Điều kiện, mức hưởng, hồ sơ và thủ tục hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp mới nhất năm 2021? Thủ tục giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Cùng với sự phát triển của nền cách mạng công nghiệp, việc có nhiều phát minh mới đã dẫn đến việc ra đời của nhiều ngành nghề khác nhau, nhất trong các lĩnh vực hóa chất, xây dựng, công nghệ điện tử… Điều này làm cho thị trường lao động được mở rộng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề nhưng cũng vì thế mà có nhiều người lao động làm trong các môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm, tiếp xúc với hóa chất, hoặc các yếu tố môi trường độc hại như làm việc chế tạo linh kiện điện tử, trộn hóa chất, làm việc trong lò nung, hầm mỏ,… và vì thế mà việc người lao động bị mắc các bệnh nghề nghiệp cũng trở nên phổ biến hơn.
Trường hợp này, để bù đắp một phần thu nhập, tạo điều kiện cho người lao động an tâm lao động và hỗ trợ họ khi họ bị ốm đau, bệnh tật do bị mắc bệnh nghề nghiệp thì ngoài việc quy định về các chế độ khám sức khỏe, bảo hộ lao động đối với người lao động thông thường thì trong các chế độ của bảo hiểm xã hội có quy định về chế độ bệnh nghề nghiệp.
Vậy chế độ bệnh nghề nghiệp được xác định như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trong phạm vi bài viết này, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật Dương gia sẽ đề cập đến nội dung chế độ bệnh nghề nghiệp: Điều kiện, mức hưởng, hồ sơ và thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.
“Bệnh nghề nghiệp” – theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, được hiểu là những bệnh tật phát sinh do sự tác động của các yếu tố môi trường, tính chất công việc. Còn chế độ bệnh nghề nghiệp (hay còn gọi là chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp) là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội áp dụng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội mà bị bệnh nghề nghiệp. Hiện nay, chế độ bệnh nghề nghiệp được đề cập trực tiếp trong quy định của “Bộ luật lao động năm 2019”,
Thứ nhất, về điều kiện để hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.
Về đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp: Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, thì người lao động được áp dụng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp được xác định là những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 2
Khi người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp thì để họ có thể được hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp, họ cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Người lao động phải bị các bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành.
Hiện nay, danh mục bệnh nghề nghiệp được xác định theo quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BYT, trong đó, một số bệnh được xác định là bệnh nghề nghiệp như: Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp, bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp, bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp, bệnh bụi phổi than nghề nghiệp, bệnh viêm phế quản nghề nghiệp…
- Người lao động do bị bệnh nghề nghiệp mà dẫn đến việc bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.
Việc xác định mức độ suy giảm khả năng lao động của người lao động do bị bệnh nghề nghiệp sẽ được thực hiện thông qua thủ tục giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
Cả hai điều kiện nêu trên là căn cứ để xác định người lao động có được hưởng quyền lợi của bảo hiểm bệnh nghề nghiệp hay không. Nếu thiếu một trong hai điều kiện nêu trên, người lao động sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.
Đặc biệt lưu ý: Đối với trường hợp người lao động đã nghỉ hưu, hoặc đã nghỉ việc, chuyển làm công việc khác, mà không còn làm việc trong các ngành, nghề có nguy cơ gây ra các bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ y tế ban hành nữa nhưng phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của các công việc, nghề cũ trước đây thì trong khoảng thời gian đảm bảo kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển công việc khác, nghỉ việc thì họ được quyền đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp để giải quyết chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp theo quy định.
Thứ hai, mức hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.
Căn cứ theo quy định tại Điều 48, 49 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, Điều 5, 6, 7 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH, khi một người lao động hoàn toàn đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp thì người lao động này sẽ được hưởng tiền trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp mà người lao động được hưởng sẽ được thể hiện dưới hai hình thức: trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng. Việc xác định người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp dưới hình thức nhận trợ cấp một lần hay hàng tháng phụ thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động của người lao động. Cụ thể như sau:
- Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp từ 5% đến 30%.
Trường hợp này, người lao động bị bệnh nghề nghiệp sẽ được nhận trợ cấp một lần. Trong đó, mức trợ cấp một lần mà người lao động nhận được sẽ được tính như sau:
– Suy giảm khả năng lao động 5% thì được tính là 5 lần mức lương cơ sở. Sau đó, cứ thêm 1% được tính thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
– Ngoài mức trợ cấp trên, thì người lao động còn được hưởng thêm một khoản tiền trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, khoản tiền này được tính như sau: nếu đã đóng được 01 năm trở xuống thì tính bằng 0,5 tháng tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tháng liền kề với tháng xác định mắc bệnh nghề nghiệp. Sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ.
Trên cơ sở này, có thể xác định mức tiền trợ cấp một lần mà người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được xác định theo công thức sau:
Mức trợ cấp một lần =mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
= {5 x Lm + (m-5) x 0,5 x Lm} + {0,5 x L + (t-1) x 0,3 x L}
Trong đó:
+ Lm: là mức lương cơ sở tại thời điểm người lao động hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.
+ m: mức suy giảm khả năng lao động do bị bệnh nghề nghiệp của người lao động sau khi giám định. Trong đó, đối với người lao động hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp một lần thì m sẽ được xác định đáp ứng điều kiện là 5 ≤ m ≤ 30.
+ L: tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tháng liền kề với tháng xác định mắc bệnh nghề nghiệp.
+ t: Tổng số năm mà người lao động đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên.
Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp thì thay vì được hưởng trợ cấp một lần, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Theo đó, mức hưởng trợ cấp hàng tháng mà người lao động bị bệnh nghề nghiệp sẽ được xác định như sau:
– Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động với mức 31% thì họ được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở. Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì người lao động sẽ được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
– Ngoài khoản trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động trên, hàng tháng người lao động bị bệnh nghề nghiệp còn được hưởng thêm một khoản tiền trợ cấp tính theo số năm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, khoản tiền trợ cấp này được tính như sau: Thời gian đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 01 năm trở xuống được tính bằng 0,5 % mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng được xác định mắc bệnh nghề nghiệp. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ thì được tính thêm 0,3 %.
Trên cơ sở này, có thể xác định mức tiền trợ cấp một lần mà người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được xác định theo công thức sau:
Mức trợ cấp hằng tháng mà người bị bệnh nghề nghiệp nhận được = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
= {0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin} + {0,05 x L + (t-1) x 0,003 x L}
Trong đó:
– Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.
– m: mức suy giảm khả năng lao động của người lao động do bệnh nghề nghiệp. Trong trường hợp này, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng do bị bệnh nghề nghiệp nên m phải đáp ứng điều kiện: 31 ≤ m ≤ 100.
– L: mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng mà người lao động được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.
– t: tổng số năm mà người lao động đã đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thứ ba, hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.
Về hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp cho người lao động thì:
- Đối với người lao động đang làm việc, đang đóng bảo hiểm xã hội mà đủ điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
Trường hợp này, hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp sẽ được xác định theo quy định tại Điều 58 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Theo đó, hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
– Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp (theo mẫu).
– Sổ bảo hiểm xã hội (bản chính).
– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của người lao động sau khi xác định bị bệnh nghề nghiệp do Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền cấp. Trường hợp người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì không cần phải có biên bản giám định mức độ suy giảm khả năng lao động nhưng phải có Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do rủi ro nghề nghiệp.
– Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án của người lao động sau quá trình điều trị bệnh nghề nghiệp.
- Trường hợp người được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp là người lao động đã nghỉ hưu, hoặc thôi việc hoặc chuyển việc khác, không còn làm việc trong các ngành, nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp nhưng lại phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Trường hợp này, hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp (hay còn gọi là chế độ bệnh nghề nghiệp) của người lao động này sẽ bao gồm các giấy tờ sau:
– Sổ bảo hiểm xã hội (bản chính) nếu người lao động này đang làm công việc khác; hoặc Quyết định hưởng chế độ hưu trí (bản sao) nếu người lao động này đã nghỉ hưu.
– Hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp.
– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của người lao động do Hội đồng Giám định y khoa có thẩm quyền lập.
– Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp (theo mẫu).
Thứ tư, thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.
Về thủ tục giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp, thì tùy thuộc vào đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp là người lao động đang làm việc, đang đóng bảo hiểm xã hội hay là người đã nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công việc khác với công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp cũng được xác định khác nhau. Cụ thể như sau:
- Đối với người lao động đang làm việc, đang đóng bảo hiểm xã hội mà đủ điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
Trường hợp này, để người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động cần thực hiện các thủ tục được quy định tại Điều 47, Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015, theo đó:
– Người lao động sau quá trình khám chữa, bệnh mà phát hiện bệnh nghề nghiệp thì người lao động phải lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp hoặc thông qua người sử dụng lao động để hoàn thiện hồ sơ bệnh nghề nghiệp.
– Sau đó, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm cấp Giấy giới thiệu để người lao động đi khám giám định mức độ suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền.
– Sau khi có kết quả giám định y khoa cho thấy người lao động bị suy giảm khả năng lao động do bị bệnh nghề nghiệp với mức suy giảm từ 5% trở lên thì người lao động lập hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo sự hướng dẫn từ phía người sử dụng lao động và nộp lại cho người sử dụng lao động.
– Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định thì trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ lên cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ từ người sử dụng lao động thì cơ quan bảo hiểm phải có trách nhiệm giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Nếu không giải quyết thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
- Trường hợp người được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp là người lao động đã nghỉ hưu, hoặc thôi việc hoặc chuyển việc khác, không còn làm việc trong các ngành, nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp nhưng lại phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Trường hợp này, thủ tục giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư 26/21017/TT-BLĐTBXH. Cụ thể như sau:
– Người lao động gửi hồ sơ đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp để khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Dù người lao động đã nghỉ hưu, thôi việc hay đã chuyển công việc khác, không còn làm việc trong các ngành, nghề công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thì muốn được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động phải gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp để được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp trong thời gian bảo đảm.
– Sau khi khám mà phát hiện bệnh nghề nghiệp thì đối với đối tượng đã nghỉ hưu, thôi việc, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp sẽ hoàn thiện hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; còn đối với đối tượng đã chuyển việc khác thì hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp sẽ do người lao động hoặc người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc lập trên cơ sở hồ sơ quản lý sức khỏe của người lao động.
– Sau khi hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp đã được hoàn thiện thì người lao động chủ động đi khám giám định mức độ suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp hoặc có văn bản đề nghị đơn vị nơi mình đã hoặc đang làm việc giới thiệu đi khám giám định.
– Sau khi có kết quả giám định mức độ suy giảm khả năng lao động từ Hội đồng y khoa mà mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì gửi hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp đã hoàn thiện đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố để được giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, đối với những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy hại từ môi trường tiềm ẩn nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thì chế độ bệnh nghề nghiệp là một trong những chế độ tiến bộ của bảo hiểm xã hội, đảm bảo cho người lao động được bù đắp một phần nào thiệt hại về sức khỏe khi thực hiện công việc để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động cũng cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Có được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp đối với người lao động đã nghỉ việc không?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa Công Ty Luật Dương Gia! Tôi tên: Trương Văn Thuận. Hiện cư trú tại: Mậu Thân-Ninh kiều-Cần Thơ Tôi có 1 vấn đề cần hỏi Luật Dương Gia như sau: Tôi có 1 người em bà con, trước đây làm cho 1 công ty Trung Quốc ở khu công nghiệp Trà Nóc-Cần Thơ. Công việc chính làm bên bộ phận cắt chỉ (hàng may mặc); Làm được khoảng 4 năm, thời gian gần đây thấy trong người không được khỏe, thường hay bị bệnh nên xin ghỉ việc. Ghỉ gần 2 tháng thì đổ bệnh: Hiện tại nằm viện ở bệnh viện lao Phổi, bác sĩ chuẩn đoán là bị bệnh lao phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não, và tai biến mạch máu não. Hiện hoàn cảnh hết sức khó khăn, cha mẹ thì làm thuê mướn, không có khả năng chi trả tiền viện phí, phải vay mượn khắp nơi. Vậy cho tôi hỏi: trong trường hợp này trách nhiệm của Công Ty trước đây mà em tôi làm có không? tại vì trước giờ nó chỉ làm duy nhất ở Công ty May mặc này; Môi trường thì độc hại, nên mới ảnh hưởng đến sức khỏe. Mới nghĩ việc 2 tháng thì đổ bệnh. Vậy Công ty này Còn trách nhiệm với người lao động đã nghĩ việc không ạ. Rất mong được tư vấn, hướng dẫn từ Công Ty Luật Đương Gia. Mọi hướng dẫn xin gửi mail: [email protected] Trân trọng kính chào!?
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 143 “Bộ luật lao động năm 2019” quy định về bệnh nghề nghiệp như sau:
“1. Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.
Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
2. Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo, khám sức khoẻ định kỳ, có hồ sơ sức khỏe riêng biệt”.
Theo như thông tin anh cho biết, người em của anh được bác sĩ chuẩn đoán bị bệnh lao phổi. Bệnh lao là căn bệnh được quy định tại nhóm V (Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp) theo quy định tại Thông tư liên bộ 29/TT-LB ngày 25 tháng 12 năm 1991 của Bộ y tế, Bộ Lao Động – Thương Binh và xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về bổ sung một số bệnh nghề nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 về điều kiện hưởng chế độ bệnh nghệ nghiệp như sau:
“2. Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ”.
Tại Điều 6 Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định như sau:
Điều 6. Giám định cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp
Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật an toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:
1. Đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định này mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên trong Khoảng thời gian bảo đảm kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp.
2. Người bị bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều này được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hỗ trợ kinh phí khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương IV Nghị định này.
3. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp đối với người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển việc khác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang làm việc hoặc bản sao quyết định hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động đã nghỉ hưu;
b) Hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp;
c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa;
d) Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.
4. Trình tự, hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp một lần hoặc hằng tháng theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
5. Thời gian bảo đảm đối với từng bệnh nghề nghiệp và trình tự, hồ sơ khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với người lao động theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tại mục V Phụ lục của Thông tư liên bộ số 08/TTLB của Bộ thương binh và xã hội – Bộ y tế – Tổng công đoàn lao động Việt Nam ngày 19 tháng 5 năm 1976 có quy định về thời gian bảo đảm của các bệnh về phổi, suy giảm chức năng hô hấp. Theo đó thì thời gian bảo đảm của bệnh nghề nghiệp này là 5 năm. Như anh cho biết thì người em của anh tính từ khi nghỉ việc đến khi đổ bệnh mới chỉ được 2 tháng nên vẫn trong thời gian bảo đảm nên trong trường hợp này người em của anh vẫn được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp của bảo hiểm xã hội.
Về hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thì anh chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 37/2016/NĐ-CP bao gồm:
– Sổ bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang làm việc hoặc bản sao quyết định hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động đã nghỉ hưu;
– Hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp;
– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa;
– Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.
2. Các cơ sở đủ điều kiện để khám bệnh nghề nghiệp
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi khám bệnh nghề nghiệp thì bệnh viện đa khoa tuyến huyện có đủ điều kiệm khám không ạ. Và nếu không thì bên nào đủ diều kiện khám bênh nghề nghiệp? Xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện khám sức khỏe được quy định tại Chương III Thông tư 14/2013/TT-BYT do Bộ trưởng Bộ y tế ban hành về hướng dẫn khám sức khỏe như sau:
“Điều 9. Điều kiện về nhân s
1. Người thực hiện khám lâm sàng, cận lâm sàng phải có chứng chỉ hành nghề KBCB theo quy định của Luật KBCB phù hợp với chuyên khoa mà người đó được giao trách nhiệm khám. Trường hợp người thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng mà pháp luật không quy định phải có chứng chỉ hành nghề KBCB thì phải có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc được phân công.
2. Người kết luận phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề KBCB và có thời gian KBCB ít nhất là 54 (năm mươi tư) tháng;
b) Được người có thẩm quyền của cơ sở KSK phân công thực hiện việc kết luận sức khỏe, ký Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ. Việc phân công phải được thực hiện bằng văn bản và đóng dấu hợp pháp của cơ sở KBCB.
3. Đối với cơ sở KSK cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người Việt Nam đi lao động theo hợp đồng ở nước ngoài, học tập ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là cơ sở KSK có yếu tố nước ngoài), ngoài việc đáp ứng các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:
a) Người thực hiện khám lâm sàng, người kết luận phải là bác sỹ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sỹ y khoa trở lên;
b) Khi người được KSK và người KSK không cùng thành thạo một thứ tiếng thì phải có người phiên dịch. Người phiên dịch phải có giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch trong KBCB theo quy định của Luật KBCB.
Điều 10. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị
1. Có phòng khám lâm sàng, cận lâm sàng từng chuyên khoa theo quy định của Bộ Y tế phù hợp với nội dung KSK.
2. Có đủ cơ sở vật chất và thiết bị y tế thiết yếu theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 11. Điều kiện và phạm vi hoạt động chuyên môn
1. Điều kiện đối với cơ sở KSK không có yếu tố nước ngoài: Thực hiện được các kỹ thuật chuyên môn phù hợp với nội dung ghi trong Giấy KSK quy định tại các Phụ lục 1, 2, 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Điều kiện đối với cơ sở KSK có yếu tố nước ngoài, ngoài việc đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều này, phải thực hiện được các kỹ thuật cận lâm sàng sau:
a) Xét nghiệm máu: Công thức máu, nhóm máu ABO, nhóm máu Rh, tốc độ máu lắng, tỷ lệ huyết sắc tố, u rê máu;
b) Tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu;
c) Xét nghiệm viêm gan A, B, C, E;
d) Xét nghiệm huyết thanh giang mai;
đ) Xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm HIV (HIV dương tính);
e) Thử phản ứng Mantoux;
g) Thử thai;
h) Xét nghiệm ma tuý;
i) Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng;
k) Điện tâm đồ;
l) Điện não đồ;
m) Siêu âm;
n) Xét nghiệm chẩn đoán bệnh phong.
Trường hợp cơ sở KSK có yếu tố nước ngoài chưa đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật quy định tại điểm đ và điểm n Khoản 2 Điều này thì phải ký hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với cơ sở KBCB có giấy phép hoạt động và được phép thực hiện các kỹ thuật đó.
3. Phạm vi chuyên môn:
a) Cơ sở KBCB đủ điều kiện quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 9, Điều 10 và Khoản 1 Điều 11 của Thông tư này được tổ chức KSK nhưng không được KSK có yếu tố nước ngoài.
b) Cơ sở KBCB đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 9, Điều 10 và Khoản 2 Điều 11 Thông tư này được tổ chức KSK bao gồm cả việc KSK có yếu tố nước ngoài.
Điều 12. Hồ sơ, thủ tục công bố thực hiện việc khám sức khỏe
1. Hồ sơ công bố đủ điều kiện thực hiện KSK:
a) Văn bản công bố đủ điều kiện thực hiện KSK theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao có chứng thực Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở;
c) Danh sách người tham gia KSK theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này (được đóng dấu trên từng trang hoặc đóng dấu giáp lai tất cả các trang);
d) Bản danh mục cơ sở vật chất và thiết bị y tế quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Báo cáo về phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở KSK;
e) Bản sao có chứng thực hợp đồng hỗ trợ chuyên môn đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư này (nếu có).
2. Thủ tục công bố thực hiện việc khám sức khỏe:
Trước khi tổ chức KSK lần đầu, cơ sở KBCB phải gửi hồ sơ công bố KSK theo quy định tại Khoản 1 Điều này đến cơ quan quản lý nhà nước về y tế, cụ thể như sau:
a) Đối với cơ sở KBCB trực thuộc Bộ Y tế: Hồ sơ gửi về Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế;
b) Đối với cơ sở KBCB thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng thì hồ sơ gửi về Cục Quân Y – Bộ Quốc phòng; cơ sở KBCB thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an thì hồ sơ gửi về Cục Y tế – Bộ Công an; cơ sở KBCB thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải hồ sơ gửi về Cục Y tế Giao thông vận tải – Bộ Giao thông vận tải;
c) Đối với cơ sở KBCB thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế); cơ sở KBCB có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các cơ sở KBCB quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều này): Hồ sơ gửi về Sở Y tế nơi cơ sở KBCB đặt trụ sở.
Điều 13. Thời gian, trình tự giải quyết hồ sơ công bố đủ điều kiện khám sức khỏe
1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố đủ điều kiện KSK, cơ quan quản lý nhà nước về y tế quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư này (sau đây gọi tắt là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) gửi cho cơ sở KBCB công bố đủ điều kiện KSK (sau đây gọi tắt là cơ sở công bố đủ điều kiện) Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành thẩm định hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho cơ sở công bố đủ điều kiện để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể tài liệu phải bổ sung và các nội dung phải sửa đổi. Cơ sở công bố đủ điều kiện chỉ phải bổ sung, sửa đổi theo nội dung của văn bản thông báo. Khi nhận được văn bản thông báo hồ sơ chưa hợp lệ, cơ sở công bố đủ điều kiện phải hoàn thiện và gửi hồ sơ bổ sung về cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải gửi cho cơ sở công bố đủ điều kiện Phiếu tiếp nhận hồ sơ bổ sung. Trường hợp cơ sở công bố đủ điều kiện đã bổ sung hồ sơ nhưng không đúng với yêu cầu thì phải tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ theo thủ tục quy định tại Khoản này cho đến khi hồ sơ đạt yêu cầu.
3. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ đối với hồ sơ hợp lệ hoặc kể từ ngày ghi trên phần tiếp nhận hồ sơ bổ sung đối với hồ sơ chưa hợp lệ, nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không có văn bản trả lời thì cơ sở công bố đủ điều kiện KSK được triển khai hoạt động KSK theo đúng phạm vi chuyên môn đã công bố.”
Và theo căn cứ tại tại Điều 24 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định như sau:
“Điều 24. Trách nhiệm của Sở Y tế
1. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thực hiện công tác khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và tự tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp thuộc phạm vi được giao quản lý.
2. Công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế đồng thời gửi Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) danh sách các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp đã được cấp phép hoạt động trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày cấp phép hoạt động.
3. Thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất hoạt động của các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp đã được cấp phép hoạt động.
4. Tổng hợp và gửi báo cáo tổng hợp tình hình bệnh nghề nghiệp trong tỉnh và trong ngành về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế), báo cáo gửi trước ngày 15 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 15 tháng 01 năm sau đối với báo cáo cả năm theo quy định tại Phụ lục 9 và Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 25. Trách nhiệm của Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế
“1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ phát hiện bệnh nghề nghiệp, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và điều tra bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp bao gồm các nội dung sau:
a) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác khám bệnh nghề nghiệp;
b) Các yếu tố có hại trong môi trường lao động;
c) Số cơ sở lao động có người lao động mắc bệnh nghề nghiệp;
d) Số người lao động mắc bệnh nghề nghiệp;
đ) Tình hình bệnh nghề nghiệp;
e) Tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.
3. Công bố các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp đã được cấp phép hoạt động trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
4. Chỉ đạo các Viện thuộc hệ Y tế dự phòng và các trường Đại học Y, Dược xây dựng nội dung, tổ chức đào tạo về bệnh nghề nghiệp.
5. Phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư này và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp.”
Như vậy nếu có nhu cầu khám bệnh nghề nghiệp bạn có thể lên cổng thông tin điện tử của Sở y tế nơi bạn làm việc để tìm hiểu xem cơ sở nào được phép khám bệnh nghề nghiệp. Nếu bệnh viện đa khoa tuyến huyện nằm trong danh sách được khám bệnh nghề nghiệp thì bạn có thể khám ở đó, nếu không thì bạn sẽ phải tìm cơ sở khám bệnh nghề nghiệp đã được Sở y tế hoặc Bộ y tế cấp phép để được khám bệnh nghề nghiệp.
3. Trách nhiệm người sử dụng lao động khi người lao động bị bệnh nghề nghiệp?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luât sư! Luật sư cho em hỏi: em đã làm viêc lưu thông chất thải của môt xưởng gỗ được 3 năm rưỡu bây giờ em bị bệnh phải xin nghỉ và nhập viện,công ty nơi em làm việc chưa có giúp đỡ gì hết. Vậy em phải làm thế nào ạ? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Trường hợp của bạn, bạn không nói rõ bạn vào viện vì lý do gì. Do bệnh nghề nghiệp hay bệnh thông thường. Do đó, chia làm các trường hợp sau:
+ Bệnh nghề nghiệp:
Căn cứ khoản 1 Điều 143 “Bộ luật lao động 2019” bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.
Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
Căn cứ Điều 144 “Bộ luật lao động 2019” xác định trách nhiệm người sử dụng lao động khi người lao động bị bệnh nghề nghiệp như sau:
– Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
– Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
– Bồi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp:
Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
+ Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức nêu trên. .
Như vậy, nếu xác định bạn bị bệnh nghề nghiệp thì bạn được hưởng quyền lợi nêu trên. Bạn có quyền yêu cầu người sử dụng lao động chi trả những khoản tiền nêu trên. Nếu người sử dụng lao động không chi trả thì bạn có quyền khiếu nại đến phòng Lao động thương binh và xã hội để phòng lao động thương binh và xã hội giải quyết cho bạn.
Trường hợp bạn bị bệnh thông thường:
Nếu như bạn bị bệnh thông thường và có xác nhận của bệnh viện thì người sử dụng lao động có trách nhiệm:
+ Tạo điều kiện giải quyết thủ tục, hồ sơ cho người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;
+ Thanh toán tiền lương cho những ngày người lao động nghỉ để hưởng chế độ theo quy định bảo hiểm xã hội;
+ Trách nhiệm khác được quy định nội quy lao động;
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Và bạn có quyền sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để thực hiện việc khám chữa bệnh.
Nếu bạn không được đóng bảo hiểm thì bạn có quyền khiếu nại đến phòng Lao động thương binh và xã hội để giải quyết cho bạn.