông báo nghỉ hưu
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi được tuyển dụng từ năm 1981 đến nay có thông báo nghỉ hưu, lương đang hưởng bậc cuối của ngạch chuyên viên, căn cứ Thông tư 03 năm 2008 thì tôi có được nâng ngạch lương lên chuyên viên chính không?
Luật sư tư vấn:
được tuyển dụng từ năm 1981 đến nay có thông báo nghỉ hưu, lương đang hưởng bậc cuối của ngạch chuyên viên. Trong trường hợp này bạn vẫn có thể được nâng ngạch lên chuyên viên chính theo quy định tại Thông tư 03/2008/TT-BNV. Cụ thể:
Theo quy định tại mục 1.I của Thông tư 03/2008/TT-BNV thì:
“1. Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả cán bộ bầu cử thuộc diện xếp lương theo ngạch công chức) có quá trình cống hiến lâu dài, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã có thông báo nghỉ hưu và đang hưởng bậc lương cuối cùng hoặc đang hưởng bậc lương cuối cùng cộng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch chuyên viên và tương đương (nhóm A1), ngạch chuyên viên chính và tương đương (nhóm A2) theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang….”
Đồng thời, theo quy định của Khoản 2 Mục II Thông tư 03/2008/TT-BNV thì nếu bạn là cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng các điều kiện sau thì được xét nâng ngạch
+ Có cố hiến lâu dài cho sự nghiệp cách mạng, có thời gian công tác liên tục trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, Đảng, đoàn thể và lực lượng vũ trang từ trước ngày 30/4/1975
+ Trong quá trình công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, công vụ được giao, trong thời gian 10 năm cuối trước khi có thông báo nghỉ hưu thì không bị xử lý kỷ luật.
+ Đã có thông báo nghỉ hưu
+ Có trình độ đào tạo tốt nghiệp đại học trở lên đối với ngạch công chức; đối với các ngành viên chức phải đạt trình độ đào tạo quy định tại tiêu chuẩn chức danh ngạch.
+ Đang hưởng bậc lương cuối cùng hoặc đang hưởng bậc lương cuối cùng cộng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch hiện giữ.
Bên cạnh đó, bạn phải không thuộc đối tượng sau:
“3. Đối tượng không áp dụng
a) Việc bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Kiểm toán viên, Giáo sư, Phó Giáo sư và việc xét chuyển loại công chức, viên chức từ loại B, loại C sang loại A (gồm nhóm Ao hoặc A1) và từ loại C sang loại B thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan.
b) Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí.
c) Cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng bậc lương trước thời hạn để nghỉ hưu.”
Như vậy, nếu bạn đáp ứng các điều kiện trên thì bạn sẽ được xét nâng ngạch lên chuyên viên chính mà không qua thi. Và theo mục 1.III thì bạn cần chuẩn bị hồ sơ xét nâng ngạch gồm các giấy tờ sau gửi đến người đứng đầu đơn vị
+ Đơn đề nghị nâng ngạch của cán bộ, công chức, viên chức (trong đó nêu quá trình công tác; những thành tích, cống hiến trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ);
+ Bản nhận xét quá trình công tác của người đứng đầu cơ quan sử dụng trực tiếp cán bộ, công chức, viên chức (có xác nhận không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian 10 năm cuối trước khi có thông báo nghỉ hưu);
+ Công văn đề nghị xét nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (trong đó nêu rõ họ tên, ngày tháng năm sinh của người được đề nghị nâng ngạch; chức vụ, chức danh; cơ quan, đơn vị đang công tác; thời gian bắt đầu tham gia công tác trong các cơ quan tổ chức, đơn vị của nhà nước; ngạch công chức hoặc ngạch viên chức đang giữ; thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc % phụ cấp thâm niên vượt khung hiện hưởng; ngạch, bậc công chức hoặc ngạch, bậc viên chức đề nghị bổ nhiệm và xếp lương);
+ Bản tóm tắt lý lịch, quá trình diễn biến lương và bản chụp Quyết định lương gần nhất.
+ Bản chụp bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học; các văn bằng, chứng chỉ có liên quan; thông báo nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức.
Căn cứ vào hồ sơ đề nghị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có căn bản đề nghị gửi đến cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét.
7. Chế độ cho giáo viên nữ khi nghỉ hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư. Tôi là nữ sinh 03/12/1965 giáo viên vào ngành 10/1989. Lương bậc 9 (4,58) thâm niên 25%. Do sức khỏe tôi dự định xin nghỉ hưu theo Nghị định 108/NĐ-CP vào tháng 10/2018. Đóng 29 năm bảo hiểm. Xin hỏi luật sư tôi được hưởng các chế độ gì và lương hưu hàng tháng của tôi là bao nhiêu?
Luật sư tư vấn:
Bạn có nêu bạn sinh 03/12/1965 thì tính đến tháng 10/2018 bạn được 52 tuổi 10 tháng. Và bạn là giáo viên đóng bảo hiểm xã hội được 29 năm. Trong trường hợp này, bạn muốn nghỉ hưu vào tháng 10/2018 theo diện tinh giản biên chế quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP, bạn phải nằm trong các đối tượng được tinh giản biên chế và phải đáp ứng điều kiện về tuổi và số năm tham gia bảo hiểm xã hội. Cụ thể:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP về đối tượng thuộc trường hợp tinh giản biên chế.
Như vậy, nếu bạn thuộc một trong các trường hợp trên thì bạn sẽ đủ điều kiện nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, nếu bạn muốn nghỉ hưu sớm bạn còn cần phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi quy định tại Khoản 2, Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Theo đó, độ tuổi nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế đối với nam đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi. Còn đối với nữ là đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi. Ở đây, đến tháng 10/2018 bạn 52 tuổi 10 tháng và bạn là nữ thì bạn đủ điều kiện về độ tuổi để về hưu trước tuổi.
Luật sư tư vấn pháp luật về nghỉ hưu theo chính sách tinh giản biên chế: 1900.6568
Khi bạn nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế vào năm 2018, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 29 năm và 52 tuổi 10 tháng thì theo Khoản 2, Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP bạn được hưởng các chế độ sau:
– Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
– Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
– Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương;
– Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
– Chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định như sau: Căn cứ Khoản 2 Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014, kể từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu của lao động nữ đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động nữ được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Do đó, mức hưởng chế độ hưu trí của bạn được tính như sau:
15 năm đầu tham gia bảo hiểm xã hội = 45%.
14 năm tiếp theo được hưởng = 14 x 2% = 28%.
Tổng mức hưởng lương hưu hàng tháng: 45% + 28% = 73%
Như vậy, mức lương hưu hàng tháng của bạn = 73% x mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hộiđược xác định như sau:
– Trường hợp bạn thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:
+ Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
Bạn bắt đầu đóng bảo hiểm tháng 10/1989 thì mức bình quân tiền lương sẽ được tính 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Do bạn chỉ nêu mức lương hiện tại của bạn là lương bậc 9 (4,58) thâm niên 25% nên bạn có thể tham khảo quy định trên để tính mức bình quần tiền lương đóng bảo hiểm.