Hôn nhân và gia đình – đó là những hiện tượng xã hội mà luôn luôn được các nhà triết học, xã hội học, sử học, luật học ... nghiên cứu. Hôn nhân là cơ sở của gia đình, gia đình là tế bào của xã hội, trong đó là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa lợi ích của mỗi công dân, Nhà nước và xã hội.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm chế định hôn nhân gia đình trong Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ:
Hôn nhân và gia đình – đó là những hiện tượng xã hội mà luôn luôn được các nhà triết học, xã hội học, sử học, luật học ... nghiên cứu. Hôn nhân là cơ sở của gia đình, còn gia đình là tế bào của xã hội mà trong đó kết hợp chặt chẽ, hài hòa lợi ích của mỗi công dân, Nhà nước và xã hội.
C.Mác và Ph.Ăngghen đã chứng minh một cách khoa học rằng hôn nhân và gia đình là những phạm trù phát triển theo lịch sử, rằng giữa chế độ kinh tế – xã hội và tổ chức gia đình có mối liên quan trực tiếp và chặt chẽ. Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước” (1884) Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh rằng chế độ gia đình trong xã hội phụ thuộc vào quan hệ sở hữu thống trị trong xã hội đó và bước chuyển từ hình thái gia đình này lên một hình thái gia đình khác cao hơn suy cho cùng được quyết định bởi những thay đổi trong điều kiện vật chất của đời sống xã hội.
Trước hết, hôn nhân là hiện tượng xã hội – là sự liên kết giữa đàn ông và đàn bà. Trong xã hội có giai cấp hôn nhân mang tính giai cấp. Mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, giai cấp thống trị bằng pháp luật điều chỉnh các quan hệ hôn nhân cho phù hợp với ý chí, nguyện vọng của mình, phục vụ cho lợi ích giai cấp của mình. Ở xã hội nào thì có hình thái hôn nhân đó, và tương ứng với nó là chế độ hôn nhân nhất định. Ở xã hội phong kiến có hôn nhân phong kiến, ở xã hội tư bản có hôn nhân tư sản, ở xã hội chủ nghĩa có hôn nhân xã hội chủ nghĩa.
Khái niệm gia đình rộng hơn khái niệm hôn nhân. Hôn nhân là mối quan hệ giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng, là tiền đề để xây dựng gia đình. Xã hội loài người đã trải qua nhiều hình thái gia đình khác nhau. Gia đình là sản phẩm của xã hội, đã phát sinh và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Các điều kiện kinh tế xã hội trong từng giai đoạn phát triển nhất định phản ánh tính chất gia đình. Do vậy, gia đình là hình ảnh thu hẹp của xã hội, là tế bào của xã hội. Trong mỗi hình thái kinh tế – xã hội khác nhau có tính chất và kết cấu của gia đình cũng khác nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Nếu con người xét đến cùng là sản phẩm của xã hội thì trước hết con người được sinh ra, nuôi dạy và lớn lên trong một gia đình. Chính những thói quen ứng xử trong sinh hoạt hàng ngày và trong các mối quan hệ xã hội khác đã tác động tới nhận thức và hình thành nhân cách của thành viên trong gia đình.
Trên bình diện pháp lý, khái niệm gia đình tức là các quan hệ giữa các thành viên trong gia đình (trong đó bao gồm các nghĩa vụ và quyền của mỗi bên). Mỗi mối quan hệ đều gồm có các quan hệ nhân thân và các quan hệ tài sản. Gia đình trong chế độ phong kiến là gia đình gia trưởng phụ hệ, ở đó quyền định đoạt tài sản gia đình thuộc về người gia trưởng (chồng, cha, mẹ) còn các thành viên khác (người vợ, con cái) khi còn đang ở chung với cha mẹ, đều không có quyền này, bất kể họ còn là con đẻ hay đã trưởng thành. Đó là tập quán lâu đời, bền vững và hầu như không được quy định trong luật pháp.
Chế định hôn nhân gia đình theo góc độ pháp lý bao gồm tất cả các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội về hôn nhân gia đình, thể hiện bản chất chính trị xã hội của quốc gia trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hôn nhân gia đình. Trong QTHL triều Lê sơ và HVLL triều Nguyễn chưa có khái niệm cụ thể về chế định hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, ta có thể hiểu, pháp luật hôn nhân và gia đình thời kỳ nhà Lê, nhà Nguyễn là hệ thống những quy tắc xử sự do nhà nước của thời kỳ này ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.
2. Đặc điểm của chế định hôn nhân gia đình trongQuốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ:
Như đã phân tích ở phần trên, chế định hôn nhân gia đình được hiểu là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật. Nó là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình.
Tuy nhiên ở Việt Nam trong các triều đại phong kiến, chế định hôn nhân gia đình được hình thành dựa trên cơ sở lễ giáo phong kiến. Các quy định về hôn nhân và gia đình dưới thời Lê, thời Nguyễn nhằm mục đích duy trì, bảo vệ truyền thống chế độ gia đình phụ quyền và hiếu nghĩa của con cháu trong dòng tộc. Vì vậy, pháp luật về hôn nhân và gia đình thời kỳ nhà Lê và nhà Nguyễn được thể hiện qua QTHL và HVLL có những đặc điểm riêng biệt sau:
a. Chịu sự chi phối sâu sắc của hệ tư tưởng Nho giáo:
Tư tưởng chính trị Nho giáo được đề cao trong xã hội phong kiến Việt Nam là tư tưởng chính trị phong kiến, nhằm mục đích thiết lập trật tự gia đình và xã hội phong kiến. Theo quan niệm của Khổng Tử, gia đình từ ngàn xưa đã được coi là nền tảng của xã hội. Gia đình vững mạnh, nền tảng xã tắc mới ổn định. Vì vậy, sự quy định về gia đình liên quan mật thiết đến quyền lợi của Quốc gia. Trong giáo lý của Khổng Tử, luân lý gia đình là chủ đề chính. Theo Khổng Tử, con người có năm mối quan hệ cơ bản nhất đó là: quân thần (vua – tôi), phụ tử (cha – con), phu phụ (vợ – chồng), huynh đệ (anh – em), bằng hữu (bạn – bè), trong đó có ba mối quan hệ gắn trực tiếp đến gia đình. Do đó, trật tự xã hội phong kiến lấy gia đình làm trung tâm (đạo tế). Các quy tắc xử sự mang tính pháp lý nhằm xác lập và bảo vệ trật tự gia đình phong kiến rất được chú trọng, những vi phạm đạo đức, lễ nghi nho giáo trong lĩnh vực hôn nhân gia đình bị trừng phạt rất nặng.
Xuất phát từ quan niệm hôn nhân tạo lập gia đình, và gia đình là nền tảng của xã hội, cho nên trong QTHL cũng như trong HVLL đều dành hẳn một chương quy định về hôn nhân và gia đình.
QTHL quy định các điều luật về Hôn nhân gia đình trong quyển III chương V: Hộ hôn, gồm có 58 điều quy định về hộ tịch, hộ khẩu, hôn nhân – gia đình và các tội phạm trong lĩnh vực này. HVLL cũng dành hẳn một chương Hôn nhân gồm 16 điều luật và 17 điều lệ đi kèm quy định về hôn nhân và gia đình. Mục đích của việc điều chỉnh vấn đề hôn nhân và gia đình này là nhằm bảo vệ chế độ tông pháp nho giáo. Những chuẩn mực đạo đức ấy tập trung vào các mối quan hệ cơ bản về kết hôn, li hôn, quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái nhằm bảo vệ chế độ tông pháp và cũng là bảo vệ thuần phong mỹ tục của dân tộc theo quan điểm của giai cấp thống trị.
QTHL và HVLL đều cho phép người trong gia đình được che chở lẫn nhau, con cái có nghĩa vụ không được kiện cáo ông bà cha mẹ. Nếu con cháu mà rủa mắng ông bà cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo thì bị khép vào tội bất hiếu tức là phạm vào thập ác – đó là đạo hiếu truyền thống của người việt. Điều 506 QTHL quy định: “Con cháu trái lời dạy bảo, và không phụng dưỡng bề trên, mà bị ông bà cha mẹ trình lên quan, thì xử tội đồ làm khao đinh, con nuôi, con kế tự mà thất hiếu với cha nuôi, cha kế thì xử giảm tội trên một bậc”. Theo Điều 475, dù ông bà cha mẹ không thưa quan nhưng nếu con cháu lăng mạ ông bà cha mẹ thì xử tội lưu ngoài châu thành đánh thì xử lưu châu xa, đánh bị thương thì xử tội giảo. Điều 307 HVLL cũng quy định: “Nếu phụng dưỡng mà cố ý làm thiếu sót xử phạt 100 trượng lưu 3000 dặm”....
Trong cả hai bộ luật, các quy tắc ứng xử theo lễ nghi Nho giáo được pháp luật xác nhận, bảo vệ và mang tính pháp định. Trên cơ sở các nguyên tắc xử sự đó, hình phạt (nghiêm khắc) được xác định tương ứng với các vi phạm. Vì vậy, pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định trong QTHL và HVLL đều được trình bày dưới dạng các quy phạm pháp luật hình sự.
b. Hôn nhân không tự do:
Ngày nay, chúng ta đánh giá hôn nhân trong chế độ phong kiến là hôn nhân không có tự do. Đó là chúng ta đứng về phía hai bên nam nữ, với quan niệm đề cao và bảo vệ “cái tôi cá nhân” để đánh giá. Hôn nhân hiện đại có (và cần có) sự ưng thuận của hai bên nam nữ. Tuy nhiên, lễ nghi nho giáo lại quy định rất chặt chẽ điều kiện bắt buộc phải có sự ưng thuận của các bậc tôn trưởng trong việc giao kết hôn nhân. Hôn nhân nhất thiết phải có được sự ưng thuận của hai bên, nhưng là hai bên gia đình chứ không phải hai bên nam nữ (đối ngẫu).
Theo quan niệm nho giáo thì hôn nhân là sự kết hợp giữa hai dòng họ, mà mục đích quan trọng nhất của nó là nhằm đáp ứng các quyền lợi lâu dài của dòng họ thông qua việc sinh con cái để duy trì dòng giống, lưu truyền việc thờ phụng tổ tiên. Chính vì vậy mà các cuộc hôn nhân thường do cha mẹ hoặc các bậc bề trên lớn tuổi trong dòng họ sắp đặt, không chú ý đến sự lựa chọn, ưng thuận của hai bên nam nữ. Do vậy pháp luật phong kiến quy định rằng chỉ có hôn nhân do cha mẹ sắp đặt mới có giá trị. Các bộ QTHL và HVLL đều quy định việc kết hôn chỉ được thực hiện khi có cha mẹ hoặc một người tôn thuộc đứng đầu làm chủ hôn. Tuy nhiên pháp luật cũng có quy định hai trường hợp biệt lệ có chú trọng đến sự ưng thuận của hai bên kết hôn: đó là trường hợp việc kết hôn do hai bên nam nữ quyết định vì họ chỉ còn bà con xa hoặc trong trường hợp họ ở xa nhà.
c. Giao ước kết hôn:
Điểm khác biệt giữa hình thức pháp lý của hôn nhân dưới chế độ phong kiến so với hiện nay là lễ hỏi và lễ cưới là hình thức tổ chức cưới gả được thừa nhận. Việc cưới hỏi hoàn toàn do tôn trưởng quyết định. Tuy nhiên, một đặc thù có liên quan đến giá trị pháp lý của hôn nhân là sự đính hôn (hứa gả). Theo chế độ gia trưởng, hứa gả là sự ưng thuận của cha mẹ, các bậc tôn trưởng. Hứa gả có tính chất trói buộc đôi bên. Theo quan niệm nho giáo, pháp luật đặc biệt coi trọng chữ tín, do đó việc bội ước, bội hôn bị coi là hành vi phạm pháp. Cụ thể: Nếu nhà trai đã nạp sính lễ rồi mà không làm lễ cưới nữa thì phải phạt 80 trượng và mất đồ sính lễ; nếu nhà gái hối hôn, đổi ý không muốn gả nữa thì phạt 80 trường ... (Điều 315 QTHL).
d. Duy trì và bảo vệ chế độ đa thê:
khích chế độ đa thể để gia đình có nhiều con cháu. QTHL và HVLL đều quy định về thứ bậc thê thiếp, nếu ai làm trái đều bị xử phạt. Thứ bậc ấy được xác lập giữa người vợ cả (chính thất), vợ lẽ (thứ thất) và nàng hầu (thiếp). Mặc dù khuyến khích chế độ đa thể song mỗi người đàn ông chỉ có quyền lấy một vợ cả, những người lấy sau chỉ được làm vợ lẽ hoặc thiếp. Trừ trường hợp vợ cả chết thì mới được lấy vợ khác làm vợ chính, gọi là kế thất. Nếu vợ cả còn sống mà lấy vợ khác làm chính thất thì hôn nhân bị coi là vô hiệu. Trật tự giữa vợ cả, vợ lẽ với nàng hầu là không thể thay đổi. Điều này không những được điều chỉnh bằng pháp luật mà còn điều chỉnh bằng cả phong tục, tập quán. Đây là biện pháp để giữ vững kỷ cương, trật tự gia đình, nền tảng vững chắc để duy trì sự hòa thuận trong gia đình.
3. Vai trò của chế định hôn nhân gia đình trong Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ:
Pháp luật là một bộ phận thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội. Các bộ luật của nhà nước phong kiến ra đời trên cơ sở kinh tế và kết cấu giai tầng của xã hội này. Vì thế:
Là công cụ trong tay giai cấp phong kiến thống trị, pháp luật là ý chí của giai cấp địa chủ phong kiến được nâng lên thành luật pháp mà nội dung của ý chí đó được quy định bởi điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp phong kiến. Pháp luật phong kiến là phương tiện để bảo vệ trật tự xã hội phong kiến mà trước hết là bảo vệ quan hệ sản xuất phong kiến .
QTHL và HVLL là hai bộ luật phong kiến nên điều hiển nhiên nó là bộ luật bảo vệ chế độ phong kiến. Nói tới luật pháp phong kiến trước hết phải nói tới vai trò tuyệt đối của Hoàng đế. Điều này cũng được thể hiện rõ ở chế định hôn nhân gia đình trong QTHL và HVLL.
Cụ thể: QTHL và HVLL bảo vệ chế độ gia tộc phụ quyền và các nguyên tắc đạo đức phong kiến, củng cố trật tự xã hội, củng cố cơ sở xã hội cho chế độ phong kiến tồn tại và phát triển. Trên cơ sở đề cao hệ tư tưởng Nho giáo, hai bộ luật này đã mặc nhiên thừa nhận những quyền và nghĩa vụ vợ chồng do Nho giáo và tục lệ đặt ra nhằm mục đích bảo vệ tuyệt đối chế độ gia tộc phụ quyền. Bao gồm: thiên về quyền lợi pháp lý người chồng, bảo vệ về quyền lợi của người chồng với tư cách người gia trưởng. Đồng thời, quy định khắt khe về nghĩa vụ của người vợ như: Nghĩa vụ chung sống (đồng cư); nghĩa vụ tòng phu; nghĩa vụ chung thủy, nghĩa vụ để tang … . Người vợ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc các thành viên trong gia đình chồng. Nếu người vợ không thực hiện đúng sẽ bị pháp luật trừng trị bằng nhiều hình phạt khắt khe như bị ly dị, xử tội lưu đày, giảo hình nặng nề (Quy định cụ thể tại các điều luật: Điều 144–146 (thất xuất); 321; 331; 401; 476; 481 QTHL và Điều 108; 284; 289; 290; 332, Khoản 2 Điều 2 HVLL). Rõ ràng, gia đình phụ quyền gia trưởng – hạt nhân, nền tảng của xã hội phong kiến, được nhà nước bảo vệ với nhiều đặc quyền của người đàn ông. Thực chất đây cũng chính là một phương thức để củng cố chế độ phong kiến tập quyền ngày càng cao của nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn.