Cấp dưỡng nuôi con là một trong những nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Vậy cha không nhận con thì có phải cấp dưỡng nuôi con không?
Mục lục bài viết
1. Cha không nhận con thì có phải cấp dưỡng nuôi con không?
Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
– Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
– Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
– Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
– Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Theo đó, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng (bao gồm cả trường hợp con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân). Trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các nghĩa vụ của cha đối với con như sau:
– Cha có nghĩa vụ thương yêu con của mình, tôn trọng ý kiến của con;
– Cha có nghĩa vụ chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức;
– Cha có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con của mình đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc con của mình không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
– Cha có nghĩa vụ giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con của mình đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
– Cha có nghĩa vụ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ;
– Cha có nghĩa vụ không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc con không có khả năng lao động;
– Cha có nghĩa vụ không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội;
– Cha có nghĩa vụ giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập;
– Cha có nghĩa vụ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận;
– Cha có nghĩa vụ làm gương tốt cho con về mọi mặt;
– Cha có nghĩa vụ phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con;
– Cha có nghĩa vụ hướng dẫn con chọn nghề;
– Cha có nghĩa vụ tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con;
– Cha có nghĩa vụ sau khi ly hôn vẫn phải trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con của mình đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc con của mình không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
– Cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn (nếu không trực tiếp nuôi con).
Ngoài ra, tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con, Điều này quy định Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Theo đó, cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của mình, bao gồm:
– Con chưa thành niên (con dưới 18 tuổi);
– Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (nếu trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con).
Như vậy, cha không nhận con phải cấp dưỡng hay không phải cấp dưỡng nuôi con (con dưới 18 tuổi; con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình), sẽ tùy từng trường hợp. Cụ thể:
– Trong trường hợp cha không nhận con nhưng chưa được tòa án xác định người đó không phải là con mình bằng một bản án có hiệu lực thì người con đó theo pháp luật vẫn là con của mình, khi đó người cha vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con và các nghĩa vụ khác mà pháp luật quy định người cha phải thực hiện với con của mình như đã nêu trên.
– Trong trường hợp cha không nhận con và đã được tòa án xác định người đó không phải là con mình bằng một bản án có hiệu lực thì người cha đó không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con kể từ thời điểm bản án/quyết định xác định người con đó không phải là con của mình bắt đầu có hiệu lực và việc người cha có thực hiện cấp dưỡng nuôi con hay không sẽ dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không phải là nghĩa vụ.
2. Thủ tục xác định con khi cha không nhận con:
Như đã phân tích ở mục trên, trường hợp cha không nhận con và đã được tòa án xác định người đó không phải là con mình bằng một bản án/quyết định có hiệu lực thì người cha đó không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Thủ tục để tòa án xác định người đó không phải là con mình được thực hiện như sau:
2.1. Nộp hồ sơ:
Người yêu cầu xác định con nộp hồ sơ lên tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình. Hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
– Đơn khởi kiện yêu cầu xác định con (theo mẫu đơn số 23-DS được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP) hoặc Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự về việc xác định con (theo mẫu đơn số 01-VDS Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP);
– Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);
– CCCD/CMTND của người khởi kiện và người bị kiện;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh Người được nhận là cha không có mối quan hệ cha con (mối quan hệ huyết thống) với người con (ví dụ như giấy xét nghiệm ADN của cơ sở y tế,…).
Người khởi kiện yêu cầu xác định con gửi hồ sơ đã chuẩn bị nêu trên đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây:
– Nộp trực tiếp tại Tòa án;
– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
2.2. Thụ lý vụ án:
– Sau khi nhận được đơn khởi kiện yêu cầu xác định cha con/đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự về việc xác định con, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết.
– Nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho người khởi kiện yêu cầu xác định cha con biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
– Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của tòa án, người khởi kiện yêu cầu xác định cha con phải nộp tiền tạm ứng án phí.
– Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án, người khởi kiện yêu cầu xác định cha con nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
– Tòa án thụ lý đơn khởi kiện yêu cầu xác định cha con kể từ khi nhận được biên lai này.
2.3. Chuẩn bị xét xử:
– Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án yêu cầu xác định cha con được quy định như sau:
+ 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án yêu cầu xác định cha con;
+ Đối với vụ án yêu cầu xác định cha con phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án nơi thụ lý vụ án yêu cầu xác định cha con có thể ra quyết định để gia hạn thêm thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án yêu cầu xác định cha con một lần nhưng không quá 02 tháng.
– Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án yêu cầu xác định cha con, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải tiến hành:
+ Lấy lời khai của các đương sự trong vụ án yêu cầu xác định cha con;
+ Tiến hành các phiên họp thực hiện kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai các chứng cứ;
+ Hòa giải;
+ Tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có).
2.4. Đưa vụ án yêu cầu xác định cha con ra xét xử sơ thẩm:
– Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án yêu cầu xác định cha con ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa.
– Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.