Chế định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi đơn tố cáo. Pháp luật bảo vệ người tố giác tội phạm như thế nào?
Chế định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi đơn tố cáo. Pháp luật bảo vệ người tố giác tội phạm như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Bố cháu có viết đơn tố cáo một người hàng xóm có hành vi buôn bán ma túy. Bây giờ pháp luật có quy định như thế nào về vấn đề bảo vệ cho người tố cáo không, cháu rất sợ bố cháu bị người hàng xóm này trả thù. Cháu cảm ơn Luật sư nhiều.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 35, Luật Tố cáo đã quy đỉnh rõ về quyền của người tố cáo được bảo vệ như sau:
“1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mình hoặc người thân thích của mình khi có căn cứ xác định việc bị kỷ luật, buộc thôi việc, luân chuyển công tác hoặc bị các hình thức trù dập, phân biệt đối xử khác, bị đe dọa xâm hại hoặc xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
b) Được thông báo về biện pháp bảo vệ được áp dụng; đề nghị thay đổi biện pháp bảo vệ nếu có căn cứ cho rằng biện pháp đó không bảo đảm an toàn; được từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ;
c) Yêu cầu gia hạn thời hạn bảo vệ; yêu cầu bảo vệ lại;
d) Được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ mình mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không áp dụng hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tổn thất về tinh thần cho người được bảo vệ”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, khi bố bạn đi tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người hàng xóm bố bạn sẽ được bảo vệ theo những quy định của pháp luật. Để được bảo vệ như trên thì người tố cáo cũng cần thực hiện một số nghĩa vụ nhất định theo quy định tại khoản 2, Điều 35, Luật Tố cáo. Cụ thể:
“a) Gửi văn bản yêu cầu bảo vệ trong trường hợp quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Luật này đến người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể gặp trực tiếp hoặc thông qua các hình thức thông tin khác để yêu cầu được bảo vệ ngay nhưng sau đó phải gửi văn bản yêu cầu chính thức đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu, căn cứ xác định việc bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc quyền, lợi ích hợp pháp khác là xác thực và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp;
c) Tuân thủ yêu cầu mà cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ đưa ra có liên quan đến công tác bảo vệ; không được tiết lộ biện pháp bảo vệ cho người khác biết”.
Việc tố cáo của công dân giúp cho những hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện, xử lí. Tuy nhiên, chính hành vi tố cáo này gây ảnh hưởng đến sự an toàn của những cá nhân tố cáo và nhân thân của họ. Chính vì vậy mà pháp luật đã đưa ra những quy định về vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích của những cá nhân này để quyền của họ không bị xâm hại đồng thời tạo sự an tâm cho những người tố cáo để họ yên tâm thực hiện quyền của mình.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.