Tiêm phòng vắc xin cho con là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ em sơ sinh. Vậy theo quy định của pháp luật cha mẹ không tiêm phòng cho con có bị xử phạt không?
Mục lục bài viết
1. Cha mẹ không tiêm phòng cho con có bị xử phạt không?
Căn cứ Điều 29 Văn bản hợp nhất 45/VBHN-VPQH 2018 Hợp nhất Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, Điều này quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc như sau:
– Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại các vùng có dịch và đến các vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với những bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.
– Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với những bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
– Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
– Miễn phí sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong những trường hợp sau:
+ Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại các vùng có dịch;
+ Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến các vùng có dịch;
+ Trẻ em, phụ nữ đang có thai.
Theo đó, trẻ em phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với những bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, vì thế Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em phải có trách nhiệm cho con của mình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với những bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng và phải thực hiện các yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc. Nếu Cha, mẹ của trẻ em không cho con của mình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với những bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng (hay còn gọi là tiêm phòng) thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Danh mục bệnh truyền nhiễm và vắc xin bắt buộc trong Chương trình tiêm chủng mở rộng mà cha, mẹ của trẻ em phải cho con mình đi tiêm được quy định tại Thông tư 38/2017/TT-BYT Danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng phải sử dụng vắc xin, bao gồm có:
– Bệnh viêm gan vi rút B:
+ Vắc xin viêm gan B đơn giá;
+ Vắc xin phối hợp có chứa thành phần viêm gan B.
– Bệnh lao: Vắc xin lao.
– Bệnh bạch hầu: Vắc xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu.
– Bệnh ho gà: Vắc xin phối hợp có chứa thành phần ho gà.
– Bệnh uốn ván: Vắc xin phối hợp có chứa thành phần uốn ván.
– Bệnh bại liệt:
+ Vắc xin bại liệt uống đa giá;
+ Vắc xin bại liệt tiêm đa giá.
– Bệnh do Haemophilus influenzae týp b: Vắc xin Haemophilus influenzae týp b đơn giá hoặc vắc xin phối hợp có chứa thành phần Haemophilus influenzae týp b.
– Bệnh sởi:
+ Vắc xin sởi đơn giá;
+ Vắc xin phối hợp có chứa thành phần sởi.
– Bệnh viêm não Nhật Bản B: Vắc xin viêm não Nhật Bản B.
– Bệnh rubella: Vắc xin phối hợp có chứa thành phần rubella.
2. Mức xử phạt khi cha mẹ không tiêm phòng cho con:
Như đã phân tích ở mục trên, nếu Cha, mẹ của trẻ em không cho con của mình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với những bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng (hay còn gọi là tiêm phòng) thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 9 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Không thực hiện hoặc cản trở trẻ em, phụ nữ có thai sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với những bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng;
– Không tư vấn cho người được tiêm chủng, cha, mẹ hoặc gia đình, người giám hộ của trẻ được tiêm chủng trước khi thực hiện tiêm chủng; không tư vấn về lợi ích và rủi ro có thể gặp khi tiêm chủng;
– Không hướng dẫn những người được tiêm chủng hoặc gia đình trẻ được tiêm chủng cách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng;
– Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về hoạt động tiêm chủng theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, cha mẹ của trẻ em không cho con của mình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng (hay còn gọi là tiêm phòng) thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
3. Trách nhiệm trong việc tổ chức sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế:
Căn cứ Điều 30 Văn bản hợp nhất 45/VBHN-VPQH 2018 Hợp nhất Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về trách nhiệm trong việc tổ chức sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, Điều này quy định trách nhiệm trong việc tổ chức sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế như sau:
– Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế cho các Thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho những người mắc bệnh truyền nhiễm, người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và những trường hợp được miễn phí sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
– Bộ trưởng Bộ Y tế phải có trách nhiệm:
+ Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch.
+ Tổ chức triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng và quy định về danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, độ tuổi trẻ em thuộc trong đối tượng của Chương trình tiêm chủng mở rộng.
+ Quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc tuỳ theo về tình hình dịch.
+ Quy định việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đúng với mục đích, đối tượng, thời gian, chủng loại và quy trình kỹ thuật sử dụng; điều kiện của các cơ sở y tế để được sử dụng Vắc xin, sinh phẩm y tế.
+ Quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn để xem xét nguyên nhân khi mà có tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.
– Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.
– Cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện việc tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế ở trong phạm vi chuyên môn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế và những người làm công tác tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế có lỗi trong việc thực hiện sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế thì sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình đã gây ra tai biến cho người được sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế theo quy định của pháp luật.
– Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây ra thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp xác định được lỗi là thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc là người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này sẽ phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 45/VBHN-VPQH 2018 Hợp nhất Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
– Thông tư 38/2017/TT-BYT Danh mục bệnh truyền nhiễm;
– Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.