BLHS Trung Quốc quy định phòng vệ chính đáng gói gọn trong một điều luật, nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Hành vi phòng vệ chính đáng là một hành vi không phải chịu trách nhiệm hình sự mặc dù nó đã gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội.
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa:
Trung Quốc, tên đầy đủ là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là một trong những quốc gia lớn nhất trên thế giới, dân số đáng số một thế giới với hơn 1 tỉ 200 triệu người, kinh tế đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Đồng thời, hệ thống pháp luật của Trung Quốc cũng phát triển rất mạnh để phù hợp với tình hình phát triển của kinh tế – xã hội. Luật hình sự của Trung Quốc cũng được xem là một trong những BLHS mang tính ổn định cao, được nhiều quốc gia học hỏi trong quá trình lập pháp.
BLHS nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được Quốc hội Trung Quốc (Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc) khóa 5, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 01 tháng 07 năm 1979 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1980. BLHS Trung Hoa 1979 bao gồm 2 phần, Phần chung và Phần các tội phạm. BLHS 1979 thể hiện rõ nét chính sách hình sự trong giai đoạn này. Đó là, việc quy định nhiệm vụ của BLHS trước tiên là nhằm trừng trị những người phạm tội phản cách mạng và tội hình sự để bảo vệ chế độ chuyên chính vô sản, bảo vệ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể xã hội chủ nghĩa, sau đó mới đến bảo vệ các quyền sở hữu hợp pháp của công dân, bảo vệ các quyền cá nhân, quyền dân chủ và các quyền lợi khác của công dân, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ an toàn trong sản xuất, nghiên cứu, giáo dục và đời sống của nhân dân. Mục đích cuối cùng của BLHS Trung Hoa được khẳng định là để đảm bảo tiến hành thắng lợi sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đến năm 1997, cụ thể là tới tháng 03 năm 1997, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, tại kỳ họp thứ 5, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa khóa 8 đã thảo luận để sửa đổi BLHS nói trên, bản sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/10/1997. Những cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi được các nhà làm luật đề cập đến bao gồm:
– BLHS Trung Quốc năm 1979 quy định về một số tội phạm chưa cụ thể, còn nhiều lỗ hổng làm cho việc vận dụng còn mang tính tùy tiện, đặc biệt đối với các tội phạm về chức vụ, quyền hạn, tội lưu manh và tội đầu cơ. Để việc áp dụng pháp luật được chặt chẽ và thống nhất, các quy định cần cụ thể và chính xác.
– Một số tội phạm trước kia chưa phổ biến hoặc không được coi là tội phạm nghiêm trọng, nhưng hiện nay đã phát triển tới mức nghiêm trọng như tội buôn lậu, tội sản xuất chất độc... Đối với những loại tội phạm này, cần sửa đổi để tăng mức | hình phạt.
– Sự phát triển của đời sống chính trị, kinh tế của Trung Quốc đã làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, phát sinh các loại tội phạm mới. Để đáp ứng yêu cầu thực tế trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách có hiệu quả, việc sửa đổi, bổ sung những quy định mới, những tội danh mới vào BLHS là điều tất yếu.
2. Chế định phòng vệ chính đáng theo pháp luật nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa:
Sau lần sửa đổi này, BLHS Trung Hoa vẫn giữ nguyên bố cục 2 phần là phần chung và phần các tội phạm, tuy nhiên rất nhiều điều luật đã được bổ sung và hoàn thiện, trong đó có các quy định về chế định phòng vệ chính đáng. Sau này, BLHS Trung Quốc tiếp tục sửa đổi vào năm 2005, nhưng chế định phòng vệ chính đáng vẫn được giữ nguyên. Chế định phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 20. Chương II, trong mục 1 “Tội phạm và BLHS Trung Quốc hiện hành, có nội dung cụ thể như sau:
Điều 20: Trách nhiệm hình sự không được đặt ra đối với hành vi phòng vệ chính đáng được thực hiện nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm trái phép đến lợi ích của nhà nước, xã hội, các quyền nhân thân, tài sản và các quyền khác của mình hoặc của người khác, gây thiệt hại cho người có hành vi xâm hại bất hợp pháp, thì không phải chịu TNHS. Người có hành vi phòng vệ chính đáng rõ ràng vượt qua giới hạn cần thiết và gây thiệt hại lớn thì phải chịu TNHS, nhưng cần được giảm nhẹ, áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn hoặc được miễn hình phạt. Người có hành vi phòng vệ đối với tội phạm đang hành hung, giết người, cướp của, hiếp dâm, bắt cóc hoặc các tội bạo lực khác, gây thương tích hoặc làm chết người phạm tội, không thuộc trường hợp vượt qua giới hạn phòng vệ, không phải chịu TNHS.
Không giống như BLHS Canada, BLHS Trung Quốc quy định phòng vệ chính đáng gói gọn trong một điều luật, nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Trước hết, với BLHS Trung Quốc, hành vi phòng vệ chính đáng là một hành vi không phải chịu trách nhiệm hình sự mặc dù nó đã gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội.
Đối với BLHS Trung Quốc, nhà làm luật xác định rõ ràng tính chất của hành vi tấn công. Hành vi tấn công hay hành vi xâm phạm không bắt buộc phải là một hành vi phạm tội, không cần phải là một hành vi được quy định trong BLHS Trung Quốc mà chỉ cần là một hành vi trái pháp luật. Hành vi phạm tội chắc chắn là một hành vi trái pháp luật, nhưng hành vi trái pháp luật chưa chắc đã là một hành vi phạm tội. Nội hàm của hành vi trái pháp luật” rộng hơn nhiều so với nội hàm của hành vi phạm tội”. Hành vi trái pháp luật không những là hành vi phạm tội mà còn là những hành vi vi phạm pháp luật khác, như pháp luật dân sự, hành chính. Việc quy định như vậy đã xác định cơ sở đầu tiên cho hành vi phòng vệ chính đáng, đó là phải có trước đó một hoặc nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này phải là hành vi xâm phạm tới lợi ích của nhà nước, xã hội, các quyền nhân thân, tài sản và các quyền khác của cá nhân người phòng vệ. Qua quy định này các nội dung để khẳng định hành vi phòng vệ là hợp pháp, cần thiết và có ích cho xã hội được xác định rõ.
Khi quy định những lợi ích cần bảo vệ trước sự tấn công trái pháp luật, lợi ích xã hội được đặt ra đầu tiên. Xét thấy Trung Quốc là một trong số ít những quốc gia vẫn đang trong quá trình quá độ lên xã hội chủ nghĩa, do đó tính tập thể, tính Nhà nước được đề cao hơn tất cả. Mặc dù Việt Nam cũng đang trong quá trình quá độ lên xã hội chủ nghĩa, nhưng vì một số lý do và quan điểm khác nhau, Việt Nam đề cao quyền của cá nhân hơn quyền của tập thể. Qua đó thể hiện tinh thần xuyên suốt của BLHS Trung Quốc, đó là đề cao thiệt hại đối với xã hội, với Nhà nước cao hơn thiệt hại đối với cá nhân, điều này sẽ ảnh hưởng tới việc quy định mức độ hình phạt trong từng tội cụ thể.
Điều luật quy định về phòng vệ chính đáng trong BLHS Trung Quốc khẳng định rõ hành vi phòng vệ chính đáng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra khi hành vi phòng vệ chính đáng vượt quá giới hạn cần thiết được xác định căn cứ vào các tình tiết thực tế của vụ án. Trong trường hợp đặc biệt, người có hành vi phòng vệ chính đáng vượt quá giới hạn cần thiết có thể được hưởng hình phạt dưới mức tối thiểu hoặc được miễn hình phạt.
Nhận thấy việc áp dụng quy định về phòng vệ chính đáng trong thực tế không được áp dụng chính xác theo ý chí của nhà làm luật, Các cơ quan thực hiện quyền tư pháp Trung Quốc đã làm rõ một số tình huống mà các hành động có thể được coi là hành động tự vệ chính đáng trong văn bản mới ban hành. Theo đó, ngày 28/08/2020, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an Trung Quốc vừa ban hành văn bản hướng dẫn làm rõ các trường hợp được coi là phòng vệ chính đáng. Việc ban hành hướng dẫn về phòng vệ chính đáng diễn ra khi ngày càng nhiều người lo ngại về vấn đề quyền tự vệ của mình ở Trung Quốc. Thực tiễn gần đây, Trung Quốc có nhiều vụ án nghiêm trọng về phòng vệ chính đáng khiến các nhà làm luật phải ngay lập tức sau nhiều năm ban hành ra một văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Ví dụ, năm 2017, Vu Hoan, 22 tuổi, bị tòa án tỉnh Sơn Đông kết tội Cố ý gây thương tích, lãnh án chung thân do đâm chết một người và làm bị thương ba người khác. Trước khi bị đâm, bốn nạn nhân tới văn phòng của mẹ Hoan để đòi nợ. Hoan cũng có mặt nhưng bị khống chế và phải chứng kiến cảnh đám người kia làm nhục mẹ mình, thậm chí còn gợi ý bà bán dâm trả nợ. Một lúc sau, cảnh sát tới nhưng chỉ cảnh cáo miệng đám người đòi nợ rồi rời đi. Quá tức giận, Hoan cầm dao gây án. Khi vụ án được truyền thông đưa tin ngày càng nhiều, luật sư của Hoan kháng cáo với căn cứ phòng vệ chính đáng. Bản án chung thân sau đó bị hủy và đổi thành 5 năm tù. Theo tòa án, hành động của Hoan có mục đích tự vệ những vượt quá giới hạn [68].
Hướng dẫn này nhằm mục đích để áp dụng chính xác hệ thống phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật Trung Quốc, bảo vệ quyền phòng vệ chính đáng của công dân, khuyến khích lòng dũng cảm không ngần ngại thực hiện những điều đúng đắn, thúc đẩy công bằng xã hội và lồng ghép các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa vào công tác tư pháp hình sự, phù hợp với các quy định có liên quan của Luật Hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Luật Tố tụng Hình sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là bản hướng dẫn áp dụng đầu tiên của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến phòng vệ chính đáng. Jiang Qibo, giám đốc văn phòng nghiên cứu của tòa án hàng đầu, cho biết hướng dẫn này sẽ giúp các cơ quan thực hiện quyền tư pháp sẵn sàng thừa nhận quyền tự vệ chính đáng hơn, làm cho quy định pháp lý trở nên thực tế hơn và cho phép áp dụng chính xác hơn. “Chúng tôi nhận thấy rằng một số nhân viên tư pháp đã làm mờ ranh giới giữa đúng và sai, ủng hộ những người bị thương tật hoặc tử vong thay vì đứng về phía công lý. Nó không đáp ứng tinh thần của pháp quyền và cần được sửa chữa“. Ông cho biết các tiêu chuẩn để coi là một hành động tự vệ chính đáng theo Luật Hình sự trước đây quá mơ hồ, vì vậy nhiều cơ quan thực hiện quyền tư pháp hiếm khi bận tâm đến việc áp dụng các quy định pháp luật.
Lao Dongyan, phó giám đốc văn phòng nghiên cứu chính sách và luật của viện kiểm sát hàng đầu, cho biết hướng dẫn này sẽ cho phép dễ dàng xác định quyền tự vệ chính đáng hơn, đồng thời cho biết thêm rằng các công tố viên trên toàn quốc cũng đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về những vụ việc như vậy trong những năm gần đây. Thống kê từ cơ quan công tố hàng đầu cho thấy các công tố viên trên toàn quốc đã quyết định không bắt giam 187 người vào năm ngoái sau khi xem xét bằng chứng và xác định quyền tự vệ chính đáng trong các vụ án, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm ngoái. “Điều chúng tôi nhấn mạnh là công lý không thể cúi đầu hoặc nhượng bộ trước các cuộc tấn công bất hợp pháp“, ông Lao cho biết.
Theo đó, hướng dẫn Số 31 năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an Trung Quốc phối hợp ban hành Hướng dẫn về việc áp dụng hệ thống phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật bao gồm 2 phần chính là phần chung và phần áp dụng cụ thể các trường hợp phòng vệ chính đáng. Phần chung đi vào các quy định chung, tinh thần pháp luật và những hướng dẫn cơ bản về phòng vệ chính đáng. Phần áp dụng cụ thể các trường hợp phòng vệ chính đáng đi sâu vào hướng dẫn những căn cứ xác định các hành vi là phòng vệ chính đáng, phân tích cụ thể từng căn cứ và yêu cầu áp dụng. Ngoài ra, Bản hướng dẫn còn bổ sung thêm các phần phụ về các trường hợp phòng vệ quá mức và trường hợp áp dụng phòng thủ đặc biệt nhằm làm rõ giới hạn của phòng vệ chính đáng trong những tình huống cụ thể [69].
Trước tiên, phần chung của bản hướng dẫn yêu cầu Thẩm phán phải căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ án mà xác định chính xác hành vi phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật. Cần căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của người phòng vệ, xem xét toàn diện lịch sử, quá khứ, nguyên nhân của vụ việc, kết hợp với việc đánh gía các phản ứng có thể có của một người bình thường trong các tình huống tương tự, nắm bắt chính xác thời điểm và thời hạn phòng vệ theo quy định của pháp luật. Cần phải xem xét đầy đủ tính khẩn trương và cấp bách của người phòng vệ khi đối mặt với hành vi xâm phạm trái pháp luật, và những yếu tố ảnh hưởng tới người phòng vệ như yếu tố bình tĩnh, lý trí, khách quan và chính xác. Khi xem xét một hành vi, cần tuân thủ sự thống nhất của pháp luật, hợp lý và hợp tình, duy trì sự công bằng và công lý. Khi xác định có cấu thành phòng vệ chính đáng hay không, phòng vệ quá mức và khi xác định hình phạt đối với hành vi phòng vệ quá mức cần chú ý tìm hiểu rõ nguyên nhân, phân biệt đúng sai, bảo đảm vụ án được xử lý đúng pháp luật, có căn cứ, hợp hoàn cảnh, hợp lòng dân. Các nhà làm luật Trung Quốc cho rằng cần nắm bắt chính xác các ranh giới xác định phòng vệ chính đáng và ngăn chặn việc xác định không chính xác các hành vi liên quan đến phòng vệ chính đáng của các cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm nhân danh phòng vệ chính đáng, cần tránh xác định đó là phòng vệ chính đáng hoặc phòng vệ quá mức. Mặc dù có tính chất phòng vệ, nhưng hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn cần thiết và gây thiệt hại đáng kể thì được coi là phòng vệ quá mức theo quy định của pháp luật.
Phần áp dụng cụ thể của phòng vệ chính đáng được xây dựng dựa trên quy định tại Khoản 1 Điều 20 BLHS Trung Quốc:
Trách nhiệm hình sự không được đặt ra đối với hành vi phòng vệ chính đáng được thực hiện nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm trái phép đến lợi ích của nhà nước, xã hội, các quyền nhân thân, tài sản và các quyền khác của mình hoặc của người khác, gây thiệt hại cho người có hành vi xâm hại bất hợp pháp, thì không phải chịu TNHS.
Qua tinh thần của điều luật, các cơ quan thực hiện quyền tư pháp đã giải thích rõ ràng hơn, cụ thể hơn.
Bản hướng dẫn yêu cầu các cơ quan chức năng phải nắm bắt chính xác nguyên nhân và điều kiện của phòng vệ chính đáng. Đây là phần quan trọng và thiết thực nhất của Bản hướng dẫn, bao gồm những điều kiện như sau.
Thứ nhất, điều kiện tiên quyết để có hành vi phòng vệ chính đáng là có sự tồn tại của hành vi xâm phạm bất hợp pháp. Các hành vi xâm phạm bất hợp pháp bao gồm các hành vi vi phạm các quyền về tính mạng và sức khoẻ, cũng như các hành vi vi phạm các quyền tự do cá nhân, tài sản công và tư, vv ..., bao gồm các hành vi phạm tội cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác. Các hành vi trái pháp luật trong trường hợp này không nên chỉ được hiểu và giới hạn ở các hành vi bạo lực và hành vi phạm tội. Hành vi phòng vệ chính đáng có thể là các hành vi xâm phạm trái pháp luật như hạn chế quyền tự do cá nhân của người khác một cách bất hợp pháp, xâm nhập bất hợp pháp vào nơi ở của người khác, vv. Các hành vi vi phạm pháp luật bao gồm những hành vi vi phạm pháp luật chống lại chính bản thân người phòng vệ, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại/chống lại nhà nước, lợi ích công cộng, hoặc chống lại người khác. Ngoài ra, khi trẻ vị thành niên có những hành vi vi phạm pháp luật với những trẻ vị thành niên khác, người lớn có nghĩa vụ phải thuyết phục và ngăn chặn hành vi đó. Nếu việc thuyết phục và ngăn chặn không có hiệu quả, họ có thể sử dụng vũ lực để phòng vệ chính đáng nhằm bảo vệ cho người bị xâm phạm.
Thứ hai, khi xác định hành vi phòng vệ chính đáng cần nắm bắt chính xác điều kiện về thời gian của hành vi phòng vệ chính đáng. Phòng vệ chính đáng phải là hành vi chống lại hành vi xâm phạm bất hợp pháp đang diễn ra. Trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật đã trở thành mối nguy hiểm thực sự và sắp xảy ra thì hành vi vi phạm pháp luật đó được coi là đã bắt đầu. Trường hợp đối với hành vi vi phạm trái pháp luật mặc dù tạm thời bị gián đoạn hoặc tạm thời dừng lại, nhưng hành vi vi phạm pháp luật vẫn có khả năng tiếp tục được thực hiện trên thực tế thì hành vi đó vẫn sẽ bị coi là trái pháp luật. Trong trường hợp phạm tội về tài sản, mặc dù người xâm phạm trái pháp luật đã lấy được tài sản rồi nhưng chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản vẫn có thể thu hồi được tài sản bằng cách truy đuổi, ngăn chặn và các biện pháp khác thì coi như vẫn còn hành vi xâm phạm trái pháp luật, tức là hành vi xâm phạm chưa kết thúc. Nếu hành vi vi phạm đã được người vi phạm từ bỏ thực hiện, thì hành vi vi phạm pháp luật đã kết thúc. Về việc xác định hành vi xâm phạm trái pháp luật đã bắt đầu hay đã kết thúc thì người phòng vệ cần căn cứ vào tình huống mà người phòng vệ đang trải qua và theo nhận thức chung của cộng đồng để đưa ra quyết định hợp lý căn cứ theo quy định của pháp luật, không nên đưa ra những quyết định cảm tính. Nếu người phòng vệ hiểu sai về thời điểm hành vi vi phạm pháp luật bắt đầu hay kết thúc do hoảng sợ, căng thẳng ... thì sẽ bị xử lý đúng theo nguyên tắc thống nhất giữa chủ quan và khách quan.
Thứ ba, các cơ quan thực hiện quyền tư pháp cần nắm bắt chính xác điều kiện về mục tiêu của phòng vệ chính đáng. Phòng vệ chính đáng phải được thực hiện đối với những người có hành vi phạm pháp. Trong trường hợp có nhiều người cùng thực hiện hành vi xâm phạm trái pháp luật, thì người phòng vệ có thể thực hiện hành vi chống lại những người trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm trái pháp luật hoặc chống lại những người cùng thực hiện hành vi xâm phạm trái pháp luật tại hiện trường. Trong trường hợp người phòng vệ biết người phạm tội không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc năng lực trách nhiệm hình sự bị hạn chế thì phải sử dụng các biện pháp khác để tránh hoặc ngăn chặn hành vi xâm phạm; nếu không có biện pháp nào khác để tránh hoặc ngăn chặn hành vi xâm phạm trái pháp luật hoặc hành vi xâm phạm trái pháp luật gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an toàn cá nhân thì có thể chống trả bằng vũ lực. Cần lưu ý trong trường hợp này người phòng vệ cần phải nhận thức được hoặc buộc phải nhận thức được rằng người tấn công mình không có hoặc bị hạn chế năng lực hành vi hình sự. Trong một số trường hợp hành vi tấn công diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ nên người phòng vệ không kịp nhận thức về ý chí của người tấn công mà chống trả lại thì vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Thứ tư, Bản hướng dẫn yêu cầu nắm bắt chính xác điều kiện về mục đích của hành vi phòng vệ chính đáng. Phòng vệ chính đáng phải là bảo vệ nhà nước, lợi ích công cộng, cá nhân, tài sản và các quyền khác của bản thân hoặc người khác khỏi bị xâm phạm trái pháp luật. Hành vi phòng vệ theo luật hình sự Trung Quốc phải bắt nguồn từ mục đích tự vệ, không giống như là người giành chiến thắng trong cuộc ẩu đả. Đối với các hành vi khiêu khích, cố ý sử dụng lời lẽ xúc phạm, hành vi kích động để bên kia tấn công, xâm phạm mình rồi sau đó chống trả thì không được coi là hành vi phòng vệ chính đáng. Điều này cũng có nghĩa là, người phòng vệ trong phòng vệ chính đáng phải có vai trò bị động trong sự tấn công của người kia.
Đặc biệt, cần phân biệt chính xác giữa hành vi phòng vệ và hành vi ẩu đả đánh nhau. Hành vi phòng vệ và đánh nhau có hình thức giống nhau, đều là việc tấn công qua lại lẫn nhau. Để phân biệt chính xác giữa hai hành vi này, chúng ta phải tuân theo nguyên tắc thống nhất giữa chủ quan và khách quan, đồng thời xem xét toàn diện nguyên nhân vụ việc, về vấn đề lỗi trong việc leo thang xung đột, có sử dụng hay chuẩn bị sử dụng vũ khí hay không và việc sử dụng vũ khí có tương đương hay không. Các âm mưu khách quan khác như bạo lực, có tập hợp người khác tham gia đánh nhau hay không... để xác định chính xác ý định chủ quan và bản chất của hành vi. Trong trường hợp tranh chấp về những vấn đề nhỏ nhặt, cả hai bên không thể kiềm chế và gây ra cuộc chiến. Nếu bên vi phạm đã hành động trước và các phương pháp rõ ràng là quá mức hoặc một bên đã hành động trước và tiếp tục vi phạm trong khi bên kia đang nỗ lực để tránh xung đột, thì hành động chống lại của bên còn lại nói chung phải được xác định như một hành động tự vệ.
– Nếu hai bên có xung đột do những vấn đề nhỏ nhặt, sau khi xung đột kết thúc, một bên thực hiện hành vi xâm phạm bất hợp pháp và bên kia trả đũa, kể cả trong trường hợp sử dụng vũ khí, thường được coi là hành động tự vệ. Việc xác định ý định phòng vệ của người phòng vệ không nên bị ảnh hưởng và thủ phạm đã chuẩn bị trước cho việc phòng vệ.
Ngoài các điều kiện để xác định một hành vi là phòng vệ chính đáng, pháp luật hình sự Trung Quốc đề cao việc ngăn chặn việc lạm dụng quyền phòng vệ chính đáng để gây thương tổn cho người khác. Đối với một hành vi vi phạm pháp luật không nghiêm trọng, nếu người phòng vệ trực tiếp sử dụng một phương pháp đủ để gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong để ngăn chặn hành vi đó khi có thể xác định được tính nghiêm trọng của hành vi đó, thì hành vi phòng vệ sẽ không được coi là một hành vi phòng vệ chính đáng. Hành vi vi phạm pháp luật là do lỗi của người phòng vệ và người đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.